Đấu tranh phòng chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa: Cần một hành lang pháp lý mới
25/12/2008
Bài 1: Chống khủng bố khó mạnh vì qui định… lạc hậu
Phòng chống khủng bố (PCKB) là nhiệm vụ của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế, vì những hậu quả khôn lường mà hành vi khủng bố gây ra cho cộng đồng. Trước tình hình khủng bố ngày càng diễn biến phức tạp, cộng đồng quốc tế và các nước đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường năng lực PCKB, trong đó ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành các qui định pháp luật liên quan để tạo một cơ sở pháp lý toàn diện, hiệu quả cho cuộc đấu tranh PCKB toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8/13 Điều ước quốc tế về chống khủng bố và hiện đang xem xét để tham gia Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin (1979) và Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng bom (1997). Nhìn chung, các qui định của pháp luật Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các công ước và nghị định thư của LHQ về chống khủng bố. Nhưng để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các văn kiện quốc tế liên quan và phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh PCKB trong tình hình mới, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số điểm của hệ thống pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Lý (Bộ Công an) cho biết, đến nay chưa phát hiện có hành vi hay “chân rết” của tổ chức khủng bố quốc tế tại Việt Nam, nhưng những nguy cơ xảy ra khủng bố vẫn luôn tiềm ẩn. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng nhiệm vụ PCKB. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/2007/CT-TTg về công tác PCBK trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh PCBK đã gặp phải nhiều khó khăn, bất cập, mà một trong những nguyên nhân là do những hạn chế, lạc hậu của pháp luật và sự chưa tương thích giữa quan niệm về tội phạm khủng bố trong pháp luật Việt Nam và nhận thức của nhiều nước trên thế giới.
Điều 84 BLHS Việt Nam (tội khủng bố) so với các qui định của pháp luật quốc tế gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý của các cơ quan chức năng vì thiếu có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nguy hiểm này khi thực tế tội phạm khủng bố hoạt động và liên tục thay đổi phương thức và mục đích nhằm thực hiện ý đồ của chúng. Vì thế, ông Lý cho rằng, cần bổ sung qui định về tội phạm khủng bố trong BLHS đối với các hành vi khủng bố khác không nhằm mục đích chống chính quyền hoặc không nhằm vào các mục tiêu là con người cho phù hợp với quan điểm quốc tế. Đồng thời, nên tách tội khủng bố khỏi chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đưa mục đích chống chính quyền là một tình tiết tăng nặng đặc biệt đối với các tội phạm về những hành vi tương ứng. Nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng cần có một chương riêng trong BLHS qui định về tội phạm khủng bố, bao gồm cả các qui định điều chỉnh hành vi như hỗ trợ tài chính, lên kế hoạch, xúi giục, tuyển mộ, giúp đỡ… cho hành vi khủng bố vì hiện vẫn chưa xử lý được bằng các qui định hiện hành. Thậm chí, ông Lý thấy nên nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về chống khủng bố để điều chỉnh toàn diện, thống nhất công tác PCKB ở nước ta.
Theo điều 230a dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, tội khủng bố không chủ qui định trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nhằm một số mục đích khác, ngoài mục đích chống chính quyền nhân dân. Ông Trần Văn Đạt (Vụ pháp luật Hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp) nhận xét, qui định như vậy vừa đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam, vừa đáp ứng được yêu cầu của các văn kiện pháp lý quốc tế về chống khủng bố, và cũng tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác quốc tế về chống khủng bố. Ngoài ra, dự án Luật còn bổ sung điều 230b (Tội tài trợ khủng bố) để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho cá nhân, tổ chức khủng bố hoặc để thực hiện hành vi khủng bố.
Khi xây dựng qui định về tội khủng bố và một số tội phạm liên quan thì khủng bố là một vấn đề hoàn toàn mới, nên BLHS 1999 chưa lường hết được tích chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi này. Vì thế, sửa đổi, bổ sung các qui định về chống khủng bố theo hướng mở rộng hơn là yêu cầu cấp thiết hiện nay ở nước ta./.
Huy Long
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2008 trên thế giới đã xảy ra gần 380 vụ khủng bố, làm trên 3.600 người chết, hơn 6.700 người bị thương; cơ quan chức năng các nước đã bắt giữ hơn 15.000 đối tượng, truy tố, xét xử hơn 1.200 và tiêu diệt hơn 3.400 đối tượng khủng bố và có liên quan. Đáng lo ngại là ngoài các phương thức thông thường, bọn khủng bố đang triệt để lợi dụng công nghệ cao, tiến hành khủng bố trên mạng và tìm cách tấn công bằng vũ khí sinh học, hoá học, hạt nhân…, ráo riết tuyển mộ thành viên mới là những người nhiễm HIV và phụ nữ, người bản địa để đánh bom liều chết. |
Bài 2: Chống rửa tiền khó xong vì qui định… hẹp
Tội phạm rửa tiền còn kéo theo sự phát triển của các tội phạm khác, trong đó có tham nhũng, và huỷ hoại cơ chế hợp pháp của hệ thống tài chính, cũng như nền kinh tế. Là một nước có nền kinh tế “tiền mặt”, đang tăng trưởng mạnh, Việt Nam được đánh giá là có nhiều nguy cơ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm rửa tiền. Vì thế, Việt Nam cần có các biện pháp để nhanh chóng đấu tranh chống loại tội phạm này, mà hữu hiệu nhất là bằng các qui định pháp luật.
Để trừng trị các hành vi rửa tiền, BLHS hiện hành của Việt Nam có qui định hai tội là “tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (Điều 250) và “Tội hợp pháp tiền, tài sản do phạm tội mà có” (Điều 251) với mức hình phạt rất nghiêm khắc (đến 15 năm tù) và có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền gấp 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm… Như vậy, khái niệm về hành vi rửa tiền trong pháp luật Việt Nam chưa cụ thể, đầy đủ để xác định chính xác hành vi rửa tiền. Bên cạnh đó, nếu người phạm tội hợp pháp hoá, chứa chấp, tiêu thụ tiền hoặc tài sản do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 2 điều luật trên, còn nếu đó là tiền hoặc tài sản do chính bản thân người đó phạm tội mà có thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn.
Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức (pháp nhân), mà Nghị định số 74/2005/NĐ-CP (ngày 7/6/2005) của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền mới chỉ qui định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (và một số hình phạt bổ sung) đối với tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền mà có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, ông Nguyễn Công Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng, cần bổ sung qui định bắt buộc người đã bị kết án về hành vi rửa tiền phải báo cáo tình hình tài chính hàng năm sau khi thụ án. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện tài sản đáng nghi về nguồn gốc thì có thể thu hối, dẫn đến truy nguy được khối tài sản bất hợp pháp vì mục tiêu của hình phạt đối với những hành vi liên quan đến rửa tiền không phải là trừng trị mà là để truy nguyên được tài sản.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hồng, mặc dù với 2 điều 250 và 251 cùng chế định đồng phạm của BLHS Việt Nam cho phép trừng trị hầu hết các hành vi rửa tiền theo các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), nhưng vẫn còn một số hành vi chưa được hình sự hoá như sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp, làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác…; dịch chuyển tài sản nhằm mục đích che giấu hoặc nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; che giấu, nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản như che giấu thông tin về chủ sở hữu,…
Trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung các qui định của BLHS liên quan đến tội rửa tiền, ông Nguyễn Văn Hoàn (Vụ pháp luật Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) thấy rằng cần hình sự hoá các hành vi rửa tiền (gồm 5 nhóm hành vi): tham gia vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; sử dụng tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; che giấu các thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, nếu không thuộc trường hợp qui định tại điều 250 BLHS; thực hiện các hành vi nêu trên đối với tiền hoặc tài sản khác biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Hơn nữa, cùng ý kiến với theo ông Hoàn, ông Doanh (trường Đại học Luật Hà Nội) thấy cần nghiên cứu toàn diện về chế tài xử phạt đối với hành vi rửa tiền theo hướng ngoài hình phạt tù cần đa dạng hoá các loại hình phạt chính khác như phạt tiền, cải tạo không giam giữ để tạo điều kiện cho Toà án có thể lựa chọn áp dụng trong những trường hợp cụ thể. Đồng thời cũng vẫn duy trì các hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản; phạt tiền; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định./.
Huy Long
Kết quả điều tra năm 2002 của Tổng cục Thống kê đối với 30.000 hộ gia đình thì thu nhập từ tiền lương chỉ chiếm 32,69% trong tổng thu nhập của hộ gia đình. Kết quả điều tra năm 2005 của trường Đại học Kinh tế quốc dân đối với 11.532 người thì thu nhập từ công việc chính của người lao động hưởng lương chỉ chiếm 42,7%, còn 57,3% là từ nguồn khác. Các giao dịch chủ yếu là bằng tiền mặt (tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân không quá 10%). Đó là “môi trường” thuận lợi cho tội phạm rửa tiền phát triển nếu không có barie pháp lý vững vàng./.
Bài 3: Chống ma tuý vất vả vì qui định… chưa rõ
Những năm qua, số người nghiện ma tuý ở nước ta không ngừng tăng lên với tốc độ đáng lo ngại nên cần tăng cường đấu tranh với các tội phạm về ma tuý như sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma tuý. Để cuộc đấu tranh này có hiệu quả thì quan trọng là phải khắc phục các vướng mắc, thiếu thống nhất khi áp dụng các qui định pháp luật hình sự (cụ thể là BLHS) để giải quyết các vụ án ma tuý trong thực tế.
Sau khi BLHS 1999 có hiệu lực, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành một số nghị quyết hướng dẫn áp dụng qui định của BLHS, trong đó có một số qui định về các tội phạm về ma tuý như Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP (ngày 15/3/2001), Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP (ngày 17/4/2003), Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP (ngày 12/5/2006). Tuy nhiên, các nghị quyết này mới chỉ tập trung vào hướng dẫn một số điều, khoản và một số trường hợp cụ thể nên còn nhiều qui định về tội phạm về ma tuý chưa được hướng dẫn hoặc đã được hướng dẫn nhưng vẫn còn vướng mắc cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, bổ sung.
Với việc Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp ban hành TTLT số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (ngày 24/12/2007), hầu hết các tội danh liên quan đến tội phạm về ma tuý đã được hướng dẫn áp dụng. Song theo đánh giá của Phòng Nghiên cứu luật hình sự – hành chính (Viện Khoa học xét xử, TANDTC), TTLT số 17 vẫn còn một số điểm chưa rõ nên khi áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít trở ngại như qui định về trưng cầu giám định đối với các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, căn cứ để xác định hình phạt đối với những bị cáo trong các vụ án về ma tuý nhưng vật chứng là ma tuý giả…
Một vướng mắc hiện nay trong quá trình áp dụng các qui định pháp luật để giải quyết các vụ án ma tuý là các qui định về tiền chất ma tuý chưa bao hàm được các chất có thể là tiền chất ma tuý. Vì thực tế, nhiều loại ma tuý, thuốc gây nghiện được sản xuất ngay từ những loại dược phẩm, hoá chất được bán công khai trên thị trường. Nếu căn cứ theo các qui định của pháp luật hình sự về tiền chất ma tuý thì rất nhiều loại đã “lọt lưới” dẫn đến khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án liên quan.
Bên cạnh đó, qui định của BLHS và các văn bản hướng dẫn đã chưa phân biệt rõ tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” với các tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” và tội ”sử dụng trái phép chất ma tuý” nên việc áp dụng các qui định này không thống nhất. Nếu con nghiện cùng tụ tập, góp tiền để một trong số họ đi mua ma tuý về cùng sử dụng, nếu đã được giáo dục nhiều lần, đã bị xử lý vi phạm hành chính…, thì hành vi của họ đã đủ để cấu thành tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” và tội “sử dụng trái phép chất ma tuý”. Vấn đề là việc vận dụng cả hai tội danh hay một tội danh trên để xử lý những hành vi đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của cơ quan tiến hành tố tụng, chứ không theo qui định của pháp luật.
Hiện Điều 194 BLHS qui định nhiều hành vi: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Theo đó, trường hợp thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển… để thực hiện hành vi bán trái phép chất ma tuý thì bị xét xử về tội mua bán trái phép chất ma tuý, còn nếu hành vi vận chuyển và mau bán độc lập với nhau thì bị xét xử về hai tội danh tương ứng và tổng hợp hình phạt (hình Điều 50 BLHS). Song qui định này chưa được cụ thể hoá để phân hoá rõ ràng trách nhiệm hình sự đối với từng hành vi nên khi áp dụng Điều 194 khó đảm bảo nguyên tắc công bằng. Do đó, đã có trường hợp người vận chuyển thuần tuý (lấy tiền công) bị kết án tử hình dù không nhằm mục đích buôn bán…
Trước yêu cầu quyết liệt của cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn và tội phạm ma tuý, Phòng nghiên cứu pháp luật hành chính – hình sự (Viện Khoa học Xét xử, TANDTC) thấy rằng nên tách điều 194 thành 2 điều: một điều qui định về hành vi mua bán và một điều qui định về các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, với khung hình tương ứng cho các hành vi này. Đồng thời, sửa đổi các qui định pháp luật có liên quan của BLHS để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị thực hiện các tội phạm về ma tuý./.
Huy Long
Số liệu của Bộ LĐTB&XH và Bộ Công an cho thấy, tính đến hết ngày 30/11/2007, trên cả nước, số người nghiện có hồ sơ kiểm soát là 178.305 người (tăng 11,28% so với năm 2006). 43 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có số người nghiện tăng, nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Lai Châu, Phú Thọ… Trong 10 năm qua có 385 bị cáo trong các vụ án ma tuý là cán bộ, công chức, đảng viên (chiếm 0,08%), bị cáo là nữ (18%), vị thành niên (5%), dân tộc ít người (7%); nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng hy sinh hoặc chịu thương tật trong khi đấu tranh chống tội phạm ma tuý./. |
Bài 4: Chống buôn bán người lúng túng vì qui định sơ hở
Cùng với quá trình hội nhập, tội buôn bán người (BBN) dường như trở thành một “trào lưu” trong hơn 1 thập kỷ gần đây ở nước ta. Điều đó đã khiến các cơ quan chức năng phải đương đầu với một cuộc chiến đầy khó khăn để bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và sức khoẻ của con người, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Số liệu điều tra năm 2005 cho thấy, trong vòng 5 năm, số phụ nữ bị mất tích trên cả nước lên đến con số hàng nghìn (nhiều nhất là Hà Tây (cũ), Bắc Ninh…) mà phần lớn trong số đó bị nghi bán ra nước ngoài. Điều đáng nói là hiện các cơ quan chức năng lại chưa thể chủ động điều tra các vụ án BBN mà thường là phải dựa trên lời khai của các nạn nhân hoặc nhân chứng. Nguyên nhân chính được xác định là do Việt Nam còn thiếu mạng lưới thu thập thông tin tình báo và khả năng phân tích những thông tin đó ở các cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi đó, các qui định của pháp luật hình sự về phòng chống BBN chưa cập nhật với thực tiễn nên khó xử lý đối với nhiều vụ án loại này.
Theo nhận định của Vụ Pháp luật Hành chính hình sự (Bộ Tư pháp), một trong những khó khăn mà các cơ quan tiến hành tố tụng gặp phải trong quá trình định tội danh là việc chứng minh yếu tố tư lợi đối với hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em. Vì khi điều tra những vụ án này, cơ quan điều tra chỉ dựa trên lời khai của các nạn nhân, khó có thể chứng minh bị cáo đã nhận lợi ích vật chất nên cuối cùng chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo với tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc môi giới mại dâm.
Vì thế, trong quá trình định tội danh đối với hành vi mua bán phụ nữ trẻ em, có cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng chỉ cần có sự thoả thuận về việc đổi phụ nữ, trẻ em để lấy một lợi ích vật chất là đã cấu thành tội phạm nhưng một số cơ quan lại nhất định yêu cầu phải có yếu tố “hưởng lợi” trong thực tế. Sự nhận định thiếu thống nhất về cấu thành tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nên các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gặp nhiều lúng túng trong việc phân biệt hành vi này với hành vi môi giới lao động, kết hôn với người nước ngoài.
Một yếu tố nữa các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh là nạn nhân không tự nguyện. Nhưng thực tế, nhiều nạn nhân lại thực sự đã tự nguyện để được đưa ra nước ngoài (như các trường hợp phụ nữ quá tuổi nhờ người khác đưa sang Trung Quốc để lấy chồng) và trả một khoản tiền nhất định. Trường hợp này vẫn chưa có quan điểm thống nhất về việc xử lý về tội mua bán phụ nữ hay không. Ngoài ra, nếu đối tượng bị buôn bán là đàn ông (nam giới trên 18 tuổi) thì căn cứ vào điều 119 và 120 BLHS không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng lừa gạt, mua bán nam giới qua biên giới (như vụ án của anh Nguyễn Văn Hoà (Hải Dương) bị Đỗ Thị Hồng (Quảng Ninh) lừa bán sang Trung Quốc mà công an Quảng Ninh đang điều tra)…
Để tăng cường việc hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội BBN, bản thân pháp luật của mỗi quốc gia phải có tính tương thích với qui định của pháp luật quốc tế và quan điểm chung của các nước về vấn đề này. Trên cơ sở đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS Việt Nam đã qui định điều 119 (tội BBN) và điều 119a (tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi).
Với qui định tại điều 119 dự án Luật, hành vi BBN được mô tả cụ thể, bao gồm bất kỳ hành vi nào trong qui trình BBN như tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận người. Các hành vi trên phải được thực hiện bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực, đe doạ hay các thủ đoạn ép buộc khác… để bóc lột nạn nhân trái với ý muốn của họ. Tội BBN sẽ được bổ sung thêm mục đích bóc lột vì theo các chuẩn mực quốc tế, BBN là loại tội phạm trước hết xâm phạm con người. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là kể phạm tội có mục đích xâm hại nạn nhân, cưỡng ép nạn nhân phải làm những việc trái ý muốn chứ không phải là việc kẻ phạm tội đã thu lợi ra sao. Nghị định thư về chống BBN qui định mục đích bóc lột nạn nhân là một trong những yếu tố cấu thành bắt buộc của tội BBN chứ không qui định mục đích tư lợi.
Điều 119a được bổ sung để xử lý đối với người trung gian có hành vi giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi cho phù hợp với nghĩa vụ theo Nghị định thư về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em (bổ sung Công ước Quyền trẻ em) mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 2001./.
Huy Long
Hàng năm, lực lượng công an phát hiện, điều tra khoảng 200 – 300 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em; riêng năm 2006 lực lượng công an và bộ đội biên phòng đã khám phá 224 vụ, bắt 454 đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em. Đợt cao điểm tấn công tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia (tháng 7-8/2007), cả nước đã điều tra, triệt phá được 72 vụ, bắt giữ 150 đối tượng. Từ năm 2001 – 2006, TAND các cấp đã xét xử 675 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em với 1157 bị cáo, riêng năm 2006 là 123 vụ với 237 bị cáo. (Nguồn: Bộ Công an, TANDTC) |