Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm có dấu hiệu trái pháp luật: Nguyên nhân – không chỉ có một (Bài 2)

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm có dấu hiệu trái pháp luật: Nguyên nhân – không chỉ có một (Bài 2)

15/06/2009

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các cơ quan quản lý Nhà nước cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật sai trái. Nhưng, tiếc rằng, cho đến nay, vì nhiều lý do những nguyên nhân này vẫn công nhiên tồn tại thay vì được khắc phục, xứ lý tận gốc…
Không quản được thì cấm và nhiệt tình quá hóa… hại

Có thể thấy “không quản được thì cấm” là nguyên nhân phổ biến nhất và cũng có “sức sống” lâu dài nhất trong số những nguyên nhân dẫn tới việc các cơ quan quản lý Nhà nước cho ra đời những VBQPPL sai trái. Gốc rễ của nguyên nhân này xuất phát từ một thứ tư duy cũ là dùng biện pháp hành chính thay vì tìm tòi những giải pháp mang tính kinh tế – xã hội để xử lý. Bên cạnh đó, sự thiên lệch trong khi cân nhắc giữa lợi ích của cơ quan, của cá nhân thi hành công vụ và của xã hội. Chính vì vậy mà dẫn đến có các văn bản được xây dựng theo lối thấy khó quản lý thì cấm tiệt luôn để khỏi phải quản lý hoặc chí ít ra là để dễ quản lý. Mà Quyết định số 51 với các quy định mang tính “ngăn sông, cấm chợ” của UBND TP Hà Nội là một ví dụ. Hay dự thảo quản lý hoạt động quán karaoke, vũ trường của ngành văn hóa đang được lấy ý kiến hiện nay, vì không có cách gì quản lý được karaoke biến tướng nên đưa ra luôn quy định đã hát karaoke thì phải ngồi yên cấm nhún nhảy!

            Nguyên nhân tiếp đến này nói đến nghe có vẻ buồn cười, nhưng trong thực tế nói lại là vấn đề rất thật và cũng không hiếm gặp. Như bình thường, khi một VBQPPL được hình thành từ khâu ý tưởng cho tới chấp bút hầu hết sẽ có sự tham mưu của bộ phận chuyên môn. Về cơ bản, họ là những chuyên gia trong lĩnh vực của họ nhưng trái khoáy ở chỗ họ lại không am hiểu nhiều về hệ thống pháp luật, nhất là việc xây dựng pháp luật. Cho nên, khó tránh khỏi việc để xảy ra một số quy định không bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, thậm chí là cả tính hợp hiến. Còn nhớ, cách đây ít lâu, giới báo chí nội chính đã từng có bài châm chích câu nói của một người đứng đầu một cơ quan chỉ vì người này đã biện minh cho việc đưa ra dự thảo quy định giá trần cho hoạt động xe ôm (!) là vì “bị chặt chém khi đi xe ôm, bức xúc nên khi xây dựng dự thảo anh em nó “máu” quá đã đưa vào”.

Thiếu một cơ chế tài phán

            Theo cơ chế hành chính của nước ta, hiện nay không chỉ có một cơ quan mà có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát đối với việc ban hành VBQPPL. Nhưng, cũng chính vì có nhiều chủ thể có thẩm quyền này cộng với việc pháp luật chưa phân định rạch ròi trách nhiệm, nên đã dẫn đến tình trạng “nhiều vãi không ai đóng cửa chùa”. Hơn nữa, hoạt động kiểm tra VBQPPL trước này không phải là một thiết chế mang tính tài phán, nên trường hợp Cục kiểm tra văn bản cho rằng một văn bản nào đó trái pháp luật mà cơ quan, cá nhân ban hành văn bản đó bảo là đúng pháp luật thì cũng rất khó xử lý.

Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ, các văn bản trái pháp luật phải bị đình chỉ thi hành ngay và phải bị bãi bỏ hoặc hủy bỏ kịp thời. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận và quyết định xử lý của mình; nếu quyết định xử lý trái pháp luật thì phải khắc phục hậu quả pháp lý do quyết định đó gây ra. Nhưng, hiện nay việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức ban hành văn bản sai vẫn đang theo quy định về xử lý công chức và phổ biến vẫn chỉ dừng ở mức độ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, thay vì bồi thường.

            Cũng vì thiếu một cơ chế tài phán trong xử lý VBQPPL trái luật nên việc thẩm định dự thảo văn bản trước khi ban hành hiện nay còn hời hợt. Trong thực tế, có khi thẩm định bị ỉm đi hoặc trốn thẩm định. Cá biệt, có cơ quan soạn thảo “qua mặt” cơ quan thẩm định bằng cách khi gửi thẩm định, có một vài nội dung họ biết là sai trái nên đã rút đi, chờ sau khi thẩm định xong mới đưa vào để trình thông qua! Ngay cả khi đã thẩm định rồi, nhiều cơ quan bị “tuýt còi” vẫn cố “vượt đèn đỏ”… Đây cũng chính là nhận định của TS Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp. Và, nhận định này đã được rất nhiều bản tham luận tại các cuộc hội thảo về công tác thẩm định văn bản trích dẫn và phân tích.

Bùi Nguyễn

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp quy trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 – một hướng đi đúng

Hiện nay, quy trình xây dựng, ban hành các VBQPPL đã được quy định khá chặt chẽ tại 2 đạo luật, đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Trong đó quy định rõ các bước cần phải làm, từ việc khảo sát, soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, thẩm định v.v… đến việc xem xét, thông qua, ký ban hành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý một quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp quy mà theo đó, cần có sự tham khảo nhiều hơn ý kiến của người dân và phải cân nhắc đầy đủ đến những đối tượng được hưởng lợi và chịu tác hại của văn bản đó trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 là một hướng đi đúng. Trong thời gian tới, các quy định này cũng sẽ được bổ sung vào trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

1900.0191