Công chức dự bị – nên hiểu như thế nào?

Công chức dự bị – nên hiểu như thế nào?

09/09/2008

Khái niệm, chế độ công chức dự bị lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/4/2003 (Pháp lệnh năm 2003). Qua hơn 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, hiện vẫn còn không ít vướng mắc xung quanh những quy định về chế độ và cách hiểu khái niệm này.
Có hai cách hiểu khác nhau về công chức dự bị

Thực tế cho thấy, hiện có hai cách hiểu không thống nhất về công chức dự bị, cách hiểuthứ nhất, công chức dự bị là một loại công chức hành chính làm việc trong cơ quan nhà nước, được hưởng các quyền lợi và phải có đầy đủ trách nhiệm như một công chức nhà nước chính thức; cách hiểuthứ hai, công chức dự bị chưa là công chức nhà nước, chỉ là nguồn cán bộ để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức sau này.

Có nhiều quy định mâu thuẫn nhau

Thứ nhất, về phạm vi áp dụng chế độ công chức dự bị, theo Pháp lệnh năm 2003, những người được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội từ cấp huyện trở lên phải qua chế độ công chức dự bị. Trong khi đó, Nghị định số 115/2003/NĐ-CP quy định về chế độ công chức dự bị quy định: “Công chức dự bị là công dân Việt Nam, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được tuyển dụng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29/4/2003. Công chức dự bị được phân công làm việc có thời hạn tại các cơ quan, tổ chức:Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Toà án nhân dân các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Bộ máy giúp việc thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 115/2003/NĐ-CP thì chế độ công chức dự bị được áp dụng đối với cả cấp xã. Nhưng theo Pháp lệnh năm 2003, thì chế độ công chức dự bị chỉ áp dụng từ cấp huyện trở lên?

Thứ hai, Điều 16, Nghị định số 117/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước quy định về chế độ tập sự như sau:Người được tuyển dụng vào công chức quy định tại Nghị định này phải thực hiện chế độ tập sự. Thời gian tập sự đối với các ngạch công chức được quy định:12 tháng đối với ngạch chuyên viên và tương đương; 06 tháng đối với ngạch cán sự và tương đương. Thời gian tập sự đối với công chức dự bị được tính trong thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị…Điều đó có nghĩa, hết thời gian tập sự, người được tuyển dụng theo Nghị định số 117 sẽ được bổ nhiệm vào một ngạch công chức chính thức. Nghị định số 08/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 115/2003/NĐ-CP về chế độ công chức dự bị cũng quy định về thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị: Công chức dự bị được tuyển dụng để bổ sung cho công chức loại A là 12 tháng; loại B là 6 tháng…(công chức loại A là công chức có trình từ tốt nghiệp từ đại học trở lên, tức là công chức ở ngạch chuyên viên và tương đương…). Vậy khi đã hết thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và cũng là hết thời gian tập sự (vì thời gian tập sự đối với công chức dự bị được tính trong thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị – theo quy định trên) thì có bổ nhiệm công chức dự bị vào ngạch chính thức hay phải chờ có biên chế thì mới được chuyển vào ngạch công chức chính thức? Nếu phải chờ có biên chế thì trong thời gian đó, công chức dự bị này có tiếp tục làm việc hay nghỉ? Nếu đi làm thì thời gian đi làm này có tính là thời gian để xét tăng lương? Khi hết thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và cũng đồng thời hết thời gian tập sự mà được bổ nhiệm vào ngạch công chức chính thức, vậy trong trường hợp này, công chức được tuyển dụng theo Nghị định số 117/2003/NĐ-CP và công chức được tuyển dụng theo Nghị định 115/2003/NĐ-CP có gì khác nhau?

Nên hiểu như thế nào?

Trả lời câu hỏi ở cấp xã có công chức dự bị hay không? Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này năm 2002 thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” (Khoản 2 Điều 80). Như vậy, sẽ không áp dụng chế độ công chức dự bị ở cấp xã mà chế độ công chức dự bị chỉ áp dụng từ cấp huyện trở lên như Pháp lệnh năm 2003 đã quy định.

          Theo Nghị định số 115/2003/NĐ-CP thì công chức dự bị là nguồn để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức tại Điểm b, Điểm c Điều 1 của Pháp lệnh năm 2003. Nhưng khi nào thì thực hiện việc bổ sung đó? Phải chăng đó là khi cơ quan, đơn vị thiếu biên chế…? Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Vậy nên, có ý kiến cho rằng, khi tuyển dụng công chức, cơ quan tuyển dụng cần phải thông báo rõ là tuyển dụng công chức theo Nghị định 117/2003/NĐ-CP hay tuyển dụng theo Nghị định 115/2003/NĐ-CP. Nếu tuyển dụng theo Nghị định 117/2003/NĐ-CP thì khi hết thời gian tập sự, người tập sự đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục cần thiết để bổ nhiệm người đó vào ngạch công chức chính thức. Đối với việc tuyển dụng công chức dự bị theo quy định của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP, khi công chức dự bị hết thời gian thực hiện chế độ dự bị thì cho công chức đó nghỉ đến khi có biên chế rồi làm thủ tục bổ nhiệm vào ngạch công chức chính thức (lúc này công chức dự bị không phải thực hiện chế độ tập sự nữa).

Trích Điều 1, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 2003: Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế, bao gồm:

…b. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện.

c. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện…

e. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Khánh Ngọc

 

1900.0191