Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung quy định mới về bảo vệ việc chiếm hữu

Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Trong trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu thì phân chia thành ngay tình hay không ngay tình.



Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định hoàn toàn mới suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu và bảo vệ việc chiếm hữu. Theo đó, người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình, người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh; trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền; người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.



Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại. (Điều 184, Điều 185 Bộ luật Dân sự năm 2015)./.

Hồng Hải

1900.0191