Chế độ đào tạo nghề cho các lao động đặc thù

Chế độ đào tạo nghề cho các lao động đặc thù

21/01/2009

Lao động đặc thù là những lao động có những đặc điểm riêng biệt về thể chất, tinh thần, chức năng sinh học…mà do những đặc điểm này họ có thể gặp những trở ngại nhất định khi tham gia quan hệ lao động. Các lao động đặc thù thường được nhắc đến là: lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người tàn tật và lao động là người cao tuổi.
 
Bên cạnh những chế độ lao động chung áp dụng cho mọi người lao động, Nhà nước có quy định và áp dụng các chế độ lao động riêng phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi loại lao động đặc thù trong mối quan hệ phù hợp với quyền lợi của các lao động khác. Luật dạy nghề được Quốc hội Khoá XI ban hành ngày 29/11/2006 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2007) được áp dụng chung cho tất cả mọi tổ chức, cá nhân khi thiết lập quan hệ học nghề. Bên cạnh đó, Luật dạy nghề, Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng có những quy định riêng về chế độ đào tạo nghề đối với các lao động đặc thù. Trong số các lao động đặc thù đã liệt kê trên đây, Nhà nước chủ yếu quy định riêng về chế độ đào tạo nghề đối với lao động nữ và lao động là người tàn tật. Chế độ đào tạo nghề được áp dụng chung cho những người từ đủ 13 tuổi trở lên (Điều 22 Bộ luật lao động), tức là chung cho cả lao động là người chưa thành niên và lao động là người đã thành niên. Nếu có quy định riêng đối với lao động là người chưa thành niên thì chỉ là quy định về những vấn đề có liên quan đến đào tạo nghề, như: nghề học, môi trường dạy và học nghề…để đảm bảo rằng việc đào tạo nghề không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của đối tượng này. Điều đó cho thấy thường sẽ không có và không nhất thiết phải có những quy định riêng trực tiếp về chế độ đào tạo nghề cho lao động chưa thành niên như đối với những lao động đặc thù khác. Người lao động cao tuổi (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi) không phải (hoặc không nên) là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề bởi đơn giản họ là người cao tuổi, cần được nghỉ ngơi và chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn những người khác. Đây cũng chính là lý do mà Nhà nước không có những quy định riêng về chế độ đào tạo nghề cho người lao động cao tuổi, mặc dù họ cũng là người lao động đặc thù trong xã hội. Với cách đặt vấn đề như vậy, chuyên đề này chỉ đề cập tới những quy định riêng về chế độ đào tạo nghề đối với lao động nữ và lao động là người tàn tật.

1. Chế độ đào tạo nghề đối với lao động nữ

Lao động nữ là người lao động có giới tính là nữ, gắn liền với chức năng làm mẹ. Chính từ việc thực hiện chức năng này mà nhìn chung cơ hội cho lao động nữ tham gia quan hệ lao động và thăng tiến trong công việc là ít hơn so với lao động nam. Trong Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày 08/9/2006 có nhận định: “…Trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ nhìn chung còn thấp so với nam giới và so với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tư tưởng trọng nam coi thường nữ, tệ phân biệt đối xử với phụ nữ còn khá phổ biến. Gánh nặng công việc gia đình làm cản trở phụ nữ tiến bộ…”.Quy định riêng về chế độ đào tạo nghề cho lao động nữ là một trong những biện pháp tích cực giúp lao động nữ cải thiện tình trạng này. Khoản 1 Điều 110 Bộ luật lao động quy định: “Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Như vậy, bên cạnh chế độ đào tạo nghề, đào tạo lại, bồi dưỡng, bổ túc nâng cao trình độ nghề như những người lao động khác thì được đào tạo nghề dự phòng chính là chế độ riêng áp dụng cho lao động nữ. Do đặc điểm về giới tính và thiên chức làm mẹ của lao động nữ mà có những công việc, nghề nghiệp không cho phép sử dụng lao động nữ hoặc lao động nữ không có khả năng, điều kiện để làm việc một cách liên tục, ổn định. Nghề dự phòng tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ khi họ không thể tiếp tục làm việc cũ. Đó chính là lí do để Nhà nước ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp, trong quá trình sử dụng lao động, phải đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ khi làm việc ở những nghề mà không thể đảm bảo liên tục cho đến khi họ nghỉ hưu[1]. Quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với lực lượng lao động đặc biệt này. Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp thảo luận với Ban chấp hành Công đoàn để xác định loại nghề cần phải có thêm nghề dự phòng cho lao động nữ. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, doanh nghiệp có thể tự tổ chức đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ hoặc kí hợp đồng đào tạo với các cơ sở chuyên dạy nghề. Lao động nữ có quyền nghỉ việc để học liên tục hoặc vừa học vừa làm trong giờ làm việc. Thời gian học nghề dự phòng lao động nữ vẫn được hưởng những quyền lợi cơ bản như khi làm việc. Nếu lao động nữ học nghề dự phòng mà không nghỉ việc thì còn được hưởng khoản tiền bằng số tiền lương cấp bậc của thời gian lẽ ra phải nghỉ việc để hoàn thành khóa học, nhưng không quá 4 tháng tiền lương mỗi khoá học. Ngoài ra, người lao động còn được doanh nghiệp thanh toán toàn bộ tiền học phí. Chi phí đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ được lấy từ Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Các doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả công tác đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ vào ngày 30/11 hàng năm[2].

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hưởng chính sách ưu đãi về vay vốn, về thuế…[3]. Về mặt hình thức, việc đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ tại các doanh nghiệp này có thể gián tiếp được hưởng các lợi ích từ chính sách ưu đãi đó. Các doanh nghiệp không thuộc loại sử dụng nhiều lao động nữ sẽ không được hưởng bất kì chính sách ưu đãi gì. Tuy nhiên, xét về thực chất thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ và nhìn chung không được hưởng sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Việc xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động như các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động hiện nay (Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 và Thông tư số 19/LĐTBXH – TT ngày 12/9/1996) dường như trái với quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật lao động[4]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật lao động thì trách nhiệm đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ thuộc về “các cơ quan Nhà nước” chứ không thấy nhắc đến trách nhiệm của các doanh nghiệp. Cũng cần tiếp cận như vậy mới đúng với bản chất của vấn đề này. Bởi vì ưu tiên cho lao động nữ là chính sách của Nhà nước cho lực lượng lao động này thì Nhà nước phải chịu chi phí cho việc thực hiện các chính sách đã quy định. Đồng ý doanh nghiệp là người sử dụng và khai thác sức lao động của lao động nữ thì cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm cùng Nhà nước thực hiện chính sách đối với lao động nữ. Song chỉ nên ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp ở một mức độ hợp lý, chứ không nên chuyển hoàn toàn trách nhiệm của các doanh nghiệp như cách làm hiện nay. Trên thực tế cũng do cách làm này mà nhìn chung các doanh nghiệp không thực hiện tốt công tác đào tạo nghề dự phòng và người chịu thiệt thòi vẫn là người lao động. Vì vậy trong thời gian tới Nhà nước cần phải sửa đổi, bổ sung những quy định về đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ trong Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 và Thông tư số 19/LĐTBXH-TT ngày 12/9/1996. Bên cạnh việc áp dụng chính sách đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động về vay vốn, thuế như hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hoặc Quỹ giải quyết việc làm của địa phương cho công tác đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Khoản kinh phí hỗ trợ này được xác định tuỳ vào chi phí thực tế của các doanh nghiệp cho công tác đào tạo nghề dự phòng theo những thủ tục thực hiện tương ứng.

Hiện nay Nhà nước cũng chưa quy định các biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không tốt nghĩa vụ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ theo quy định. Một câu hỏi đặt ra là phải chăng do chính quy định về đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ chưa hợp lý nên không thể đặt ra vấn đề xử lý các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ này? Song dù sao việc vi phạm nghĩa vụ mà không phải chịu chế tài thì vi phạm sẽ tiếp tục xảy ra, pháp luật không thể đi vào cuộc sống và người chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề dự phòng, Nhà nước cần bổ sung vào Nghị định 113/2004/NĐ-CP (Nghị định của Chính phủ ngày 16/4/2004 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động) các quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác này và bảo đảm quyền lợi của lao động nữ.

2. Chế độ đào tạo nghề đối với lao động là người tàn tật

Để cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước tạo điều kiện cho người tàn tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, tạo môi trường xã hội chăm lo ngày càng tốt hơn cho người tàn tật, Nhà nước đã xây dựng và thực thi các chương trình trợ giúp người tàn tật về mọi mặt (chăm lo sức khoẻ, giáo dục, việc làm, học nghề, sinh hoạt văn hoá tinh thần…)[5]. Những người tàn tật tham gia lao động nếu đủ điều kiện luật định sẽ được hưởng chính sách đối với lao động là người tàn tật theo quy định của Nhà nước. Theo Điều 1 Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người tàn tật (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004) thì lao động là người tàn tật là người lao động không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, được Hội đồng giám định y khoa hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Bộ Y tế. Một trong những chính sách đang áp dụng cho lao động là người tàn tật là chính sách trợ giúp đào tạo nghề. Mục tiêu đào tạo nghề cho người tàn tật nói chung và cho lao động là người tàn tật nói riêng là giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng (Điều 68 Luật dạy nghề năm 2006). Đào tạo nghề cho người tàn tật cũng là một cách để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính sách trợ giúp đào tạo nghề được thực hiện đối với cả bản thân người lao động và cả cơ sở dạy nghề cho người lao động này. Đây là cách làm đúng đắn, bởi vì nếu chỉ trợ giúp riêng cho người tàn tật thì mục đích của công tác đào tạo nghề cho người tàn tật sẽ không thể thực hiện được. Việc đào tạo nghề cũng như sử dụng lao động là người tàn tật sẽ đặt ra những điều kiện riêng biệt đối với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp so với việc đào tạo nghề, sử dụng lao động là người có thể trạng bình thường. Vì vậy không phải cơ sở dạy nghề, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thu nhận người tàn tật vào học nghề hoặc làm việc. Theo báo cáo của Vụ Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay ở nước ta có trên 5,3 triệu người tàn tật cần nhận được sự trợ giúp từ phía Nhà nước và cộng đồng xã hội. Nhiều người trong số đó vẫn có khả năng lao động một phần và có nhu cầu được học nghề, được làm những công việc phù hợp với sức khoẻ của mình. Tuy nhiên tâm lý e ngại nhận người tàn tật của các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp vẫn còn phổ biến. Thực hiện chính sách trợ giúp người tàn tật và các cơ sở dạy nghề cho người tàn tật là một trong số nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, các chế độ áp dụng trong công tác đào tạo nghề cho lao động là người tàn tật như sau:

a) Đối với người lao động tàn tật

Theo quy định hiện hành, người lao động tàn tật được hưởng các chế độ sau đây:

i) Được Nhà nước, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức kinh tế tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn nghề, học nghề, tự tạo việc làm phù hợp với sức khoẻ và khả năng lao động của mình.

ii) Được tư vấn hướng nghiệp, tư vấn nghề và tư vấn học nghề miễn phí.

iii) Khi đi học ở các trường công lập sẽ được hưởng chính sách về học bổng, trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên theo quy định tại các Điều 89, 90, 91 và 92 Luật giáo dục năm 2005.

iv) Khi học nghề, bổ túc nghề, đào tạo lại nghề tại các cơ sở dạy nghề của Nhà nước được giảm giảm 50% mức học phí đối với người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 31% đến 40%; Được miễn nộp học phí đối với người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên. Trong thời gian học nghề, bổ túc nghề, người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên nếu không hưởng lương, sinh hoạt phí hoặc học bổng thì hàng tháng được hưởng trợ cấp xã hội từ Ngân sách Nhà nước là 100.000 đồng (Khoản 1 Điều 12 Nghị định 81/CP ngày 23/11/1995 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004).

Riêngđốivới lao động là ngườitàntật thuộc đối tượng người có công với cách mạng và con của người có công với cách mạng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) thì được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính số 16/2006/TTLT/ BLĐTBXH – BGDĐT – BTC ngày 20/11/2006 hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.

v) Lao động là người tàn tật học nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) được hỗ trợ một phần tiền ăn, ở, đi lại trong thời gian học nghề từ nguồn kinh phí dành cho dạy nghề hàng năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 81/CP đã được sửa đổi, bổ sung. Mức hỗ trợ tối đa không quá 540.000 đồng/học viên/tháng. Trong đó: chi hỗ trợ dạy nghề cho cơ sở dạy nghề tối đa không quá 300.000 đồng/học viên/tháng; chi hỗ trợ ăn ở, đi lại cho học viên: 240.000 đồng/tháng cho mỗi học viên trong quá trình học nghề ngắn hạn (Mục VII.1.b Thông tư liên tịch của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH – BTC – BKHĐT ngày 19/5/2005 hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP đã được sửa đổi, bổ sung).

vi) Lao động là người tàn tật thuộc hộ nghèo khi học nghề được miễn phí, được cấp học bổng và hỗ trợ ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 71 Luật dạy nghề năm 2006)

b) Đối với cơ sở dạy nghề dành riêng cho người lao động tàn tật

Chính sách áp dụng đối với cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật chủ yếu được quy định tại Bộ luật lao động, Luật dạy nghề năm 2006, Pháp lệnh người tàn tật 1998, Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 đã được sửa đổi, bổ sung và Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTXH – BTC – BKHĐT ngày 19/5/2005. Các chính sách cụ thể bao gồm:

i) Được xét cấp hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ việc làm cho người tàn tật của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có dự án đào tạo, đào tạo lại, bổ túc nghề cho lao động là người tàn tật hoặc để tạo lập cơ sở vật chất – kỹ thuật ban đầu. Mức hỗ trợ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở dự án phát triển dạy nghề và số lượng người tàn tật được đào tạo hàng năm.

ii) Được xét vay vốn từ Quỹ việc làm cho người tàn tật của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để duy trì, mở rộng hoạt động dạy nghề. Mức, thời hạn và lãi suất vay áp dụng theo quy định hiện hành về cho vay vốn từ nguồn vốn cho vay xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội.

iii) Được ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất ở những địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức dạy nghề và sản xuất kinh doanh cho người tàn tật.

iv) Được Nhà nước bảo trợ và khuyến khích phát triển; được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi để lập cơ sở dạy nghề, giúp đỡ đầu tư kỹ thuật; được miễn, giảm thuế theo quy định của các văn bản pháp luật thuế hiện hành; Được giao quản lý và sử dụng các tài sản của Nhà nước gồm cả các nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, nguồn do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trợ giúp…

v) Giáo viên dạy nghề cho lao động là người tàn tật được Nhà nước đầu tư đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp dạy nghề cho người tàn tật, được hưởng chế độ đối với giáo viên dạy nghề và hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định của Chính phủ.

vi) Các cơ sở sản xuất dạy nghề cho lao động là người tàn tật còn được hưởng các chính sách đối với doanh nghiệp tiếp nhận người tàn tật vào học nghề, vào làm việc theo các văn bản pháp luật đã đề cập ở trên (Xem Mục V Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT/BLĐTBXH – BTC – BKHĐT ngày 19/5/2005).

So với chế độ đào tạo nghề áp dụng đối với lao động nữ đã phân tích ở mục 1 chuyên đề này, thì chế độ đào tạo nghề đối với lao động là người tàn tật được quy định một cách hợp lý hơn. Nhà nước đã xác định rõ trách nhiệm của mình và thực hiện trách nhiệm một cách trực tiếp đối với lao động là người tàn tật. Điều đó thể hiện ở chỗ Nhà nước trực tiếp thực hiện việc đào tạo nghề cho người tàn tật (thông qua các cơ sở đào của Nhà nước) và Nhà nước đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề cho người tàn tật nói chung (từ Quỹ việc làm cho người tàn tật của địa phương, Quỹ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo và Quỹ của Chương trình hỗ trợ người tàn tật). Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người học, cho các cơ sở (không phải của Nhà nước) chuyên dạy nghề cho người tàn tật và các cơ sở sản xuất tiếp nhận người tàn tật…Bằng tất cả những cách đó, Nhà nước đang từng bước tạo môi trường xã hội cho việc chăm lo ngày càng tốt hơn đối với người tàn tật nói chung, lao động là người tàn tật nói riêng, giúp họ hoà nhập với đời sống cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./. 

Nguyễn Xuân Thu – Khoa pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội



 


[1]Điều 4 Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ.

[2]Xem: Thông tư số 19/LĐTBXH-TT ngày 12/9/1996 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc dạy nghề, đào tạo lại nghề, bổ túc, bồi dưỡng nghề cho người lao động và dạy thêm nghề dự phòng cho lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp; Thông tư số 79/BTC – TT ngày 06/11/1997 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996.

[3]Xem Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ.

[4]Khoản 1 Điều 110 Bộ luật lao động quy định: “Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ”.

[5]Xem: Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010.

1900.0191