Bất cập trong quy định hủy giấy chứng nhận kết hôn trái pháp luật
24/10/2008
Đơn cử năm 2007 chị Nguyễn Thị L. đến UBND xã P.H, huyện L.V đăng ký kết hôn nhưng khi làm thủ tục đăng ký chị L. lại lấy các giấy tờ như CMND của chị ruột mình là Nguyễn Thị T. đăng ký. Sau đó khi UBND xã P.H phát hiện chị L. sử dụng giấy tờ của người khác làm thủ tục đăng ký kết hôn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính xử phạt chị 350.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị Tòa án nhân dân phạtn L.V huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà UBND xã P.H đã cấp. Nhưng khi chị L. đến Toà án thì phía toà án nhận định Toà án chỉ giải quyết các yêu cầu về hôn nhân và gia đình như huỷ việc kết hôn trái pháp luật, công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn… việc thu hồi và huỷ bỏ chứng nhận đăng ký kết hôn không thuộc thẩm quyền của Toà án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định 76/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì sau khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị Toà án nhân dân có thẩm quyền huỷ bỏ Giấy chứng nhận kết hôn đã cấp. Liên quan đến vấn đề này tại Điểm k, Khoản 1, Điều 78 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định UBND cấp huyện có thẩm quyền ra Quyết định thu hồi, huỷ bỏ những giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định. Như vậy, việc thu hồi, huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn chưa được thống nhất về phía cơ quan nào sẽ có thẩm quyền giải quyết gây nhiều khó khăn cho người dân. Thiết nghĩ, pháp luật cần quy định thẩm quyền thu hồi và huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn phải do UBND các cấp thực hiện vì chính các cơ quan này là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho công dân khi có yêu cầu./.
Thanh Xuân