Dịch vụ pháp lý của luật sư trước nhu cầu của hội nhập: Nhiều lỗ hổng lớn cần khỏa lấp
16/03/2009
Lỗ hổng “kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm”
Trong 3 tiêu chí cơ bản để xác định LS hội nhập kinh tế (chuyên môn, ngoại ngữ và tin học) thì tính đến nay, hầu hết các LS nước ta đang hạn chế về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên môn hóa trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2008 cho thấy, mặc dù số lượng, chất lượng LS đã được nâng cao nhưng số lượng LS đáp ứng được đầy đủ tiêu chí của LS hội nhập kinh tế quốc tế còn rất hạn chế. Thực tiễn thời gian qua đã bộc lộ rõ hạn chế này khi đối với phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đều không thể trông chờ vào dịch vụ pháp lý của LS trong nước, mà đều phải thuê LS nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Những năm gần đây, số lượng khách hàng của những tổ chức hành nghề LS tăng lên nhanh chóng, không chỉ có cá nhân mà còn có các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Song theo đánh giá của các tổ chức quốc tế (như legal500, whoswholegal (Mỹ), Chambersandpartners (Anh)…) về sự tín nhiệm của thị trường dịch vụ pháp lý của LS Việt Nam thì chỉ có khoảng 1% (khoảng 15/1.500 tổ chức hành nghề LS của Việt Nam) được thị trường quốc tế biết đến trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Đó là vì các tổ chức hành nghề LS nước ta mới chỉ tập trung khai thác được các khách hàng truyền thống là các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Còn khách hàng nước ngoài chủ yếu là đối tượng phục vụ của các công ty, văn phòng luật nước ngoài hoặc một số công ty (Hà Nội, TP.HCM) do các LS trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài hoặc theo các chương trình đào tạo ở nước ngoài thành lập.
Bên cạnh đó, không phải mọi LS Việt Nam đều được đào tạo chuyên sầu về các chuyên ngành cụ thể liên quan đến giải quyết tranh chấp như kỹ năng đàm phán – thương lượng, hòa giải thương mại, trọng tài quốc tế, tranh tụng quốc tế… Cùng những khó khăn trong cuộc sống và công việc, không nhiều LS chủ động nghiên cứu các án lệ điểu hình trong thương mại và đầu tư quốc tế, nên LS Việt Nam đang thiếu “kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khi tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế” dù nước ta đã bước vào sân chơi bình đẳng của WTO, như nhận định của LS Nguyễn Mạnh Dũng (Trung tâm Trọng tài quốc tê Thái Bình Dương – PIAC).
Tự phát triển để thu hút khách hàng
Sau một thời gian dài tự mình xoay xở giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến nay, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vị trí, vai trò của LS cũng đã được nâng cao, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của LS đang tăng một cách rõ rệt. Dù thị trường dịch vụ pháp lý đã chuyên sâu đến mức độ mà phần lớn khách hàng quốc tế vẫn phải thuê LS nước ngoài tại các tổ hợp LS quốc tế có danh tiếng để làm đại diện và tư vấn cho họ tại các tổ chức tài phán quốc tế thì với nhu cầu phát triển, hợp tác của thời kỳ hội nhập, LS Việt Nam vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng trong và ngoài nước. Điều đó đặt ra yêu cầu tự hoàn thiện và phát triển của đội ngũ LS Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã xác định rõ chính sách sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đối với các hoạt động ở nước ngoài để phòng tránh các rủi ro tại thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại thì phải thuê tư vấn LS tại thị trường đó. Như vậy, cũng sẽ có không ít doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các tổ chức hành nghề Việt Nam khi họ có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam – một thị trường mới và hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.
LS Trần Tuấn Phong (Công ty Luật Vilaf) thấy rằng, muốn xây dựng được một đội ngũ LS hội nhập kinh tế quốc tế cần có giải pháp lâu dài và giải pháp đột phá. Trong đó, Chính phủ Việt Nam phải coi tổ chức hành nghề LS Việt Nam như những đối tác để tạo điều kiện cho LS Việt Nam tham gia mạng LS toàn cầu, được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường liên kết với các hãng luật nước ngoài để tăng khả năng cạnh tranh và điều kiện học hỏi… Còn theo ông Nguyễn Văn Du (TCty Hàng không Việt Nam), bản thân giới LS phải đưa ra và chứng tỏ cho thị trường thấy được giá trị gia tăng chứa đựng trong sản phẩn của họ để các đối tượng sử dụng dịch vụ pháp lý phải tự ý thức được lợi mà mình có thể nhận được và tiếp nhận dịch vụ pháp lý của LS VIệt Nam một cách tự nguyện trên cơ sở lợi ích.
Chính sách phát triển nghề LS cũng là một giải pháp được nhiều người đánh giá là then chốt cho việc xây dựng đội ngũ LS của thời kỳ hội nhập ở Việt Nam. Trên thế giới có không ít kinh nghiệm về vấn đề này, trong đó cách làm của Malaysia là một ví dụ rất phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Một thời gian dài, các LS người Hoa chiếm lĩnh thị trường dịch vụ pháp lý ở Malaysia, các LS Malaysia chỉ làm thuê hoặc thực hiện các công việc có giá trị gia tăng không cao. Với quyết tâm phát triển nghề LS của nước mình, Chính phủ Malaysia đã ban hành nhiều qui định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty luật do các LS Malaysia thành lập như giao cho họ thực hiện những giao dịch lớn, làm việc với các LS nước ngoài nhằm học hỏi và tích lũy kinh nghiệm… Nhờ đó, nghề LS và đội ngũ LS Malaysia đã phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh được thị phần dịch vụ pháp lý trong nước và mở rộng ra nước ngoài./.
Huy Anh
Năm 2008, 77,42% cơ qiuan nhà nươc và tổ chức có bộ phận pháp chế; 46,3% doanh nghiệp được hỏi có bộ phận phụ trách về pháp lý, trong đó chủ yếu là các tập đoàn kinh tế lớn; chỉ khoảng 47,27% doanh nghiệp từng thuê LS. Nhu cầu của doanh nghiệp khi thuê LS chủ yếu là tư vấn về các vấn đề pháp luật (34,95%); giải quyết tranh châos (25,86%), thương lượng, đàm phán, ký kết hợp đồng (13,13%). Dự kiến đến năm 2010, nhu cầu sử dụng dịch vụ LS của các DN tăng lên 67,5% (tăng 1,43 lần so với năm 2008), năm 2015, tỷ lệ này là 85% và năm 2020 là 94%. (Nguồn: Kết quả khảo sát năm 2008 của Bộ Tư pháp) |