Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại: Công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu nâng cao kết quả thực hiện ủy thác tư pháp quốc tế cho Việt Nam
17/05/2016
Bài viết xin được giới thiệu về nội dung Công ước; sự cần thiết và quá trình gia nhập Công ước của Việt Nam; tác động, thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi gia nhập Công ước.
Phần 1: Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại
Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay), có hiệu lực kể từ ngày 10/02/1969. Hiện nay, Công ước Tống đạt có 71[1] quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau.
Mục tiêu của Công ước là: (i) Xây dựng một hệ thống có thể đảm bảo được rằng người nhận được thông báo có đủ thời gian để bảo vệ quyền lợi của mình; (ii) Đơn giản hóa phương thức tống đạt giấy tờ từ quốc gia yêu cầu đến quốc gia được yêu cầu; (iii) Đưa ra được bằng chứng là tống đạt đã được hoàn thành dưới hình thức là giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
Công ước gồm 31 điều và một Phụ lục các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Công ước áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trường hợp không biết được địa chỉ của người nhận được tống đạt (Điều 1).
Công ước áp dụng với việc tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp nhưng không có định nghĩa cụ thể về các loại giấy tờ này mà việc phân loại phụ thuộc vào pháp luật của Nước gửi (nước yêu cầu). Tuy nhiên, theo hướng dẫn trong các tài liệu chính thức của Hội nghị La Hay, giấy tờ tư pháp là các giấy tờ trong các vụ tranh chấp hoặc các việc dân sự không có tranh chấp, hoặc giấy tờ cho thi hành. Các giấy tờ tư pháp có thể bao gồm thông báo triệu tập, bản ghi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của người khởi kiện, quyết định và phán quyết được tuyên bởi một cán bộ của cơ quan tư pháp có thẩm quyền, cũng như giấy triệu tập nhân chứng, và yêu cầu thu thập chứng cứ gửi đến các bên kể cả khi các lệnh yêu cầu này được tuyên như một phần của quá trình thu thập, xem xét chứng cứ. Khác các giấy tờ tư pháp, các giấy tờ ngoài tư pháp (thuộc phạm vi quy định của Điều 17 Công ước Tống đạt) không trực tiếp liên quan đến xét xử, tuy nhiên, quá trình ban hành giấy tờ này phải có sự tham gia của một cơ quan có thẩm quyền hoặc cán bộ tư pháp[2]. Một số nước thành viên của Công ước Tống đạt như Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Thụy Điển… thông tin cho Hội nghị La Hay rằng pháp luật trong nước của các quốc gia này không có quy định về giấy tờ ngoài tư pháp.
Công ước Tống đạt chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính là: (i) thủ tục tống đạt giấy tờ và (ii) xét xử vắng mặt liên quan đến việc tống đạt giấy triệu tập bị đơn.
1. Thủ tục tống đạt
Công ước Tống đạt quy định 01 kênh tống đạt chính là kênh tống đạt thông qua Cơ quan trung ương của nước được yêu cầu (Điều 2 đến Điều 7) và các kênh tống đạt thay thế (Điều 8 đến Điều 11) gồm: (i) tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 8); (ii) tống đạt cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 9); (iii) tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài qua đường bưu điện (điểm a Điều 10); (iv) tống đạt từ nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước yêu cầu trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm b Điều 10); (v) tống đạt từ bất kỳ cá nhân nào có liên quan trong thủ tục tố tụng trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm c Điều 10); (vi) các kênh tống đạt khác mà các nước thành viên chấp nhận (Điều 11).
Kênh tống đạt chính và kênh tống đạt thay thế đều có giá trị pháp lý như nhau. Công ước Tống đạt không đưa ra bất kỳ ưu tiên, hoặc thứ bậc nào cho các kênh tống đạt này. Các quốc gia tham gia Công ước Tống đạt có quyền lựa chọn sử dụng kênh tống đạt nào mà họ thấy rằng phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
Các quốc gia tham gia Công ước có quyền lựa chọn sử dụng kênh tống đạt nào mà họ thấy rằng phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
a) Kênh tống đạt chính
Đối với kênh tống đạt chính, Công ước tập trung quy định những vấn đề sau: chỉ định cơ quan trung ương; cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu tống đạt; phương thức gửi tống đạt; yêu cầu đối với hồ sơ tống đạt; cách thức thực hiện tống đạt; yêu cầu về ngôn ngữ bản dịch; phí và lệ phí tống đạt; thời hạn thực hiện tống đạt; kết quả thực hiện tống đạt và từ chối thực hiện tống đạt.
i) Chỉ định Cơ quan trung ương
Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ chỉ định Cơ quan Trung ương để tiếp nhận yêu cầu tống đạt từ quốc gia thành viên khác, thực hiện các yêu cầu tống đạt (Điều 2). Các quốc gia liên bang được chỉ định nhiều Cơ quan Trung ương. Bên cạnh Cơ quan Trung ương, các quốc gia thành viên cũng có thể chỉ định những cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương, tuy nhiên quốc gia đó phải quyết định mức độ thẩm quyền của cơ quan này (Điều 18).
Về nguyên tắc, Cơ quan Trung ương chỉ có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu tống đạt từ quốc gia thành viên khác, Công ước không quy định Cơ quan Trung ương đối với việc gửi các yêu cầu tống đạt ra nước ngoài. Công ước để ngỏ vấn đề này cho pháp luật của các quốc gia. Ở một số nước, Cơ quan trung ương vừa là cơ quan trung ương tiếp nhận yêu cầu vừa là cơ quan yêu cầu tống đạt.
Các quốc gia thành viên được quyền quyết định về cách thức tổ chức, cơ cấu, nhân sự của Cơ quan Trung ương để đảm bảo thực thi hiệu quả Công ước. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp cho Ban Thường trực thông tin liên lạc chi tiết của Cơ quan Trung ương nước mình bao gồm: địa chỉ, điện thoại, fax, email và địa chỉ trang web (nếu có), ngôn ngữ liên lạc.
Cơ quan Trung ương về nguyên tắc phải là cơ quan nhà nước nhưng Công ước không loại trừ khả năng Cơ quan Trung ương ủy thác cho tổ chức tư nhân thực hiện một số hoạt động của Cơ quan Trung ương.
ii) Thẩm quyền yêu cầu tống đạt (Điều 3)
Cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu sẽ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu. Những người thực hiện phải là quan chức hoặc cán bộ tòa án của nước yêu cầu. Ngoài quy định ở mức tối thiểu của Công ước, pháp luật của từng quốc gia thành viên có quyền quyết định về cơ quan thẩm quyền yêu cầu tống đạt.
iii) Phương thức tống đạt (Điều 5)
Công ước không quy định bắt buộc về phương thức cụ thể gửi yêu cầu tống đạt cho nước được yêu cầu mà để các quốc gia tự quyết định. Nhìn chung các quốc gia thành viên thường gửi qua bưu điện. Trong trường hợp khẩn cấp, một số cơ quan trung ương thậm chí còn chấp nhận gửi qua fax hoặc thư điện tử nếu sau đó bản gốc được gửi qua bưu điện. Theo khuyến nghị Ban Thường trực, nước yêu cầu nên trao đổi với Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu để tìm hiểu về các phương thức tống đạt được chấp nhận.
iv) Hồ sơ yêu cầu tống đạt (Điều 3 và Điều 5)
Hồ sơ tống đạt gồm: yêu cầu tống đạt, tóm tắt tài liệu tống đạt do cơ quan yêu cầu thực hiện, các tài liệu kèm theo. Yêu cầu tống đạt và tóm tắt tài liệu tống đạt phải lập theo mẫu của Công ước và là yêu cầu mang tính bắt buộc của Công ước.
Yêu cầu tống đạt phải có đủ những thông tin sau: (1) tên và địa chỉ của cơ quan yêu cầu tống đạt, (2) tên và địa chỉ của cơ quan được tống đạt, (3) tên và địa chỉ của người được tống đạt, (4) phương thức tống đạt; (5) phụ lục đính kèm (nếu có); (6) danh mục tài liệu và phụ lục kèm theo yêu cầu tống đạt. Cơ quan yêu cầu tống đạt phải điền ngày và ký vào yêu cầu tống đạt.
Bản tóm tắt tài liệu tống đạt (Summary of the document) được chuyển cho đương sự tống đạt, với mục đích là thông tin ban đầu cho đương sự về bản chất và mục đích của tài liệu. Hơn thế nữa bản tóm tắt tài liệu tống đạt sẽ liệt kê thời hạn của các tài liệu. Đối với trường hợp tài liệu tư pháp, bản tóm tắt tài liệu tống đạt này cũng đề cập đến bản chất và mục đích của tố tụng và nếu cần thiết là ngày và địa điểm tham dự phiên tòa hoặc bản án, quyết định.
Số lượng hồ sơ tống đạt gửi đến nước được yêu cầu là 2 bộ (Điều 3)
Các yêu cầu tống đạt và tài liệu được miễn hợp pháp hóa hoặc các thủ tục hợp pháp hóa khác tương đương.
v) Thực hiện yêu cầu tống đạt (Điều 5)
Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu có thể thực hiện tống đạt theo pháp luật của nước mình hoặc theo phương thức cụ thể mà cơ quan yêu cầu đề nghị, trừ trường hợp phương thức đó trái với pháp luật của nước được yêu cầu. Quy định này được chấp nhận trên cơ sở đề nghị của một số nước do quan ngại rằng pháp luật của nước được yêu cầu không đáp ứng yêu cầu của nước mình về tống đạt giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít trường hợp yêu cầu tống đạt theo phương thức đặc biệt.
Công ước quy định tài liệu tống đạt có thể được chuyển đến cho đương sự nếu họ tự nguyện chấp nhận, trừ trường hợp có yêu cầu thực hiện theo phương thức tống đạt cụ thể. Thông thường, nếu đương sự tự nguyện chấp nhận, quốc gia được yêu cầu sẽ chuyển hồ sơ tống đạt cho đương sự thông qua bưu điện hoặc gửi thông báo cho đương sự đến nhận hồ sơ tại đồn công an. Trong trường hợp đương sự từ chối nhận hồ sơ tống đạt, Cơ quan Trung ương hoặc thực hiện tống đạt theo quy định của pháp luật nước mình hoặc trả lại cơ quan yêu cầu với lý do tống đạt không thực hiện được.
vi) Yêu cầu về ngôn ngữ bản dịch (Điều 5)
Hồ sơ tống đạt phải được lập hoặc dịch sang ngôn ngữ chính thức hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của nước được yêu cầu.
vii) Phí thực hiện tống đạt (Điều 12)
Tống đạt giấy tờ tư pháp từ nước thành viên sẽ không phải chịu một khoản phí hoặc thuế hoặc chi phí tống đạt của nước được yêu cầu. Tuy nhiên, người yêu cầu tống đạt sẽ phải trả phí tống đạt giấy tờ trong trường hợp phải thuê nhân viên tư pháp hoặc người có thẩm quyền theo luật của nước được yêu cầu hoặc trong trường hợp họ muốn thực hiện một phương thức tống đạt cụ thể. Phiên họp đặc biệt của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cũng khuyến nghị các nước cần phải đảm bảo rằng các chi phí thuê nhân viên tư pháp hoặc người có thẩm quyền khác thực hiện yêu cầu tống đạt phải là chi phí thực tế và với mức hợp lý. Đối với trường hợp tống đạt theo hình thức không chính thức, hầu hết các nước thành viên Công ước đều không thu phí.
viii) Thời hạn thực hiện tống đạt
Công ước không quy định về thời hạn thực hiện tống đạt mà chỉ khuyến khích các nước thành viên thực hiện nhanh nhất có thể. Thực tiễn thực hiện tống đạt của các nước khác nhau, thậm chí việc thực hiện này cũng khác nhau giữa các Cơ quan Trung ương trong cùng một nước thành viên. Nhìn chung việc tống đạt được các nước thành viên thực hiện trong khoảng 2 tháng.[3]
ix) Kết quả tống đạt (Điều 6)
Cơ quan trung ương điền vào giấy xác nhận kết quả. Giấy xác nhận kết quả này phải nêu rõ tống đạt có thành công hay không. Các nước thành viên có thể chỉ định cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện việc này mà không phải là Cơ quan Trung ương, tuy nhiên việc chỉ định này phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Hà Lan vào thời điểm gia nhập hoặc sau đó. Nếu tống đạt thành công, giấy xác nhận phải nêu rõ ngày và địa điểm tống đạt, hình thức tống đạt, người nhận hồ sơ tống đạt (có thể là đương sự hoặc những người có liên quan tới đương sự). Nếu tống đạt không thành công, Giấy xác nhận phải nêu rõ lý do không tống đạt được. Giấy xác nhận phải được điền ngày tháng và chữ ký hoặc dấu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu (có thể là Cơ quan trung ương hoặc cơ quan tư pháp khác ví dụ là thừa phát lại).
Công ước không đưa ra quy định về phương thức gửi trả Giấy xác nhận kết quả. Giấy xác nhận kết quả có thể được gửi bằng thư, fax hoặc email đều được chấp nhận.
x) Từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt (Điều 4 và Điều 13)
Trước khi thực hiện yêu cầu, Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu sẽ rà soát lại hồ sơ theo quy định của Công ước về mặt thủ tục và quy định thực định. Nếu phát hiện sai sót, Cơ quan này sẽ thông báo cho cơ quan gửi hồ sơ để chỉnh sửa hoặc hoàn thiện. Trong trường hợp sai sót về thủ tục ví dụ như tài liệu không được lập thành hai bản thì một số Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu vẫn chấp nhận và thực hiện yêu cầu.
Mặc dù tài liệu đã đáp ứng các yêu cầu của Công ước, nước được yêu cầu vẫn có thể từ chối tống đạt tài liệu nếu họ thấy rằng việc thực hiện yêu cầu tống đạt vi phạm chủ quyền hoặc an ninh quốc gia. Ví dụ, quốc gia có thể từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt trong trường hợp vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với thẩm phán của nước mình khi người thẩm phán đó thực hiện thẩm quyền tư pháp của mình Tuy nhiên việc từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt vì lý do vi phạm chủ quyền hoặc an ninh rất hiếm xảy ra. Trong trường hợp từ chối tống đạt, Cơ quan Trung ương cần phải thông báo ngay cho cơ quan yêu cầu về việc từ chối và lý do từ chối thực hiện.
Tuy nhiên, Công ước không cho phép từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt do vấn đề về thẩm quyền của tòa án nước ngoài. Vấn đề về thẩm quyền của tòa án nước ngoài sẽ được giải quyết ở trước tòa án mà không phải trong bối cảnh của tống đạt giấy tờ.
b) Các kênh tống đạt thay thế
Như ở trên đã trình bày, Công ước còn quy định các kênh tống đạt thay thế cụ thể như sau:
i) Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước yêu cầu: Tống đạt chỉ được thực hiện theo hình thức này khi đương sự tự nguyện chấp nhận giấy tờ tống đạt. Các nước có thể không chấp nhận kênh tống đạt này trong phạm vi lãnh thổ của nước mình, trừ trường hợp tài liệu được tống đạt cho đương sự quốc tịch của nước yêu cầu (Điều 8);
ii) Tống đạt tài liệu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước yêu cầu gửi cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu: Cơ quan có thẩm quyền nước được yêu cầu sau đó sẽ chuyển tài liệu cho cơ quan có thẩm của nước mình thực hiện tống đạt hoặc tống đạt trực tiếp cho đương sự có liên quan (Điều 9). Kênh tống đạt này trên thực tế rất ít nước sử dụng do vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về hồ sơ của kênh tống đạt chính và mất nhiều thời gian hơn so với kênh tống đạt chính.[4]
iii) Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua bưu điện: Tống đạt theo kênh này sẽ đảm bảo được thời gian nhưng không đảm bảo sự an toàn của việc tống đạt. Công ước La Hay quy định kênh tống đạt bằng bưu điện chỉ được thực hiện nếu việc tống đạt bằng bưu điện được chấp nhận theo pháp luật của nước yêu cầu và đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định cho việc tống đạt bẳng bưu điện, đồng thời nước được yêu cầu không phản đối việc sử dụng kênh tống đạt này (Khoản a Điều 10).
iv) Tống đạt trực tiếp giữa cán bộ tư pháp hoặc cán bộ có thẩm quyền của nước yêu cầu cho cán bộ tư pháp, cán bộ có thẩm quyền của nước được yêu cầu (Khoản b Điều 10): Việc sử dụng kênh tống đạt này thường được thực hiện khi nước yêu cầu và nước được yêu cầu có hệ thống tống đạt được thực hiện bởi cán bộ tư pháp hoặc cán bộ có thẩm quyền. Trên thực tế, việc sử dụng kênh tống đạt này chỉ phổ biến ở các nước sử dụng hệ thống thừa phát lại.
v) Tống đạt trực tiếp giữa cá nhân liên quan tới quy trình tố tụng cho các cán bộ tư pháp, cán bộ có thẩm quyền của nước được yêu cầu (Khoản c Điều 10): Kênh tống đạt này cho phép bất kỳ cá nhân nào có liên quan tới quy trình tố tụng có thể thực hiện tống đạt giấy tờ tư pháp trực tiếp cho cán bộ tư pháp hoặc cán bộ có thẩm quyên của nước được yêu cầu.
vi) Các kênh tống đạt khác không được nêu trong Công ước. Trong trường hợp các nước thành viên gia nhập các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương cho phép sử dụng kênh tống đạt khác với các kênh tống đạt trong công ước thì Công ước cho phép các nước thành viên có quyền lựa chọn kênh tống đạt đó (Điều 11).
Đối với các kênh tống đạt thay thế, Công ước cho phép các nước có quyền tuyên bố không chấp nhận các kênh tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước yêu cầu (Điều 8), Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua bưu điện (Điều 10 Khoản a), Tống đạt trực tiếp giữa cán bộ tư pháp hoặc cán bộ có thẩm quyền của nước yêu cầu cho cán bộ tư pháp, cán bộ có thẩm quyền của nước được yêu cầu (Khoản b Điều 10), Tống đạt trực tiếp giữa cá nhân liên quan tới quy trình tố tụng cho các cán bộ tư pháp, cán bộ có thẩm quyền của nước được yêu cầu (Khoản c Điều 10).
2) Về xét xử vắng mặt
Bên cạnh quy định về thủ tục tống đạt giấy tờ thông qua việc xây dựng các kênh tống đạt được chấp nhận theo quy định của Công ước, Công ước còn quy định về hai nội dung liên quan đến thẩm quyền tố tụng của cơ quan xét xử của quốc gia thành viên, đó là: (1) quy định yêu cầu thẩm phán không đưa ra bản án, quyết định cho đến khi việc tống đạt được thực hiện trong điều kiện nhất định và trong khoảng thời gian nhất định (Điều 15) và (2) gia hạn cho bị đơn khỏi thời hiệu kháng cáo khi đáp ứng một số điều kiện nhất định (Điều 16). Quy định này được áp dụng cho các kênh tống đạt của Công ước trừ các kênh tống đạt theo quy định tại Điều 11.
a) Xét xử vắng mặt
Trong trường hợp giấy triệu tập hoặc các tài liệu có liên quan được tống đạt ra nước ngoài theo quy định của Công ước và bị đơn vắng mặt, thẩm phán chỉ được đưa ra bản án, quyết định vắng mặt khi đáp ứng 2 điều kiện sau: (i) Tài liệu đã được tống đạt phù hợp với quy định của nước được yêu cầu; hoặc tài liệu đó thực tế đã tống đạt cho đương sự hoặc đến nơi ở của đương sự theo các phương thức khác được quy định tại Công ước; (ii) Trong bất kỳ trường hợp nào, việc tống đạt phải đảm bảo đủ thời gian để bị đơn có thể bảo vệ được mình. (Khoản a Điều 15). Quy định về thời hạn bao nhiêu ngày để đương sự có thể bảo vệ được quyền lực hợp pháp của mình rất khác nhau và phụ thuộc vào thẩm phán và pháp luật của nước yêu cầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nguyên đơn, thẩm phán vẫn có thể đưa ra bản án, quyết định vắng mặt khi không nhận được kết quả tống đạt nếu 4 yêu cầu sau được đáp ứng: (i) tài liệu phải được tống đạt theo một trong các kênh được quy định trong Công ước này; (ii) không ít hơn sáu tháng kể từ ngày gửi tài liệu tống đạt; (iii) không có kết quả về việc thực hiện tống đạt mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu và nước yêu cầu tuyên bố áp dụng quy định của Điều 15 về xét xử vắng mặt.
b) Gia hạn kháng cáo
Điều 16 quy định bảo vệ bị đơn trong trường hợp đã đưa ra bản án, quyết định vắng mặt và thời gian kháng cáo đã hết. Thẩm phán có thể gia hạn thời gian kháng cáo cho bị đơn nếu 03 điều kiện sau được đáp ứng: (i) bị đơn không có lỗi và không biết về giấy tờ để có đủ thời gian bảo vệ mình hoặc không biết về bản án để có đủ thời gian kháng cáo; (ii) bị đơn đưa ra được những lý lẽ thuyết phục về hành vi của mình và (iii) bị đơn nộp đơn yêu cầu xin gia hạn trong thời gian hợp lý kể từ ngày được thông báo về bản án.
Các nước có thể tuyên bố việc áp dụng nộp đơn xin gia hạn chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Quốc gia thành viên sẽ quyết định khoảng thời gian này tuy nhiên không được ít hơn 1 năm kể từ ngày ra bản án Quy định tại điều này cũng không áp dụng đối với bản án liên quan tới vấn đề về nhân thân hoặc năng lực của cá nhân (status or capacity of persons)
(Còn tiếp)