Ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
09/10/2006
Theo đó có 3 hình thức giám sát doanh nghiệp:
Giám sát từ bên trong doanh nghiệp là giám sát nội bộ do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện.
Giám sát từ bên ngoài là giám sát do chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện dưới 2 hình thức: giám sát gián tiếp qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của chủ sở hữu; giám sát trực tiếp là việc kiểm tra, nắm tình hình trực tiếp tại doanh nghiệp.
Giám sát trước, trong và sau hoạt động của doanh nghiệp về tính khả thi của các kế hoạch, các dự án đầu tư, phương án huy động vốn…; quá trình thực hiện các kế hoạch và dự án của doanh nghiệp; kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở các báo cáo định kỳ, việc chấp hành các quyết định của chủ sở hữu hoặc Điều lệ doanh nghiệp, việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là: Doanh thu và thu nhập khác (áp dụng chỉ tiêu sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế gồm: điện, than, dầu khí, xi măng); lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; Tình hình chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, chế độ báo cáo tài chính và báo cáo khác; tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; chủ trì cùng các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn riêng về chỉ tiêu đánh giá hiệu quả lao động và xếp loại đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, tài chính.
(Theo website Chính phủ)