Đối xử nhân đạo với trẻ em làm trái pháp luật, không vì mục đích trừng phạt

(Kiemsat.vn) – Trẻ em được coi là một trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất và được các nhà nước, các cộng đồng quan tâm bảo vệ. Trong Bộ luật Hồng Đức của Việt Nam trước đây đã quy định trách nhiệm của dân chúng và các quan lại địa phương phải giúp đỡ trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… đồng thời, quy định về trừng trị các tội buôn bán phụ nữ, trẻ em; giảm án và hoãn thi hành án với phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ…



Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 đã quy định 04 nguyên tắc cơ bản làm nền tảng, đó là: Trẻ em cũng là những con người, có những giá trị như người lớn do đó phải được công nhận và bảo vệ các quyền ngay từ giai đoạn thơ ấu; tất cả trẻ em trên thế giới đều được hưởng các quyền quy định trong CRC, bất kể dân tộc, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, dòng dõi gia đình; trong các hoạt động liên quan đến trẻ em, Nhà nước, các bậc cha mẹ và các chủ thể khác phải lấy lợi ích của trẻ em là mục tiêu hàng đầu; tôn trọng ý kiến, quan điểm của trẻ em.



Ngoài ra, CRC cũng quy định một số vấn đề như: Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp tùy tiện vào cuộc sống riêng tư; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những hình thức bạo lực về thể chất, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…; quyền được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.



Đặc biệt, Công ước quy định việc đối xử với trẻ em làm trái pháp luật tại Điều 37 và Điều 40 của Công ước quy định về những tiêu chuẩn cơ bản trong áp dụng tư pháp theo nguyên tắc là trẻ em làm trái pháp luật vẫn phải được đối xử theo cách thức nhằm nâng cao ý thức của các em về nhân phẩm, giá trị cá nhân, có xem xét đến độ tuổi và nhằm mục đích hòa nhập các em vào xã hội, không vì mục đích tuyên phạt. Đồng thời, Công ước khuyến khích các quốc gia áp dụng các biện pháp xử lý khác với biện pháp hình sự và xác lập những thủ tục, cơ chế riêng để đối xử với trẻ em làm trái pháp luật, yêu cầu sử dụng hệ thống Tòa án và các thiết chế hỗ trợ tư pháp với người chưa thành niên. Công ước khẳng định trẻ em cũng phải được áp dụng cáctiêu chuẩn tối thiểu thông thường về xét xử công bằng, thể hiện ở các nguyên tắc không hồi tố, nguyên tắc suy đoán vô tội, các quyền về bào chữa, kháng cáo, trợ giúp pháp lý… Việc bắt, giam giữ, bỏ tù trẻ em phải được tiến hành theo đúng pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, với thời gian thích hợp ngắn nhất. Không được giam giữ trẻ em chung với người lớn, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các quốc gia phải bảo đảm rằng trẻ em không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay nhục hình trong suốt các giai đoạn của tố tụng hình sự, cũng như không bị xử tử hình và chung thân.



Ở Việt Nam, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong Bộ Hình thư thời Lý và Bộ luật Hồng Đức thời Hậu Lê đều đã có những quy định rất cụ thể và tiến bộ về vấn đề này. Kế thừa truyền thống đó, ngay từ khi giành được độc lập, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Ngày 20/02/1990, Việt Nam đã phê chuẩn Công về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này).



Ngay sau khi phê chuẩn Công ước, năm 1991, Việt Nam đã ban hành hai đạo luật quan trong là Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và Luật phổ cập giáo dục tiểu học. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật khác nhằm nội luật hóa nội dung Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em…



Trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, tại Điều 58 quy định chăm sóc và bảo vệ khi trẻ em vi phạm pháp luật, theo đó: Nhóm trẻ em này được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục, giúp đỡ để sửa chữa sai lầm. Điều này cũng quy định trẻ em vi phạm pháp luật đã bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự cách ly khỏi cộng đồng trong một thời gian nhất định, khi trở về gia đình được UBND cấp xã phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện giúp đỡ tiếp tục học văn hóa, học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Trường hợp trẻ em đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để được học nghề và có việc làm.



Đặc biệt, ngày 4/4/2016 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố quyết định thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên.



Việc ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, là dấu ấn quan trọng, là một trong những thành tựu của tiến trình cải cách tư pháp. Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.



Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên (quy định tại Khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, tạo dựng một thiết chế đặc thù, để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân, bảo vệ tốt hơn sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.



Ngày 5/4/2016 vừa qua, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật trẻ em quy định cụ thể về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách hiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.



Trước đó, BLHS năm 2015 được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII có hiệu lưc từ 01/7/2016 cũng đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc xử lý, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Một điểm quan trong trong BLHS năm 2015 đã đổi mới quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó, đã chuyển hóa việc áp dụng các biện pháp tư pháp thành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; quy định này nhằm mục đích hạn chế thấp nhất việc phải áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niêm phạm tội, điều này phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em; mặt khác cũng yêu cầu trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc giám sát, giáo dục trẻ em, giúp trẻ em làm trái pháp luật nhận thức được lỗi lầm ăn ăn hối cải và khắc phục sai phạm. Qua đó, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vị trí tiên phong của mình về bảo vệ quyền trẻ em và sẽ chấp thuận quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em.



Nguyễn Long (sưu tầm và tổng hợp)

1900.0191