Cần ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

Cần ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

03/11/2008

Trong thời gian qua, khi chưa có Luật Trợ giúp pháp lý, một số quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý đã được quy định dưới dạng quy tắc nghiệp vụ trợ giúp pháp lý mà các chuyên viên trợ giúp pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải tuân theo khi thực hiện trợ giúp pháp lý (được quy định tại mục 2 phần II Thông tư số 07/1998/TT-BTP ngày 05/12/1998 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý).
Các quy tắc này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có chất lượng và định hình hoàn chỉnh hơn các quy tắc này. Vì vậy, khi Luật Trợ giúp ra đời đã xác định rõ hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu các chế định và thực tiễn thực hiện các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý trong những năm qua cho thấy một số hạn chế, bất cập bộc lộ rõ như sau:

          Thứ nhất, các quy tắc nghiệp vụ được quy định còn dàn trải, chưa được thống nhất trong một văn bản. Một số mang tính chất của những nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, một số như là nội dung của các quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý.  

          Thứ hai, khái niệm quy tắc nghề nghiệp cũng chưa được làm rõ, các quy tắc chưa được nhận diện đầy đủ, khái quát và thống nhất, còn thiên về liệt kê, chưa đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực, yêu cầu của trợ giúp pháp lý như một ngành nghề. 

           Thứ ba, chưa có cơ chế và chế tài bảo đảm thực hiện, có tình trạng có lúc, có nơi, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý còn chưa thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thiếu rèn luyện, bồi dưỡng và tuân thủ quy tắc nghề nghiệp, thậm chí có nơi còn xem nhẹ nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý làm suy giảm lòng tin của người được trợ giúp pháp lý.

            Nguyên nhân của tình trạng này là do: Một là, trợ giúp pháp lý là một loại hình nghề nghiệp còn rất mới mẻ; Hai là, nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh các hành vi của người thực hiện trợ giúp pháp lý còn hạn chế; Ba là, công tác nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý chưa được chú trọng, thậm chí bị xem nhẹ, trong khi nhiều nước đã hình thành nên nhiều quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (Hoa Kỳ, Úc…). 

Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý đã pháp điển hoá nhiều quy tắc nghiệp vụ thông qua các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc các hành vi bị nghiêm cấm hoặc tại các quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý coi các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là một trong những nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP). Việc ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cũng là một trong những nội dung của quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý (khoản 2 Điều 46 Luật Trợ giúp pháp lý, điểm b khoản 1 Điều 44 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP). Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 44 của Nghị định số 07/2007/ND-CP ngày 12/01/2007 thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là bảo đảm thực hiện Luật và tăng cường chất lượng trợ giúp pháp lý.  

Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cần được quán triệt trên cơ sở các quan điểm, định hướng và nội dung cơ bản sau đây:  

        Thứ nhất, quy tắc phải thể hiện và quán triệt đầy đủ nội dung, tinh thần của Luật trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.  

                Thứ hai, phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các quy tắc nghề nghiệp với phạm vi điều chỉnh của đạo đức nghề nghiệp để có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không loại trừ hiệu lực của nhau. Qua đó, Nhà nước có căn cứ quản lý, điều chỉnh được các quan hệ xã hội phát sinh trong nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (do Nhà nước và xã hội thực hiện ) để thúc đẩy nghề này phát triển.  

          Thứ ba,  nhận diện đầy đủ và làm rõ nội hàm của các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, thiết lập được cơ chế bảo đảm thực hiện các quy tắc đó trên thực tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.  

          Thứ tư, nội dung cụ thể của Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cần phải thể hiện những vấn đề cơ bản sau đây:  

          Một là, các quy tắc chung như: độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và không trái đạo đức xã hội; bảo đảm bí mật thông tin; thận trọng, khách quan; không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp; có tinh thần trách nhiệm; bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.  

          Quy tắc độc lập, tuân thủ pháp luật và không trái đạo đức xã hội đòi hỏi khi thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL phải thực sự không bị chi phối hoặc tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan và độc lập nghề nghiệp của mình. Người thực hiện TGPL phải hiểu và nắm vững pháp luật qua các văn bản để áp dụng trong trường hợp cụ thể, trên cơ sở pháp luật, đưa ra các giải pháp thích hợp đối với từng vụ việc; không chỉ hiểu và nắm vững pháp luật mà còn biết thể hiện thành sản phẩm cuối cùng, phản ánh đúng tinh thần của pháp luật và ý nguyện của xã hội. Mọi vấn đề cần phải được xem xét, đánh giá trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật và vận dụng chúng bằng niềm tin nội tâm. Mọi hành vi của người thực hiện TGPL và sản phẩm của quá trình thực hiện TGPL phải không trái với các chuẩn mực, các giá trị chung được xã hội thừa nhận.  

          Quy tắc bảo mật đòi hỏi người thực hiện TGPL phải bảo đảm các bí mật các thông tin, tài liệu mà mình có được trong khi thực hiện TGPL; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.  

          Quy tắc thận trọng, khách quan đòi hỏi người thực hiện TGPL phải luôn cẩn trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá về các tình tiết khách quan của vụ việc; về các tình tiết, thông tin do người được TGPL và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp liên quan đến vụ việc mà mình đang thực hiện; về các quy định pháp luật đang có hiệu lực pháp luật được áp dụng cho vụ việc; về những nội dung TGPL mà mình đưa ra cho người được TGPL cũng như khả năng tác động đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị. Khi rời vào các trường hợp, hoàn cảnh cụ thể có khả năng làm ảnh hưởng đến tính khách quan thì cần phải từ chối thực hiện công việc.  

          Quy tắc không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp đòi hỏi người thực hiện TGPL phải không ngừng trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.  

          Quy tắc trách nhiệm với nghề đòi hỏi người thực hiện TGPL phải ý thức được công việc mình làm, dám chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, tự giác thực hiện các công việc được giao theo đúng lương tâm và trách nhiệm. Tận tuỵ trong công việc, chu đáo, cẩn trọng khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, ý thức được hành vi của mình không chỉ liên quan đến một người mà có thể ảnh hưởng đến nhiều chủ thể, hậu quả xảy ra trong trường hợp có sai sót là rất lớn.  

          Quy tắc bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL đòi hỏi khi thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL phải sử dụng mọi biện pháp hợp pháp, mọi tri thức hiểu biết và kinh nghiệm của mình để hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.  

          Hai là, các quy tắc trong quan hệ với người được TGPL: người thực hiện TGPL phải có thái độ niềm nở, tận tình; tôn trọng, biết đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ với những vướng mắc, bất cập của người được TGPL; biết từ chối đối với những đòi hỏi không chính đáng hoặc vượt quá khả năng của mình; biết tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; tận tâm hướng dẫn người được TGPL thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân của mình.  

          Ba là, các quy tắc trong quan hệ với đồng nghiệp người thực hiện TGPL phải chính trực, thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng, tôn trọng đồng nghiệp không nói xấu, tranh công hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; có ý thức phê và tự phê đối với đồng nghiệp trên tinh thần đoàn kết, xây dựng vì thanh danh và uy tín nghề nghiệp.  

          Bốn là, các quy tắc nâng cao tính chất nghề nghiệp: người thực hiện TGPL phải liêm chính, luôn yêu nghề, tận tâm, tận lực với nghề; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc; trung thực; có bản lĩnh nghề nghiệp, hướng tới cái đúng, cái công bằng và cái hoàn thiện; không lợi dụng uy tín nghề nghiệp vào mục đích vụ lợi hoặc làm ảnh hưởng đến các chủ thể khác.  

          Có thể nói, các quy tắc nêu trên là những quy tắc rất cơ bản thể hiện đầy đủ các đặc trưng cơ bản của nghề TGPL. Tuy nhiên, để các quy tắc nghề nghiệp TGPL được thực hiện đầy đủ và thống nhất, ngoài việc xác định nội dung cụ thể của mỗi quy tắc nghề nghiệp cũng cần phải làm rõ các biện pháp bảo đảm thực hiện bằng việc quy định các hành vi người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL không được làm cũng như thiết lập các cơ chế cần thiết để các chủ thể có căn cứ thực hiện, tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp và nhân dân có căn cứ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện các quy tắc nghề nghiệp TGPL, kịp thời có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm để các quy tắc trên đây được thực hiện trên thực tế.  

Lê Thuý

1900.0191