Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam
13/04/2011
Dân chủ và pháp quyền là những đề tài truyền thống giành được nhiều sự quan tâm chú ý của các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà hoạt động xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, triết học, luật học và nhân quyền. Trong nền khoa học pháp lý thế giới, đã có một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền cũng như cơ chế phát huy hiệu quả mối quan hệ này nhằm đem lại sự ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội. Bài nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời giữa dân chủ và quá trình hình thành, xây dựng, phát triển nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy vai trò của hai thành tố này nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển tại Việt Nam. Có thể nói, cốt lõi của một nền dân chủ chính là việc bảo vệ và phát huy năng lực tự thân của các cá nhân trong xã hội, trong khi đó, yêu cầu bảo vệ các cá nhân cũng như sự phát triển của họ lại chính là một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đã và đang trở thành một trong những điều kiện đảm bảo tiên quyết cho sự phát triển của nền dân chủ XHCN tại Việt Nam.
1. Dân chủ
1.1. Một số cách tiếp cận trên thế giới
Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng người Hy Lạp cổ là chủ nhân sáng tạo nền dân chủ và các thiết chế dân chủ xét từ cả phương diện lý luận và thực tiễn.[1] Có thể nói, tư tưởng dân chủ, đặc biệt là văn hóa dân chủ của người Hy Lạp cổ đã để lại những ảnh hưởng hết sức sâu sắc trong nền văn minh nhân loại sau này. Trong tác phẩm “Chính thể đại diện” xuất bản năm 1861, triết gia nổi tiếng người Anh J.S. Mill đã đánh giá cao những hình mẫu thiết chế dân chủ trong giai đoạn này như kiểu tòa án dicastery (có sự tham gia của hàng trăm thẩm phán lấy từ 6.000 thẩm phán là công dân tình nguyện tham gia, bản án được biểu quyết theo đa số) hay kiểu hội nghị ecclesia tại quảng trường của các đô thị Hy Lạp cổ (dân chúng được phát biểu, thảo luận các công việc chung của cộng đồng và quyết định được đưa ra dựa trên đa số biểu quyết bằng giơ tay). Các thiết chế này đã để lại cho nền văn minh nhân loại những khuôn mẫu điển hình nhất về thiết chế dân chủ và thực thi dân chủ trong thực tiễn.[2] Trong tác phẩm chính trị pháp lý nổi tiếng “Bàn về Khế ước xã hội”, J.J.Rousseau cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và ngợi ca sự lôi cuốn của nền văn hóa dân chủ thời cổ đại bằng cách nhắc đi nhắc lại hình ảnh các vị thập đại pháp quan của nền cộng hòa La Mã được dân chúng bầu ra để xây dựng luật thường nói với dân chúng: “Những điều chúng tôi đề nghị ra đây chỉ biến thành luật chừng nào dân chúng đã đồng ý thông qua. Hỡi công dân La Mã, các bạn hãy làm ra luật để bảo đảm lấy hạnh phúc của mình”.[3]
Ngày nay, dân chủ đang trở thành một vấn đề cơ bản và cấp thiết, một loại “môi trường sinh thái” không thể thiếu cho sự phát triển của tất cả các quốc gia – từ các quốc gia phát triển cho đến các quốc gia đang phát triển. Xét về bản chất, dân chủ chính là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng từng cá nhân con người như một thành viên bình đẳng trong xã hội, được lắng nghe và được thể hiện quan điểm, là quyền được tham gia các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tham gia quản lý xã hội và xây dựng các quyết sách thông qua các cơ chế khác nhau trên cơ sở đồng thuận xã hội. Có thể nói, tính hấp dẫn của dân chủ trước hết chính là khả năng tạo ra cơ chế đáp ứng được nhu cầu tự thể hiện của con người, là động lực cho sự năng động, tính tự chủ và tinh thần sáng tạo của từng cá nhân trong cộng đồng.[4]
Trên thế giới, phụ thuộc vào chế độ chính trị, các giá trị văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của từng quốc gia mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về dân chủ. Nói một cách tóm tắt, chúng ta có ba cách tiếp cận cơ bản về dân chủ, tương ứng với chúng là ba định nghĩa khác nhau về dân chủ:
(1) Cách tiếp cận nguồn gốc quyền lực: Dân chủ là chính quyền của nhân dân, nhân dân chính là cội nguồn của quyền lực (government by people), quan điểm này được hình thành từ thời Hy Lạp cổ đại.
(2) Cách tiếp cận từ mục đích của dân chủ: Dân chủ là chính quyền hành động nhân danh và vì lợi ích nhân dân, đây là kiểu mẫu dân chủ của Hoa Kỳ với thông điệp Gettysburg năm 1863 của tổng thống Abraham Lincohn: Chính quyền dân chủ là chính quyền của dân, do dân, vì dân (Government of the people, by the people, for the people).
(3) Cách tiếp cận từ thủ tục thành lập chính phủ: Dân chủ là chính phủ được thành lập theo phương thức cạnh tranh (Democracy as government established by competition). Luận điểm này được luật gia nổi tiếng người Áo Hans Kelsen phân tích và trình bày khá cụ thể trong tác phẩm “Sự hình thành của các nền dân chủ”.[5] Cho đến nay, luận điểm này đã trở thành một quan điểm phổ biến và được chia sẻ rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới.
Như vậy, có thể nói, từ bình diện quốc tế, dân chủ không chỉ thuần túy là hình thức tổ chức chính trị của xã hội dựa trên sự công nhận nhân dân như là nguồn gốc của quyền lực, dựa trên quyền lực của nhân dân trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia. Dân chủ còn là tập hợp các tư tưởng và nguyên tắc nhằm đảm bảo và phát huy mạnh mẽ quyền tự do của các cá nhân, là biện pháp giới hạn và chế ước quyền lực của chính phủ, tránh việc hình thành một chế độ độc tài, phục vụ cho lợi ích một nhóm người. Tuy nhiên, dân chủ chỉ được đảm bảo thực thi một cách có hiệu quả khi chúng ta xây dựng được một cơ chế chặt chẽ, một hệ thống thực thi, giám sát nhằm đảm bảo cho công dân được thực sự tham gia và kiểm soát quyền lực nhà nước.
1.2. Cách tiếp cận tại Việt Nam
Tư tưởng dân chủ theo truyền thống phương Tây được truyền bá và tiếp nhận vào Việt Nam khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành các cuộc đấu tranh chống lại ách cai trị thực dân, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Trên cơ sở phê phán những hạn chế về tính ước lệ, hình thức, nửa vời, không triệt để của nền dân chủ tư sản nói chung, của chế độ dân chủ đại nghị nói riêng, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn khẳng định rằng dân chủ luôn mang tính giai cấp và dân chủ vô sản là một chế độ dân chủ ưu việt vì nó phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ đối với quần chúng lao động, cho phép toàn thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và rộng rãi vào công việc của nhà nước. Theo đó, nhà nước vô sản phải được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ, phương pháp dân chủ và phấn đấu vì mục tiêu dân chủ. Hiến pháp và các đạo luật của nhà nước vô sản phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo các nguyên tắc này.[6]
Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cách tiếp cận về vấn đề dân chủ tại Việt Nam cũng từng bước được mở rộng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc hệ thống các lý thuyết về dân chủ và kinh nghiệm xây dựng các nền dân chủ trong lịch sử văn minh nhân loại. Những nghiên cứu gần đây cho thấy khái niệm dân chủ tại Việt Nam hàm chứa một sự phản ảnh phong phú với nhiều khía cạnh khác nhau:
(1) Quyền lực nhà nước không phải do các thế lực siêu nhiên tạo thành mà do chính con người sống thành xã hội tạo ra. Người dân mới chính là chủ nhân đích thực và tối thượng đối với quyền lực nhà nước,
(2) Dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức bộ máy nhà nước XHCN, mặc dù nguyên tắc hoạt động của nhà nước XHCH đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào một số cơ quan nhưng quyền lực tối thượng đối với nhà nước phải thuộc về nhân dân,
(3) Nhấn mạnh đến chế độ dân ủy quyền cho các đại biểu, những cán bộ được ủy quyền phải là công cụ phục vụ cho lợi ích của nhân dân chứ không phải là một tầng lớp cai trị, dân ủy quyền chứ không mất quyền và dân có quyền bãi miễn người lạm quyền,
(4) Dân chủ là yêu cầu bảo vệ các quyền tự nhiên của cả cộng đồng và cá nhân như quyền được sống, quyền được lao động, học hành, chăm sóc y tế,
(5) Dân chủ là một chế độ mà quyền lực nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ bởi người dân,
(6) Dân chủ đòi hỏi lợi ích và quyền lực của người dân được luật hóa, các cơ quan, viên chức nhà nước phải tôn trọng việc thực hiện các đạo luật này,
(7) Trong quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, nhân dân là người chủ của nhà nước,
(8) Dân chủ là phương thức cơ bản để đoàn kết dân tộc, tạo dựng sức mạnh dân tộc cho sự phát triển,
(9) Dân chủ là triết lý nhân văn sâu sắc của người phương Đông trong đó coi con người là trung tâm trong các hoạt động chính trị “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.[7]
1.3. Tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam
Sau khi giành được chính quyền, do hoàn cảnh đất nước rơi vào chiến tranh trong thời gian dài, cộng với việc học tập và áp dụng một cách máy móc mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của các nước XHCN khác nên đã tạo ra một xã hội trì trệ, chậm phát triển, một bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu, xa rời nhân dân tại Việt Nam. Xu hướng tuyệt đối hóa tính tập thể trong giai đoạn này cũng đã kìm hãm, bào mòn và phủ nhận những giá trị cá nhân, triệt tiêu sự năng động, tính tự chủ, sáng tạo của cá nhân và toàn xã hội. Tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, vi phạm dân chủ đã xảy ra, địa vị làm chủ của người dân còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khủng hoảng kinh tế- xã hội đầu những năm 1980 tại Việt Nam không chỉ thuần túy do những yếu kém về phát triển kinh tế, của bộ máy quản lý nhà nước quan liêu mà còn có nguồn gốc sâu xa từ những khuyết tật của chế độ dân chủ và một xã hội thiếu dân chủ trong giai đoạn này.[8]
Dưới ánh sáng đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Việt Nam đã từng bước dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Đây một cuộc cách mạng sâu rộng trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu dân chủ và hiện thực hóa các giá trị dân chủ vào cuộc sống. Công cuộc dân chủ hóa này được mong đợi sẽ tạo dựng môi trường và động lực cho sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Một xã hội muốn phát triển phải tạo điều kiện đảm bảo cho tự do của mỗi cá nhân và dân chủ chính là điều kiện trực tiếp mang lại tự do cho con người. Mục tiêu chính của tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam là con người phải được phát triển toàn diện và thực sự làm chủ xã hội. Nội dung của tiến trình dân chủ hóa là việc công nhận và đảm bảo thực thi các giá trị dân chủ, các quyền dân chủ tiến bộ vào cuộc sống, làm cho nó trở thành hiện thực trực tiếp và phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2001), Đảng ta đã tiếp tục khẳng định Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.
2. Nhà nước pháp quyền
2.1. Lịch sử hình thành
Pháp quyền là một khái niệm được hình thành và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử của văn minh nhân loại. Các nội dung, nguyên tắc cơ bản của pháp quyền đã không ngừng được giải thích, bổ sung và hoàn thiện theo từng giai đoạn và từng thời kỳ lịch sử. Từ thời Hy Lạp cổ đại, tư tưởng pháp quyền xuất hiện nơi mà nền dân chủ sơ khai đã được hình thành. Trong giai đoạn này, các nhà tư tưởng cổ đại không chỉ thuần túy quan tâm tới tính thượng tôn của pháp luật mà còn coi pháp quyền như là một phương thức tìm kiếm sự tổ chức hợp lý của hệ thống quyền lực nhà nước. Đáng chú ý trong thời kỳ này là tư tưởng pháp quyền sơ khai của hai triết gia nổi tiếng Plato và Aristotle. Plato khẳng định pháp luật phải là ông chủ của chính quyền để ngăn ngừa sự xuất hiện của những kẻ chuyên quyền. Tương tự, Aristotle cho rằng pháp luật cần phải được xem như là sự kiềm chế đối với các pháp quan để hạn chế sự tùy tiện trong quá trình đưa ra các phán quyết.
Tư tưởng và các học thuyết pháp quyền được tiếp tục bổ sung và phát triển khi giai cấp tư sản ở các quốc gia phương Tây không ngừng lớn mạnh, đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến và giáo hội, từ đó từng bước giành ảnh hưởng trên chính trường. Trong thời kỳ này, tư tưởng pháp quyền được phát triển và hòa quện vào các học thuyết về phân quyền, chủ nghĩa lập hiến và dân chủ. Nhiều nhà nghiên cứu lớn đã xuất hiện với vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi đắp và phát triển các học thuyết pháp quyền. Các tên tuổi và tác phẩm trứ danh trong thời kỳ này cần phải kể đến là Locke J. với tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, J.J. Rousseau với tác phẩm “Khế ước xã hội” và Ch.L. Montesquieu với tác phẩm “Tinh thần pháp luật”. Đặc điểm nổi bật nhất của tư tưởng pháp quyền trong giai đoạn này là đề cao các giá trị dân chủ, tự do và quyền con người. J.J. Rousseau đã bắt đầu tác phẩm của mình với câu nói bất hủ: “Con người được sinh ra một cách tự do, nhưng khắp nơi lại bị xiềng xích”. Từ đó, các nhà tư tưởng trong giai đoạn này tập trung tìm kiếm một cơ chế chế ước quyền lực nhà nước, chống lại sự lạm quyền và xây dựng một mô hình chính phủ hợp lý nhằm hạn chế việc vi phạm các quyền con người. Ch.L. Montesquieu với học thuyết tam quyền phân lập đã được các học giả tư sản phương Tây coi là hòn đá tảng trong việc xây dựng lý luận tổ chức quyền lực nhà nước tư sản. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét khái quát tư tưởng pháp quyền chủ đạo trong giai đoạn này bằng một khẩu hiệu: Con người chỉ được tự do khi chính phủ không được tự do.
2.2. Pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới
Các hướng tiếp cận về pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới là hết sức phong phú, đa dạng. Để có thể hiểu được toàn diện khái niệm pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới, chúng ta cần xem xét các học thuyết pháp quyền trong mối quan hệ biện chứng, liên tục, đan xen, gắn bó và bổ sung cho nhau. Trong khi hệ thống pháp luật Anh-Mỹ nhấn mạnh pháp quyền như một sự cơ chế đảm bảo cho sự vận hành hợp lý và hiệu quả của hệ thống pháp luật nhằm giúp các cá nhân trong xã hội có thể hợp tác và theo đuổi những kế hoạch phát triển của mình thì các học thuyết pháp quyền của Đức nhấn mạnh đến nguyên tắc phân chia, phân công quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố cơ chế tiếp cận công lý và đảm bảo quyền con người. Hướng tiếp cận về pháp quyền của Trung Quốc, quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN lại thể hiện thái độ thận trọng trên con đường tìm kiếm mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế nhấn mạnh đến tính linh hoạt, tính mở và năng động của khái niệm pháp quyền trên thế giới tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của từng quốc gia.
2.3. Nhà nước pháp quyền XHCH tại Việt Nam
Tư tưởng và học thuyết pháp quyền hiện đại của phương Tây được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian dài sau khi giành được chính quyền, do đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, cộng với những định kiến sai lầm trong quan niệm về pháp quyền, đồng nhất một cách máy móc nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản nên các tư tưởng, học thuyết và nguyên tắc pháp quyền vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, tìm tòi, hoàn thiện.
Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được xóa bỏ. Yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã yêu cầu nhà nước Việt Nam phải được tiếp tục hoàn thiện về mặt tổ chức để thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sau 5 năm thực hiện chính sách đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII ngày 29 tháng 11 năm 1991, khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được đề cập tới như một mục tiêu cần hướng tới của một xã hội văn minh. Sau một thời gian dài của quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền, đến năm 2002, khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” mới chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định định hướng cho quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam.
3. Mối quan hệ giữa xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam
3.1. Một số nghiên cứu về dân chủ và pháp quyền trên thế giới
Tư tưởng pháp quyền là một tư tưởng được hình thành và phát triển cùng nhịp đập với quá trình phát triển của các nền dân chủ như yêu cầu tất yếu về sự hình thành một cơ chế nhằm duy trì và bảo vệ chế độ dân chủ. Pháp quyền ra đời nhằm bảo vệ các giá trị và nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, chống lại các chế độ chuyên quyền, độc đoán, khẳng định và bảo vệ các nguyên tắc tự do, bình đẳng và quyền con người. Trong nền khoa học pháp lý thế giới, có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền. Có nghiên cứu cho rằng, pháp quyền chỉ nhấn mạnh đến cơ chế hoạt động hợp lý của hệ thống pháp luật, vì vậy, pháp quyền có thể tồn tại ngay trong lòng các quốc gia phi dân chủ. Từ đó, quan điểm này cho rằng pháp quyền là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ cho dân chủ.[9] Ngược lại, cũng có nghiên cứu cho rằng cốt lõi của dân chủ là các quyền tự do cá nhân và pháp quyền chính là cơ chế đảm bảo thực thi các quyền này.[10] Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu pháp quyền nổi tiếng là Hans Kelsen và F.A. Hayek lại cho rằng sẽ là sai lầm nếu coi pháp quyền như một biện pháp trực tiếp bảo vệ tự do của cá nhân trong mối quan hệ với chính phủ. Xét về bản chất, pháp quyền là yêu cầu hết sức thiết yếu đối với nền dân chủ bởi pháp quyền giúp hợp lý hóa những hoạt động của chính phủ trong hoạt động xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, tạo dựng những đảm bảo nhất định trong lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp các cá nhân trong xã hội hợp tác để theo đuổi các mục tiêu phát triển của mình.[11]
Tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền, một nghiên cứu gần đây của Ulrich K. Preuss khẳng định tương lai của nền dân chủ phụ thuộc chủ yếu vào việc bảo vệ và phát huy năng lực tự thân của các cá nhân trong xã hội. Việc bảo vệ cá nhân cũng như sự phát triển của họ lại chính là chức năng cơ bản của pháp quyền. Từ đó ông đưa ra một quan điểm mà đến nay đã chấp nhận khá rộng rãi, đó là sự phát triển của pháp quyền là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một nền dân chủ chân chính.[12]
3.2. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa pháp quyền và dân chủ được thể hiện khá rõ nét trong khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN, theo đó, đây là mô hình nhà nước được tổ chức và vận hành nhằm bảo vệ và phát huy chế độ dân chủ của xã hội. Nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN là xây dựng nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.[13] Từ phương pháp tiếp cận trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng linh hồn cốt lõi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam chính là là yêu cầu về dân chủ. Yêu cầu này được xây dựng trên cở sở triết lý pháp luật tổng quát của Hồ Chí Minh là triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhà nước pháp quyền chính là một thành tố quan trọng, không thể thiếu của một nền dân chủ tại Việt Nam.[14]
Xét về bản chất, dân chủ và pháp quyền có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Có thể khẳng định dân chủ XHCN là một hình thức chính trị – nhà nước của xã hội, thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực.[15] Chính vì vậy, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước. Dân chủ luôn luôn là mục tiêu lớn của cách mạng Việt Nam và dân chủ hóa là con đường để hiện thực hóa mục tiêu đó. Tuy nhiên, mở rộng dân chủ và quá trình dân chủ hóa phải được thực hiện trên một nền tảng pháp luật vững chắc và một cơ chế hoạt động hợp lý, có hiệu quả từ phía nhà nước. Xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh chính là một biện pháp quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế của chế độ dân chủ trước đây, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa và đáp ứng tốt hơn đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) và lần thứ VIII (1996), Đảng ta đã liên tục khẳng định: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách nền hành chính Việt Nam là những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ dân chủ mới. Ngược lại, sự vững mạnh của nhà nước pháp quyền XHCN cũng phụ thuộc vào chất lượng dân chủ.[16] Nếu Nhà nước pháp quyền được gieo hạt và nảy mầm trên một mảnh đất dân chủ cằn cỗi, yếu ớt thì sẽ không còn là nhà nước đại diện cho quyền lực của nhân dân, khi đó, nhà nước chỉ là cái vỏ bọc pháp lý để nhân danh xã hội và nhân dân trên danh nghĩa. Mặt khác, Nhà nước pháp quyền chỉ có thể phát triển trong một môi trường có sự giám sát, phản biện mạnh mẽ và sự tham gia có trách nhiệm của một xã hội công dân. Một cơ chế giám sát hiệu quả của nhân dân đối với hoạt động công quyền cũng chính là một điều kiện quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 tháng 01 năm 2011 đến ngày 19 tháng 1 năm 2011 đã tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Từ mục tiêu này, Đảng ta khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.
Nguyễn Xuân Tùng
[1] Chính quyền Athen dân chủ được thành lập vào năm 508 TCN bởi Cleisthenes được coi là thiết chế dân chủ đầu tiên từ phương diện tổ chức chính quyền. Xem Richard Wollheim, ‘Democracy’ (1958) 19 University of Pennsylvania Press 225, 225.
[2] John Stuart Mill (bản dịch của Nguyễn Văn Trọng và Bùi Văn Nam Sơn): Chính thể đại diện, Nhà Xuất bản tri thức, năm 2008, tr 125.
[3] Jean-Jacques Rousseau (bản dịch của Hoàng Thanh Đạm): Bàn về Khế ước xã hội, Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị, năm 2004, tr. 35.
[4]N.M. Voskresenskaia and N.B. Davletshina (Bản dịch của Phạm Nguyên Trường): Dân chủ: Nhà nước và Xã hội, Nhà Xuất bản Tri thức, năm 2008, trang 17.
[5]Hans Kelsen, ‘Foundations of Democracy’ (1955) 36 Ethics 1, 84.
[6] PGS.TS. Lê Minh Quân: Tư tưởng chính trị của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2009, từ trang 65 đến 96.
[7]Viện Chính trị học: Chính trị học-Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà Xuất bản Chính trị – Hành chính, năm 2009, trang 54-59.
[8]TS. Vương Thị Bích Thủy: Tất yếu và Tự do-Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, năm 2004, trang 218 đến 247.
[9] Xem tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Rule_of_Law.
[10]Thomas Carothers, “The rule of law Revival” (1998) 2 Foreign Affairs 77.
[11] F.A. Hayek: Đường về nô lệ (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà Xuất bản tri thức, 2008, tr. 153-174.
[12]Ulrich K. Preuss, ‘Perpectives of Democracy and the Rule of Law’ (1991) 18 Journal of Law and Society, 353, 363.
[13] Từ điển bách khoa Việt Nam, Nhà Xuất bản Từ điển, tập 3, năm 2003, trang 218.
[14]TS. Ngô Huy Cương: Dân chủ và Pháp luật dân chủ, Nhà Xuất bản Tư pháp, 2006, trang 48.
[15]GS.TSKH. Đào Trí Úc (Chủ biên): Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2009, trang 23.
[16]PGS.TS. Phạm Văn Đức, PGS.TS. Đặng Hữu Toàn, GS.TS. Trần Văn Đoàn, TS. Ulrich Dornberg (đồng chủ biên): Công bằng xã hội, Trách nhiệm xã hội và Đoàn kết xã hội, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, trang 436.