Gia nhập và thực thi Quy chế Rome về ICC: Nhiều quy định pháp luật Việt Nam chưa tương thích

Gia nhập và thực thi Quy chế Rome về ICC: Nhiều quy định pháp luật Việt Nam chưa tương thích

01/07/2008

Báo Pháp luật Việt Nam số 154 ra ngày 27/6/2008 cho biết Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam á chưa tham gia Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế (ICC). Điều này có nhiều nguyên nhân, song theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất là khả năng đáp ứng của nước ta về pháp luật hình sự và cơ chế thực thi pháp luật chưa thực sự thống nhất với một điều ước quốc tế đa phương như Quy chế Rome.

Bất cập ngay từ một số nguyên tắc chung…

Theo Điều 20 Quy chế Rome quy định nguyên tắc công minh, không xét xử 2 lần đối với cùng một tội phạm, ICC không xét xử một cá nhân phạm tội về những tội mà người đó đã bị một toà án khác kết án hoặc tha bổng (trừ trường hợp vi phạm những thủ tục tố tụng được pháp luật quốc tế thừa nhận) và toà án khác cũng không xét xử một cá nhân phạm tội về những tội mà ICC đã kết án và tha bổng. Còn căn cứ vào Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam năm 1999, khả năng toà án Việt Nam xét xử những cá nhân phạm tội đã được ICC tha bổng trước đó vẫn có thể xảy ra. Bởi vì, việc quy định tội danh, hình phạt giữa pháp luật hình sự nước ta và Quy chế Rome không đồng nhất mặc dù tính chất, mức độ hành vi tội phạm là như nhau.

Quy chế Rome cũng yêu cầu “tội phạm phải được giải thích một cách nghiêm ngặt và không được mở rộng theo cách loại suy. Trong trường hợp có nội dung không rõ ràng thì định nghĩa đó phải được giải thích theo hướng có lợi cho người đang bị điều tra, truy tố hoặc kết tội” (Điều 22). Trong khi đó, nhiều tội danh của BLHS Việt Nam thường được quy định một cách chung chung, không có mô tả cụ thể về yếu tố cấu thành. Ngoài ra, Điều 3 BLHS Việt Nam không nói tới việc phải giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo hay người bị kết án trong trường hợp tội danh đó không được định nghĩa một cách rõ ràng. Như vậy, pháp luật hình sự Việt Nam đã chưa đề cập về một trong các nguyên tắc rất quan trọng của Quy chế Rome – không có tội khi không có luật.

Về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Điều 27 Quy chế Rome giải thích, việc tiến hành các hành vi tố tụng áp dụng đối với tất cả cá nhân bị coi là phạm tội mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, kể cả các cá nhân được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, Điều 3 BLHS và Điều 5, Điều 19 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, Điều 44 Luật Tổ chức hội đồng nhân dân năm 2003, Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) của Việt Nam lại có khác biệt. Cụ thể, đối với đại biểu Quốc hội, “không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội”; đối với đại biểu HĐND, “trong thời gian HĐND họp, nếu không được sự đồng ý của chủ toạ kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu HĐND”.

…Đến những quy định cụ thể

Có khá nhiều điểm khác biệt giữa pháp luật hình sự Việt Nam với Quy chế Rome như vấn đề tội danh, loại và khung hình phạt, dẫn độ công dân, thi hành án, thẩm quyền điều tra của công tố viên, bắt khẩn cấp người phạm tội… Đáng chú ý đầu tiên là có hai điểm khác biệt cơ bản giữa Quy chế Rome và pháp luật hình sự Việt Nam về đối tượng phạm tội bị truy tố. Thứ nhất là truy tố theo độ tuổi, Quy chế Rome không truy tố đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội thì BLHS Việt Nam quy định người chưa thành niên từ 14 – 16 tuổi nếu thực hiện các tội phạm nghiêm trọng với lỗi cố ý phải chịu trách nhiệm hình sự. Thứ hai là vấn đề cá thể hoá trách nhiệm của người chỉ huy. Theo Điều 28 Quy chế Rome, người chỉ huy quân sự, người làm việc như chỉ huy quân sự hoặc cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm thuộc quyền tài phán của ICC ngay cả khi người này không phạm tội một cách độc lập hoặc với vai trò đồng phạm. Trong khi đó, chế định đồng phạm và phần các tội về phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của BLHS năm 1999 chỉ quy định trách nhiệm của người chỉ huy khi người đó tham gia với tư cách độc lập hoặc với vai trò đồng phạm.

Về bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự, Quy chế Rome quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị tình nghi khi bị thẩm vấn, hỏi cung. Nghĩa là, họ có quyền không bắt buộc phải khai báo và sự im lặng của họ không được xem xét theo hướng bất lợi cho họ khi kết tội sau này tại phiên toà. Nếu các quy định trên bị vi phạm, ICC hoàn toàn có quyền không chấp nhận các chứng cứ thu thập được từ việc vi phạm. Không những thế, để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực cũng như để bảo vệ quyền con người, gần như tất cả các biện pháp điều tra, cưỡng chế (bắt, triệu tập…) đều phải có sự phê chuẩn của Hội đồng tiền xét xử ICC trên cơ sở đề nghị của công tố viên. Nhưng, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam mới đang nghiên cứu xây dựng chế định này.

Về chứng cứ trong tố tụng hình sự, Quy chế Rome cho phép công tố viên được đưa ra bằng chứng dưới hình thức ghi âm, ghi hình của nhân chứng thông qua các phương tiện điện tử. Tuy nhiên, BLTTHS Việt Nam lại quy định việc lấy lời khai của nhân chứng bắt buộc phải bằng biên bản và khi cần thiết, toà án có thể triệu tập nhân chứng tham gia phiên toà. Hơn nữa, pháp luật nước ta cũng chưa quy định việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động tố tụng.

Hoàng Thư

Ông Vương Toàn Thắng, Bộ Tư pháp: Trong trường hợp Việt Nam gia nhập Quy chế Rome, việc đầu tiên phải làm là xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật quốc gia sao cho phù hợp với Quy chế Rome. Việc sửa đổi pháp luật trong nước là một quy trình tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản khác nhau nên cần có sự nghiên cứu thấu đáo và tìm ra nhiều hình thức sửa đổi pháp luật khác nhau. Thiết nghĩ, với dự kiến kế hoạch sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 và BLTTHS năm 2003, chúng ta có thể tiến hành nội luật hoá các quy định của Quy chế Rome phù hợp với điều kiện, khả năng cho phép

 

1900.0191