Gia nhập và thực thi quy chế Rome về ICC: Con đường ngắn bảo vệ hoà bình quốc tế

Gia nhập và thực thi quy chế Rome về ICC: Con đường ngắn bảo vệ hoà bình quốc tế

27/06/2008

Gia nhập và thực thi quy chế Rome về ICC: Con đường ngắn bảo vệ hoà bình quốc tế
Đến nay, Việt Nam, Brunei và Malaysia vẫn là 3 trong số 11 quốc gia ASEAN chưa tham gia Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế (ICC). Vì vậy để có cái nhìn tổng quát và hiểu biết sâu sắc hơn về ICC, nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội thảo liên quan đến ICC. Sau hội thảo do Bộ Tư pháp và Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 3, trong 2 ngày 26-27/6, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức “Hội thảo khu vực về ICC: Gia nhập và thực thi quy chế Rome” dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Anh, Thuỵ Sỹ và Hà Lan tại Việt Nam.

Châu Á: đang nằm ngoài ICC

ICC là một thiết chế đặc biệt, độc lập, chuyên xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng, chống lại loài người diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia thành viên. Qua 10 năm có hiệu lực, Quy chế Rome hiện có 106 quốc gia thành viên, nhưng châu Á và Trung Đông lại là những khu vực có ít quốc gia tham gia. Theo bà Evelyn Balais-Serrano (Điều phối viên của Liên minh ICC châu Á – Thái Bình Dương), thì đó là một thách thức lớn vì châu Á chiếm gần 25% diện tích và dân số thế giới, nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang, có hàng triệu công dân đang lao động ở nước ngoài. Do đó, bà Evelyn cho rằng, châu Á cần tham gia ICC để chấm dứt sự lan tràn của bạo lực và tội phạm; hạn chế khả năng không thể trừng trị những kẻ phạm tội ác nghiêm trọng nhất; tránh cho châu Á không trở thành nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố và tội phạm quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia ICC sẽ góp phần tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên trong tiến trình tố tụng tư pháp và hành chính tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, nội luật hoá các qui định của Quy chế Rome – những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi là thành tựu quan trọng trong lịch sử pháp luật quốc tế.

Ở châu Á, mới có 7 quốc gia châu Á đã phê chuẩn hoặc gia nhập Quy chế Rome, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản đã hoàn tất quá trình soạn thảo văn bản pháp luật trong nước hướng dẫn thi hành Quy chế Rome; 5 quốc gia đã ký như chưa phê chuẩn. Hiện Nghị viện Mông Cổ đang xem xét dự thảo gia nhập ICC của nước này; tiến trình phê chuẩn việc gia nhập ICC của Afghanistan và Đông Timor bị trì hoãn do xung đột, của Campuchia bị trì hoãn do việc thành lập và hoạt động của Toà án đặc biệt xét xử các tội phạm diễn ra dưới thời Khmer Đỏ.

Hiện có rất nhiều cơ hội để các quốc gia châu Á tham gia ICC với việc Nhật Bản gia nhập ICC vào năm 2007, việc 3 quốc gia (Lào, Indonesia và Nepal) đã tuyên bố về ý định gia nhập và phê chuẩn Quy chế Rome và một số quốc gia (Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ) đang trong quá trình nghiên cứu để tiến tới phê chuẩn Quy chế Rome. Bà Evelyn đánh giá, điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nỗ lực phê chuẩn và thi hành Quy chế Rome tại châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Hàn Quốc – Nhật Bản: Những nhà tiên phong

Là quốc gia châu Á đầu tiên có Luật thực thi Quy chế Rome, Hàn Quốc phê chuẩn Quy chế Rome vào năm 2002 nhưng đến năm 2007 mới thực hiện. LS. Byoung Joo Kim (Chủ tịch Hội đồng Đoàn kết quốc tế (MINBYUN) cho biết, trong quá trình phê chuẩn Quy chế Rome, Hàn Quốc đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Mặc dù Hàn Quốc ký Quy chế Rome từ tháng 3/2000 nhưng tháng 9/2002, Quốc hội nước này lại trì hoãn việc phê chuẩn do những áp lực từ bên ngoài. Để thúc đẩy tiến trình phê chuẩn, MINBYUN và các NGO khác đã mở chiến dịch vận động và thành lập các nhóm làm việc, xuất bản cuốn sách “ICC là gì?” – một biểu tượng của sự đoàn kết quốc tế về vấn đề ICC, và Quy chế Rome đã được Hàn Quốc phê chuẩn dưới sự giúp đỡ của nhiều NGO khác tại châu Á.

Giới thiệu về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc gia nhập ICC, ông Takahiro Katsumi (Mạng lưới Nhật Bản vì ICC (JPICC) thuộc Phong trào Liên minh thế giới Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản đã huy động sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan để thống nhất ý chí chính trị từ dưới lên. Sau 1 năm Nhật Bản đã đạt được sự đồng thuận chính trị về việc phê chuẩn và gia nhập Quy chế Rome. Theo Báo Nikkei (số ra ngày 16/1/2007), Chính phủ Nhật Bản quyết định gia nhập ICC nhằm “trừng phạt các cá nhân bị buộc tội về các tội diệt chủng và chống lại loài người nhằm mục đích ủng hộ các nguyên tắc được Toà án tôn vinh về việc cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép những kẻ phạm các tội ác phi nhân tính được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật cũng như là ngăn chặn các tội ác này diễn ra tại các nước đang phát triển”./.

H.Giang

Trong khi đó có đến 21 quốc gia đã ký Hiệp định miễn trừ song phương với Mỹ (Hiệp định về không giao nộp người), cho phép tất cả các công dân Mỹ được hưởng quyền miễn trừ, không bị ICC xét xử về bất kỳ tội danh nào mà họ phạm phải thuộc thẩm quyền xét xử của ICC.

Chỉ có 2 nước châu Á (Mông Cổ và Hàn Quốc (đã phê chuẩn) đã ký Hiệp định về Đặc quyền và Miễn trừ của Toà án APIC. APIC là Hiệp định giữa ICC và một quốc gia cho phép các nhân viên ICC được tiến hành công việc của mình trên lãnh thổ quốc gia thành viên với đặc quyền và miễn trừ tương tự nhân viên Liên Hợp quốc.

1900.0191