Hội thảo “Hình phạt tử hình trong luật quốc tế và thực tiễn áp dụng”
03/12/2008
Hai trong số những khó khăn mà các toà án trên thế giới và cả ở Việt Nam gặp phải trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến hình phạt tử hình là phương pháp hành hình và quy định về những tội cụ thể có thể dẫn đến tử hình.
Phương pháp hành hình ở nhiều nơi trên thế giới được áp dụng theo nhiều cách khác nhau, song tất cả đều đem đến cho những người chứng kiến hay tưởng tưởng ra quá trình hành hình một cái nhìn hữu hình và đầy đau đớn. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần thiết phải hữu hình và đau đớn thế không? Nếu có thì việc sử dụng phương thức nào có quan trọng gì với sự biện minh về tính răn đe của hình phạt tử hình. Ngoài ra, việc quy định hình phạt tử hình đối với một số tội gây ra nhiều khó khăn trong việc tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước. Thực tế cho thấy ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, những năm vừa qua số lượng hình phạt tử hình không giảm mà có chiều hướng tăng lên bởi một trong những lý do cơ bản là quy định về hình phạt tử hình được mở rộng thêm đối với nhiều loại tội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đối với các tội về ma tuý. Theo Ân xá quốc tế (Amnesty International), có nhiều người bị kết án tử hình bởi các tội phạm liên quan đến ma tuý nhiều hơn bất kỳ loại tội phạm khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đề cập đến các hình phạt thay thế hình phạt tử hình, hình phạt chung thân, được áp dụng hiện nay trên thế giới và những bất cập của nó. Hình phạt tù chung thân là biện pháp phổ biến nhất để thay thế hình phạt tử hình, vì nó đáp ứng được mục đích trừng phạt và răn đe của hình phạt tử hình nhưng không tước đoạt mạng sống của người bị kết án. Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân được hiểu theo nhiều cách khác nhau, có chung thân suốt đời và chung thân được phóng thích trong những điều kiện đặc biệt. Theo đánh giá chung thì hình phạt chung thân suốt đời là biện pháp cứng rắn sau hình phạt tử hình nhưng nó cũng còn nhiều bất cập như nhà tù quá đông, chi phí cho số lượng tù nhân cao vì ngày càng có nhiều người bị giam lâu ngày. Ngoài ra, một số quốc gia từ chối dẫn độ nghi can trừ khi họ được đảm bảo rằng không bị kết án suốt đời.
Như vậy, việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bởi sự cân bằng giữa tính hướng thiện, tính hợp tác của tội phạm đối với tư pháp và tính răn đe, trừng phạt của pháp luật rất khó để bảo đảm tính đồng thời. Tuy nhiên, với mong muốn giữ ánh sáng cuối đường hầm, những nghiên cứu hướng đến quyền được sống như nội dung của Hội thảo là rất thiết thực nhằm góp phần xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.
Ý tưởng về chiến dịch đòi lệnh tạm dừng thi hành hình phạt tử hình bắt nguồn từ các hoạt động ban đầu của Liên Hợp quốc vào cuối thập niên 60. Hiện nay, trong luật quốc tế có bốn văn bản nhằm xoá bỏ án tử hình đã có hiệu lực: Nghị định thư thứ hai của Công ước về quyền dân sự và chính trị có phạm vi điều chỉnh toàn cầu và quy định sự xoá bỏ hoàn toàn án tử hình, ngoại trừ trong thời gian chiến tranh. Tính đến thời điểm này đã có 68 quốc gia là thành viên của Nghị định thư. Có bốn quốc gia đã ký kết nhưng vẫn chưa phê chuẩn. Nghị định thư thứ 6 của Công ước Nhân quyền Châu Âu quy định những hạn chế trong việc áp dụng án tử hiền trong thời bình, một cam kết cho đến nay đã được 46 trong tổng số 47 thành viên của Hội đồng Châu Âu phê chuẩn, trừ Nga. Trong tất cả các điều ước nhân quyền quốc tế hay khu vực, văn bản duy nhất cấm tử hình trong tất cả các trường hợp là Nghị định thư thứ 13 của Công ước Chây Âu về Nhân quyền. Nghị định thư thứ 13 là nguyện vọng đã có từ lâu của Nghị viện Hội đồng chung Châu Âu và cuối cùng để ngỏ cho gia nhập vào ngày 03/5/2002, có hiệu lực vào ngày 01/7/2003. Đến nay, đã có 43 quốc gia thành viên của Hội đồng ký kết với 29 quốc gia phê chuẩn. Nghị định thư của Công ước Nhân quyền Châu Mỹ về nhằm xoá bỏ tử hình quy định việc xoá bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng lại cho phép các quốc gia thành viên có thể sử dụng trong thời gian chiến tranh nếu các quốc gia đó có bảo lưu điều kiện này. Hiện nay, có 11 quốc gia thành viên của Nghị định thư và hai quốc gia đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn. |
Đức Trí