Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý: Tập trung cao độ cho công tác xây dựng văn bản
26/12/2008
Bà Tạ Thị Minh Lý: Có thể nói, hoạt động TGPL năm vừa qua “được mùa” văn bản. Cục chúng tôi đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng thể chế, trong đó ưu tiên những văn bản bảo đảm thực hiện Luật TGPL. Cụ thể đã ban hành 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 Thông tư liên tịch, 2 Thông tư của Bộ Tư pháp, 7 Quyết định của Bộ trưởng và 4 Quyết định của Cục trưởng. Ngoài ra, Cục đã hoàn thiện 3 Đề án trình lãnh đạo Bộ. Tất cả các văn bản, đề án nói trên đều được chuẩn bị đúng tiến độ, chất lượng tốt và bao giờ cũng lấy ý kiến đóng góp nhiều lần từ cơ sở trước khi ban hành. Đặc biệt, việc ký kết Thông tư liên tịch số 02 giữa Bộ Tư pháp với TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam về việc phối hợp trong công tác xây dựng văn bản, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, TGPL với cựu chiến binh đã vượt kế hoạch đề ra. Việc hoàn thành một khối lượng lớn văn bản, đề án trên đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong đơn vị.
Tuy nhiên, không vì vậy mà Cục “bỏ ngỏ” các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Cục luôn chú trọng tăng cường kiểm tra các địa phương bằng cách tổ chức nhiều đoàn công tác tới 43 tỉnh, thành và còn tổ chức được 4 đoàn liên ngành kiểm tra 14 địa phương. Cục rất quan tâm đến việc phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ TGPL qua việc tổ chức thành công khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho 78 học viên, đổi mới phương thức và nội dung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như cử cán bộ đi trao đổi kinh nghiệm ở cấp cơ sở.
PV: Là năm đầu tiên triển khai Thông tư liên tịch số 10, quan hệ phối hợp với hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng đã đem lại thuận lợi gì cho hoạt động TGPL?
Bà Tạ Thị Minh Lý: Thực hiện Thông tư liên tịch số 10, đến nay trong toàn quốc đã có 48/63 địa phương thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, trong đó 30 địa phương đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Trong tháng 11, Hội đồng phối hợp liên ngành ở TƯ đã làm lễ ra mắt và sẽ hướng dẫn thống nhất hoạt động phối hợp trong tố tụng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Cục đã chỉ đạo đặt trên 2.000 Bảng thông tin về TGPL tại trụ sở cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án và UBND xã…, đặt hộp tin TGPL tạo cơ hội thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách trong cả nước biết về TGPL và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Nhờ vậy, số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng trong tổng số lượng án phải giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng.
PV: Thưa bà, để tiếp tục đạt kết quả cao trong năm 2009, Cục TGPL sẽ phải khắc phục những khó khăn, tồn tại nào?
Bà Tạ Thị Minh Lý: Mặc dù quá trình công tác, Cục đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vấp phải một số vướng mắc, trong đó đáng lưu ý nhất là đội ngũ cán bộ, công chức của Cục còn thiếu để triển khai các loại hoạt động tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Với chỉ tiêu biên chế là 37 trong khi Luật TGPL giao cho Bộ Tư pháp, mà đầu mối là Cục TGPL, trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL trên toàn quốc thì Cục làm không xuể, khiến việc ban hành Bộ tiêu chuẩn về chất lượng vụ việc TGPL có phần chậm trễ. Hy vọng, thời gian tới, số biên chế của Cục có thể được tăng lên từ 45 – 50 người.
PV: Xin cảm ơn bà!
Cẩm Vân