Với tính chất đặc biệt, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 được quy định tại Chương XXXII, Phần thứ bảy (thủ tục đặc biệt). Thủ tục này đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng giải quyết những vụ án hình sự có người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên; qua thực tiễn thi hành, đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực trong đấu tranh, xử lý tội phạm người chưa thành niên. Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 lại không quy định về các nguyên tắc tiến hành tố tụng giải quyết vụ án liên quan người chưa thành niên. Khắc phục nhược điểm này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xây dựng một điều mới – Điều 414, trong đó đã quy định đầy đủ, toàn diện 07 nguyên tắc mà cơ quan, người tiến hành tố tụng phải quán triệt, tôn trọng và nghiêm túc thực hiện khi tiến hành tố tụng đối với những vụ án liên quan người dưới 18 tuổi (Bộ luật mới đã thay cụm từ “người chưa thành niên” bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi”), nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự.
Việc ghi nhận, quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng này là điểm đổi mới rất cơ bản về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự, thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo đảm việc bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc. Các nguyên tắc này được luật tố tụng hình sự đề ra, có tính chất bắt buộc thực hiện, do đó, cơ quan, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan người dưới 18 tuổi, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm hoặc thực thi không đầy đủ gây ảnh hưởng hạn chế tới việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự.
Điều 414. Nguyên tắc tiến hành tố tụng
1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
4. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Phan Vũ