Chưa đặt vấn đề bỏ hộ khẩu
15/02/2006
Dự án Luật cư trú đang được ban soạn thảo Bộ Công an tham khảo ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương trước khi trình Chính phủ vào cuối tháng hai này. Về vấn đề hộ khẩu Thượng tá Trần Thế Quân – phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an đã trao đổi ý kiến như sau:
* Dự án Luật cư trú sẽ có những giải pháp tháo gỡ mang tính đột phá nào về vấn đề hộ khẩu?
– Hiện nay chúng tôi chưa đặt ra vấn đề bỏ hộ khẩu, cái chính là làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến đăng ký cũng như trong cuộc sống, sinh hoạt. Anh (người dân) đến đâu ở, chúng tôi sẽ xác nhận cho anh về nơi cư trú. Dự luật có một điểm rất tiến bộ so với nghị định 108 (về sửa đổi nghị định 51) và thông tư 11 của Bộ Công an (hướng dẫn thực hiện nghị định 108) không sử dụng cụm từ “nhà ở hợp pháp” mà thay bằng “chỗ ở hợp pháp”. Chỗ ở hợp pháp có thể gồm cả nhà thuê để ở, không nhất định phải là nhà của mình.
* Đã có nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và có thể thay thế bằng sổ cư trú, thẻ cư trú…
– Đúng là có những ý kiến đề nghị bỏ sổ hộ khẩu và cấp chung một sổ cư trú cho cả người Việt Nam và người nước ngoài. Ở đây có nhiều vấn đề phức tạp đặt ra.
Về bản chất, sổ hộ khẩu chính là sổ chứng nhận nơi cư trú của công dân, nên nó chính là sổ cư trú. Hiện nay ngành công an đã cấp ra 43 triệu sổ hộ khẩu, nếu bỏ sổ này cũng không giải quyết được các vấn đề đặt ra. Hơn nữa, đổi tên từ sổ hộ khẩu sang sổ cư trú sẽ gây tốn kém, lãng phí hàng trăm tỉ đồng không cần thiết.
* Thủ tục đăng ký hộ khẩu sẽ được đổi mới như thế nào, thưa ông?
Dự án Luật cư trú sẽ được trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 2-2006. Nếu Chính phủ chấp thuận và có tờ trình, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp 9 (tháng năm) và thông qua tại kỳ họp 10 (tháng mười), đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật này gần một năm rưỡi. Bộ Công an dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ công bố dự án luật để lấy ý kiến nhân dân.
|
– Thủ tục dự kiến sẽ rất ít, điều kiện đơn giản hơn. Trước đây quy định muốn được cấp hộ khẩu, công dân phải tạm trú ổn định ít nhất năm năm, nghị định 108 quy định ba năm, bây giờ dự kiến rút còn một năm. Thủ tục và thời gian cấp cũng đơn giản hơn. Người dân nếu đã cư trú ổn định, đáp ứng các điều kiện, chỉ trong vòng 15 ngày sẽ được xét cấp sổ hộ khẩu. Chúng tôi đang nghiên cứu để có thể sẽ rút ngắn nữa khoảng thời gian này.
* Nên chăng xem xét việc nhập “hai giấy” – sổ hộ khẩu và chứng minh thư – thành “một giấy” chung?
– Ban soạn thảo đã có ý kiến chính thức về vấn đề này trong tờ trình trình Chính phủ. Giấy chứng minh là căn cước của một con người nhất định để xác định anh ta là ai, vân tay thế nào, nhận dạng ra sao… Sắp tới thậm chí còn nghiên cứu cải cách giấy chứng minh bằng việc đưa chip điện tử vào trong đó. Đã là căn cước thì phải ổn định từ khi sinh ra cho đến khi chết.
Trong pháp luật hiện hành, giấy chứng minh được sử dụng nhiều trong các giao dịch, đi lại. Nhưng sổ hộ khẩu lại là vấn đề khác. Hộ khẩu là để xác định nơi thường trú của một công dân. Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, nơi cư trú có thể thay đổi, do vậy sổ hộ khẩu cũng có thể thay đổi.
Có một thực tế là sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng. Rất nhiều giao dịch, đi lại… đều vin vào sổ hộ khẩu mà không phải do quy định ngành công an đặt ra. Nếu bây giờ nhập sổ hộ khẩu và giấy chứng minh vào làm một, chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề này, thậm chí có thể còn nặng nề hơn. Mặt khác, việc nhập “hai trong một” sẽ tốn kém nhiều trăm tỉ đồng vì chúng ta phải hủy toàn bộ giấy chứng minh và sổ hộ khẩu đang lưu hành.
* Bộ Công an đã có thống kê về những giao dịch nào “ăn theo” sổ hộ khẩu cần phải loại bỏ?
– Chưa có thống kê, nhưng những giao dịch như thế có rất nhiều. Chẳng hạn muốn ký hợp đồng lắp đặt điện thoại, anh phải có hộ khẩu. Lắp côngtơ điện, nước cũng phải sử dụng hộ khẩu. Chúng tôi nghiêng về hướng không sử dụng hộ khẩu trong các giao dịch, đi lại; trong những trường hợp này nên sử dụng chứng minh thư.
Chính những giao dịch “ăn theo” hộ khẩu này vừa qua làm phiền hà người dân rất nhiều. Sổ hộ khẩu chỉ nên dùng làm cơ sở việc quản lý trật tự xã hội, giữ an ninh trật tự và phục vụ một số chính sách quan trọng.
* Xin cảm ơn ông.