Khiếu nại hành chính trong lực lượng vũ trang: Giải quyết theo hướng nào?

Khiếu nại hành chính trong lực lượng vũ trang: Giải quyết theo hướng nào?

07/05/2008

Thực hiện Công văn số 1489 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc về vấn đề giải quyết khiếu nại hành chính trong lực lượng vũ trang. Theo đó, Quân đội đang băn khoăn không biết liệu loại khiếu nại này có thể giải quyết qua 2 cấp của nội bộ ngành hay nếu ra Toà thì sẽ do Toà nào thụ lý khi mà Toà án quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự. Đây chính là nội dung của cuộc họp liên ngành do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.

Mở đầu cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Quốc phòng cho biết, Luật Khiếu nại và Tố cáo năm 2005 có quy định việc khởi kiện ra Toà Hành chính TAND sau khi đã tiến hành một số thủ tục khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trên thực tiễn, đối với trường hợp đương sự là quân nhân, phần lớn các TAND ngại tiếp nhận, thụ lý vụ án. Vì vậy, hiện Bộ này đang loay hoay, chưa ra được thông tư hướng dẫn quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quân đội. Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo năm 1998 có hẳn quy định việc khiếu nại hành chính trong lực lượng vũ trang giao cho Chính phủ hướng dẫn song Luật năm 2005 không quy định rõ như vậy thì có nên đề xuất UBTVQH ban hành chủ trương giải quyết.

Theo cung cấp của đại diện Thanh tra Bộ Quốc phòng, từ năm 2003 đến nay, Bộ đã nhận được hơn 5000 đơn thư khiếu nại, giải quyết xong gần 85% tổng số đơn thư nên số đơn thư khiếu nại lên Bộ trưởng là rất thấp, số đơn thư khởi kiện ra Toà lại càng vắng bóng. Về nội dung, phần lớn đơn thư tập trung vào việc giải quyết chế độ chính sách thương binh liệt sĩ, phong quân hàm, nhận lương… Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, việc giải quyết khiếu nại hành chính trong quân đội có một số hạn chế nhất định như chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, quân nhân ngày càng đòi hỏi nhiều quyền lợi cho mình, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ… Lý giải về thực trạng “thưa thớt” của khiếu kiện hành chính trong quân đội ra TAND, đại diện Thanh tra Bộ nêu ra 3 nguyên nhân. Cụ thể, người dân thường lựa chọn giải pháp là mong cơ quan quân đội làm việc với cơ quan hành chính về vụ việc của họ; Toà Hành chính TAND đa số không muốn thụ lý những vụ việc liên quan đến quân đội vì cho rằng gặp khó khăn trong thu thập hồ sơ, chứng cứ và cuối cùng, thời hạn giải quyết còn dài.

Đại diện Thanh tra Chính phủ phát biểu, Bộ Quốc phòng không dưới 2 lần đã gửi Công văn hỏi về xây dựng Thông tư hướng dẫn Luật và chỉ ra hạn chế của Luật Khiếu nại, tố cáo 2005 là chưa quy định vấn đề giải quyết khiếu nại hành chính đối với các cơ quan khác, trong đó có quân đội. Luật hiện hành mới đề cập đến giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước nên chỉ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích biện pháp giải quyết ấy. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành cùng nhau họp bàn để có được văn bản báo cáo nêu vấn đề lên UBTVQH. Quay lại quá trình xây dựng Luật 2005, Ban soạn thảo đã nhận thức được vướng mắc trên và nhất trí sẽ hướng dẫn riêng (bằng quy định tại Điều 102) nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được. Ông gợi ý, trước mắt, những khiếu nại hành chính trong quân đội sẽ không đưa ra bất kỳ TAND hay quân sự nào và lâu dài sẽ sửa đổi, bổ sung Luật 2005 (nằm trong Chương trình chuẩn bị của Quốc hội khoá XII).

Không đồng tình với ý kiến của đại diện Thanh tra Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ và Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) đều khẳng định, về nguyên tắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa ra Toà các khiếu nại hành chính trong quân đội là “vênh” với Luật 2005 và triệt tiêu quyền tiếp cận các cơ quan tư pháp của công dân. Nếu hiểu mệnh lệnh của người chỉ huy các cấp nhằm chỉ đạo điều hành công việc là quyết định hành chính trong quân đội, rõ ràng sẽ không giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục của Luật 2005. Còn khiếu nại giữa công dân với quân nhân, với các đơn vị vũ trang thì lúc này quân đội cũng đơn giản là một bên đương sự trong tranh chấp và hoàn toàn có thể đưa ra toà. Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính nhấn mạnh, báo cáo ra UBTVQH cũng không thể giải quyết được vì UBTVQH không thể giải thích trái Luật 2005. Chính phủ lại chỉ có thể quy định những gì luật chưa quy định bằng một nghị định độc lập, trong khi Luật 2005 đã quy định vấn đề này nên giải pháp sửa đổi luật, thậm chí sửa 1 hoặc 2 điều, là hợp lý nhất.

Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tư pháp gợi mở, việc xây dựng thông tư hướng dẫn của Bộ Quốc phòng nên phân loại cụ thể các vụ việc (loại nào giải quyết nội bộ, loại nào có thể ra toà) và nhân việc sửa Luật 2005, Ban soạn thảo có thể đề xuất tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính cho Toà án quân sự. Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị mở rộng thành phần tham dự cuộc họp sang TANDTC, VKSNDTC, Quốc hội để tiếp tục thu thập, tổng hợp ý kiến cho xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Công Thành

1900.0191