Giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức

(Kiemsat.vn) – Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những cách tiếp cận rất mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền công dân, tạo điều kiện, thông thoáng hơn, ổn định hơn trong giao lưu dân sự, thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

Bộ luật Dân sự được xem là bộ luật gốc, là cơ sở của luật chuyên ngành, điều chỉnh các quan hệ dân sự trong đời sống hàng ngày. Qua hơn 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, từ thực tế xét xử, giải quyết các yêu cầu về giao dịch dân sự vô hiệu thì trường hợp vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức giao dịch chiếm tỷ lệ rất cao.

Theo quy định của pháp luật tại Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện pháp lý quan trọng nhất trong giao lưu dân sự, trong việc dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội.

Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thông qua giao dịch dân sự, các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.

Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch, thì pháp luật cũng đặt ra một số những yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân thủ theo, đó là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Một trong các điều kiện đó có điều kiện hình thức của giao dịch. Tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Theo quy định trên thì khi giao dịch vi phạm về mặt hình thức và một trong các bên yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu thì pháp luật cho phép các bên hoàn thiện về mặt hình thức trong một thời gian nhất định và nếu quá thời gian đó các bên không thực hiện thì Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự không phải ai cũng nắm rõ các quy định cụ thể về hình thức của giao dịch mà mình tham gia. Trong nhiều trường hợp, giao dịch mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba, do đó việc tuyên bố giao dịch vô hiệu không phù hợp với lợi ích của các bên. Trên thực tế có không ít trường hợp các bên không thiện chí, lạm dụng quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức để bội ước, không muốn hoàn thiện về mặt hình thức, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên còn lại, làm méo mó quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động, sản xuất kinh doanh nói riêng.

Bộ luật Dân sự năm 2015 với nhiều chế định mới, tiến bộ, thể hiện một cách đầy đủ nhất với tính chất là luật chung và định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, xử lý bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh thần Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận có hiệu lực pháp lý làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Cụ thể, tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế việc một bên không tự nguyện tham gia giao dịch lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng giao dịch biến động có lợi hơn cho bên không thiện chí tham gia giao dịch./.

Võ Thị Kim Oanh

VKSND thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh

1900.0191