Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nhiệm vụ quan trọng của Ngành Tư pháp Việt Nam
10/09/2009
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, về phía doanh nghiệp, trình độ hiểu biết luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn làm ăn không trung thực, cố tình vi phạm quy định pháp luật…. Trong tổng số 413.000 doanh nghiệp hiện nay [2] thì có đến 95% trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tổng số 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa này thì có trên 50% là doanh nghiệp nhỏ và nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy, các doanh nghiệp này thường chỉ quan tâm đến các vấn đề thị trường, mặt hàng, sản phẩm, lợi nhuận… mà chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, rủi ro pháp lý luôn luôn là nguy cơ tiềm tàng đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sự yếu kém trong việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất,về phía doanh nghiệp:
Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế.[3] Tình trạng doanh nghiệp không chú ý tới việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật là phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Có những doanh nghiệp còn lợi dụng sơ hở của pháp luật và yếu kém trong quản lý Nhà nước để thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư trục lợi, trốn thuế bất hợp pháp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của nhiều người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn lực để tiếp cận với thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật, hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Theo kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức năm 2005 thì có tới hơn 30% doanh nghiệp được khảo sát[4] cho rằng việc tiếp cận với văn bản pháp luật là khó hoặc không thể. Sự khó khăn trong việc tiếp cận này phần nào ảnh hưởng đến sự hiểu biết của doanh nghiệp về hệ thống pháp luật kinh doanh của nhà nước ta và do đó cũng gây khó khăn cho họ trong việc thực thi pháp luật.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia, đặt ra yêu cầu phải nâng cao sự hiểu biết về pháp luật của doanh nghiệp. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, doanh nghiệp có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho hoạt động thực thi pháp luật. Các doanh nghiệp này thường có nhiều kinh nghiệm và có kỹ năng thành thạo trong việc thực hiện pháp luật. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do có những hạn chế trong việc nhận thức về pháp luật so với doanh nghiệp nước ngoài nên đã và sẽ gặp phải rủi ro pháp lý nhiều hơn, cũng như không tăng cường được sức cạnh tranh của mình trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.
Thứ hai,về phía Nhà nước:
Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thi hành tốt nhiệm vụ của mình trongviệc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp, cụ thể:
Luật Tổ chức Chính phủ quy định Chính phủ có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành pháp luật của tổ chức, cá nhân nói chung và của doanh nghiệp nói riêng[5]. Luật doanh nghiệp năm 2005 cũng có các quy định, theo đó, việc phổ biến và tổ chức thi hành các văn bản pháp luật là một trong các nội dung quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp[6]. Trách nhiệm của Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật cũng đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ[7] và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[8]. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trong lĩnh vực này được đánh giá là còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều gặp khó khăn trong tiếp cận với pháp luật. Tình trạng doanh nghiệp yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải đáp pháp luật nhưng không nhận được trả lời, hoặc trả lời không kịp thời còn phổ biến. Những bất cập này đã không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật nhằm giảm thiểu rủi ro và kinh doanh có hiệu quả. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh vai trò của ngành tư pháp, cụ thể là Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp trên cả nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Những bất cập trên đây làm cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đối với doanh nghiệp, cùng với những hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, thị trường…, việc thực thi pháp luật còn hạn chế làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp kém, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định các nội dung, hình thức và phương thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và tăng cường sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong Nghị định 66 của Chính phủ có quy định: Bộ Tư pháp chủ trì, giúp Chính phủ thống nhất và triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước. Nghị định quy định hai phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp, đó là:
Phương thức thứ nhất, hỗ trợ thường xuyên thông qua 5 hình thức: xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật (từ Điều 7 đến Điều 11 Nghị định số 66).
Phương thức thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành và chương trình hỗ trợ pháp lý của Bộ, ngành và các địa phương (Điều 12).
Việc Bộ Tư pháp quan tâm triển khai mạnh mẽ và có hiệu qủa các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp qua việc xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật cũng như việc xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp sẽ thúc đẩy được sự quan tâm thực thi pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và góp phần mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như nâng cao vai trò, vị trí của Ngành tư pháp trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.
Trần Minh Sơn
[1] Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005); Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995 và 2003), Luật Đầu tư (2005), Luật Hợp tác xã (2003), Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Phá sản (2004) và nhiều văn bản pháp luật có liên quan khác.
[2]Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục phát triển doanh nghiệp) tính đến tháng 6/2009 trên cả nước có khoảng 413.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
[3] Kết quả điều tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy trong số 1237 doanh nghiệp được khảo sát thì có khoảng 70 đến 80% số doanh nghiệp không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh; có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật.
[4] Có 1.538 doanh ngiệp tham gia khảo sát tại 32 tỉnh, thành phố.
[5] Khoản 2, Điều 8, Luật Tổ chức Chính phủ
[6] Điều 162, Luật doanh nghiệp 2005
[7] Khoản 4, Điều 4 và khoản 1, Điều 13
[8]Khoản 6, Điều 4