Tại Australia, ngoài việc quy định ở cấp liên bang, cơ quan đóng vai trò điều phối trung tâm trong suốt quá trình phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng là Văn phòng Tổng chưởng lý Liên bang (AGD) đối với chính sách, pháp luật và thực thi thông qua Cảnh sát Liên bang (AFP); nước này còn xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án hình sự mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Những quy định cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng này Việt Nam nên nghiên cứu tham khảo có thể bổ sung quy định thu hồi tài sản tham nhũng.
Đối với nhân viên công vụ Australia (APS)
Hiện không có một yêu cầu cụ thể nào đối với tất cả các nhân viên APS về việc phải thực hiện kê khai tài sản toàn diện. Tuy nhiên, nhân viên APS được yêu cầu phải khai báo về xung đột lợi ích (có thực hoặc dễ nhận thấy). Hơn nữa, theo Thông tư 2007/1, các quan chức giữ vị trí cao cũng phải làm một bản kê khai chung hàng năm về các lợi ích cá nhân(1).
Theo Khung Bảo vệ Chính sách An ninh(2) (PSPF) và các quá trình rà soát an ninh, các nhân viên cũng có thể được yêu cầu phải kê khai tài sản và lợi ích. Yêu cầu kê khai thường tập trung vào tiềm năng xung đột lợi ích mà ít chú trọng về tài sản.
Nhân viên APS cũng bị ràng buộc bởi bộ quy tắc ứng xử theo luật thực thi riêng được thiết lập theo Phần 13 của Đạo luật về Dịch vụ công cộng. Trong số các nội dung, Bộ Quy tắc yêu cầu tất cả nhân viên APS phải:
– Hành xử trung thực với sự liêm khiết trong liên hệ với các công việc của APS;
– Trình báo và chịu trách nhiệm ở tất cả các bước để tránh bất cứ xung đột lợi ích nào (có thực hoặc dễ nhận thấy) trong mối liên hệ với công việc của APS.
Mục đích việc kê khai của nhân viên APS theo Đạo luật Dịch vụ công cộng là để đảm bảo người đứng đầu cơ quan sẽ nhận thức được bất kỳ lợi ích cá nhân hay các mối quan hệ của nhân viên APS nào, trong vai trò lãnh đạo hoặc các vị trí nhạy cảm khác, có khả năng hoặc có thể nhìn thấy sự ảnh hưởng đến các quyết định mà nhân viên đang thực hiện hoặc lời khuyên họ đang đưa ra. Đó là trách nhiệm của người làm dịch vụ công tiếp nhận việc áp dụng các chính sách kê khai để xem xét và khai báo lợi ích cá nhân hay các mối quan hệ mà có khả năng hoặc có thể nhận thấy có tác động tới các quyết định họ đang thực hiện hoặc lời khuyên họ đang đưa ra.
Các loại lợi ích và mối quan hệ có thể cần phải được kê khai bao gồm: Đầu tư bất động sản, cổ phần, quỹ tín thác hoặc các công ty đại diện, chức danh giám đốc công ty hoặc công ty hợp danh, các nguồn thu nhập đáng kể khác, các khoản nợ đáng kể, quà tặng, các công việc làm ngoài được trả tiền, không công hoặc tự nguyện, có khả năng hoặc có thể nhận thấy tác động tới trách nhiệm của nhân viên.
Quyền sở hữu tài sản cá nhân như nhà tư nhân hoặc gia đình, tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức, đồ nội thất, đồ cổ,… không có bất cứ tác động thực sự hay về mặt nhận thức đến trách nhiệm của nhân viên và bình thường sẽ không cần phải kê khai, ngoại trừ trường hợp của những người làm việc trong các lĩnh vực này.
Mỗi nhân viên của APS có nghĩa vụ công bố bất kỳ xung đột thực sự hay dễ nhận thấy nào về lợi ích ngay khi xung đột phát sinh. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan APS và các quan chức giữ vị trí cao được yêu cầu phải kê khai ít nhất là hàng năm. Nhân viên ở các vị trí cụ thể có nguy cơ tham nhũng cao cũng có thể bị yêu cầu bởi người đứng đầu cơ quan về việc lập báo cáo hàng năm.
Đối với những người đứng đầu cơ quan APS và các quan chức cấp cao, việc không tuân thủ các chương trình kê khai có thể bị coi là vi phạm Bộ quy tắc ứng xử trong các giới hạn riêng và phải chịu một loạt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Dịch vụ công cộng.
Mức xử phạt dành cho một nhân viên APS (bao gồm cả các quan chức cấp cao), người không hoàn thành việc kê khai và quản lý xung đột lợi ích có thể dao động từ khiển trách đến chấm dứt công việc.
Đối với các cơ quan dân cử:
Theo văn bản các yêu cầu của Hạ nghị viện, Nghị quyết ngày 09/10/1984 (sửa đổi cuối năm 2008), phần 1 và 2 có yêu cầu công khai tài chính đối với các thành viên của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội) và các thành viên của Chính phủ.
Các nghị sĩ và thành viên Chính phủ (cũng như vợ hoặc chồng và con cái còn phụ thuộc) được yêu cầu phải kê khai những điều sau đây:
+ Của cải: Bất động sản, bao gồm vị trí (chỉ cần khu vực hoặc ngoại ô) và mục đích của việc sở hữu bất động sản đó.
+ Đầu tư và các khoản vay nợ: Cổ phần tại các công ty công và tư (bao gồm cả các công ty đang nắm giữ) – cho biết tên của công ty hoặc các công ty; gia đình và doanh nghiệp ủy thác và các công ty đại diện, cho biết tên ủy thác, bản chất của hoạt động và người được hưởng lợi từ tín thác; nợ nần – chỉ rõ tính chất của trách nhiệm pháp lý và các chủ nợ có liên quan; bản chất của bất kỳ khế ước, trái phiếu và các khoản đầu tư tương tự; các tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, chỉ ra tính chất và tên của các ngân hàng hoặc các tổ chức khác có liên quan; bản chất của các tài sản khác (không kể ảnh hưởng từ cá nhân và hộ gia đình) mà mỗi tài sản giá trị trên 7500 đô la Australia.
– Thu nhập: Tính chất của bất kỳ nguồn thu nhập đáng kể nào khác.
+ Vị trí: Đăng ký chức danh giám đốc công ty; quan hệ đối tác cho thấy bản chất của các lợi ích và các hoạt động của công ty; thành viên của bất kỳ tổ chức nào mà có thể thấy trước được hoặc nhận thấy có thể nảy sinh xung đột lợi ích với thành viên công vụ.
+ Quà tặng và các chuyến đi được tài trợ: Quà tặng trị giá hơn 750 đô la Australia nhận được từ các nguồn chính thức hoặc ít hơn 300 đô la nhận được từ nơi khác với các nguồn chính thức, trong trường hợp món quà được nhận bởi thành viên, vợ, chồng hoặc trẻ em phụ thuộc từ các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè cá nhân với khả năng hoàn toàn cá nhân sẽ không cần phải đăng ký, trừ khi thành viên xét thấy sự xuất hiện của các xung đột lợi ích có thể tồn tại; bất kỳ chuyến du lịch được tài trợ nào hoặc khách sạn được chi trả với giá trị của chuyến du lịch được tài trợ hoặc tiền khách sạn vượt quá 300 đô la Australia.
+ Khác: Bất kỳ lợi ích nào khác, nơi xung đột về lợi ích với trách nhiệm công vụ của một thành viên có thể thấy trước sẽ phát sinh hoặc nhận thấy việc phát sinh.
Việc kê khai được thực hiện dựa trên đầu vào văn phòng và trên các thay đổi theo tình huống. Kê khai theo thay đổi có hạn 28 ngày sau khi thay đổi xuất hiện. Nội dung đầy đủ của việc kê khai của đại biểu Quốc hội và các thượng nghị sỹ có thể tiếp cận trực tuyến qua trang web của Quốc hội(3).
Các quy trình, cơ quan và nguyên tắc hướng dẫn thu hồi tài sản ở Australia
Ở Australia, ở cấp liên bang, cơ quan đóng vai trò điều phối viên trung tâm trong suốt quá trình phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng là Văn phòng Tổng chưởng lý Liên bang Commonwealth (AGD) đối với chính sách, pháp luật và thực thi thông qua Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) ở cấp quốc gia. Trong các tiểu bang và vùng lãnh thổ, việc làm này thông qua Các ủy ban truy tố công cộng, Uỷ ban chống tham nhũng độc lập (khi có liên quan), Tổng chưởng lý bang/lãnh thổ và Cảnh sát bang/lãnh thổ.
Liên quan đến việc truy tố pháp lý những vấn đề này ở cấp quốc gia, một loạt các cơ quan bao gồm AFP, Ủy ban Tội phạm Australia (ACC), ACLEI hoặc Ủy ban Hoàng gia cụ thể có thể dẫn đầu các hoạt động điều tra, trong khi việc truy tố được đảm nhận bởi Công tố viên liên bang và tại các cấp bang (hoặc vùng lãnh thổ) với Ủy ban chống tham nhũng cụ thể của bang như Ủy ban Tội phạm và Hành vi sai trái bang Queensland. Mô hình này hoàn toàn độc lập với những người chèo lái hay các ảnh hưởng từ chính trị, quản trị và văn hóa rộng lớn hơn.
Liên quan đến việc xử lý tài sản bị thu hồi trong các trường hợp tham nhũng, tính ưu việt của luật pháp và trật tự là thông qua các tiểu bang và vùng lãnh thổ, do đó hầu hết áp dụng thông qua Đạo luật Thu nhập từ hành vi phạm pháp (POCA) về phục hồi lập pháp ở các bang và vùng lãnh thổ hoặc thông qua liên bang với các cơ quan Cảnh sát quốc gia như Cảnh sát Liên bang Australia.
Những thủ tục và quy trình bắt buộc phải tuân theo trong các trường hợp thu hồi tài sản tại Australia
Ở Australia, có 3 phương pháp chính thức để bắt đầu quy trình tiến hành thu hồi tài sản bị đánh cắp tại Australia:
Một là, thông qua Luật Tương trợ tư pháp theo một thủ tục tố tụng hình sự của nước ngoài hoặc điều tra về tội phạm nước ngoài (thu hồi tài sản hình sự).
Hai là, thông qua luật cho phép việc thu hồi thu nhập từ hành vi phạm pháp không cần kết án đối với tội phạm nước ngoài (thu hồi tài sản dân sự).
Ba là, thông qua việc tố tụng ở các Tòa án dân sự (tố tụng dân sự).
Ngoài ra, còn có phương pháp thứ tư hình thành từ hợp tác giữa các cơ quan với nhau, tập trung vào hỗ trợ pháp lý hành chính hoặc không chính thức, cũng như các khả năng hỗ trợ chính thức cho một số cơ quan quản lý kinh doanh đối với các quá trình không trừng phạt.
Đối với các vấn đề quốc tế, Văn phòng Tổng chưởng lý (AGD) là cơ quan có thẩm quyền Trung ương đối với việc chống rửa tiền và là điều phối viên thường trực của tất cả hoặc phần lớn các yêu cầu. Tất cả các yêu cầu từ nước ngoài được AGD tiếp nhận và xử lý dưới dạng bí mật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo Đạo luật tương trợ lẫn nhau trong vấn đề hình sự, hỗ trợ sẽ chỉ được cung cấp cho các vấn đề hình sự. Hơn nữa các loại hình hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào thể loại tội phạm, hình thức quá trình tố tụng hình sự và cuối cùng là loại hình của cải (tài sản) và kết nối chứng minh hành vi phạm tội.
Trong trường hợp không có điều tra, tố tụng hoặc bị kết án hình sự, yêu cầu để thu hồi tài sản vẫn sẽ được tiến hành theo thủ tục tịch thu dân sự thuộc Phần 49 của Đạo luật Thu nhập từ hành vi phạm pháp tại các Tòa án địa phương nhưng sẽ là vô cùng khó khăn và liên bang vẫn phải tham gia vào tiến trình.
Đối với các vấn đề trong nước, tất cả các yêu cầu thu hồi tài sản bị đánh cắp trong nước sẽ được xử lý theo Đạo luật về Thu nhập từ hành vi phạm pháp năm 2002. Đạo luật sẽ cung cấp khung truy xuất, cầm giữ và tịch thu(4) thu nhập từ hành vi phạm pháp chống lại luật liên bang và trong một vài trường hợp nêu trên chống lại luật nước ngoài cũng như luật của bang. Tương tự như vậy, Lực lượng đặc nhiệm tịch thu tài sản hình sự đa cơ quan cung cấp một cách tiếp cận phối hợp và tích hợp để xác định và loại bỏ các lợi nhuận thu được từ hoạt động tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức chống lại Luật Liên bang(5). Mặc dù lực lượng đặc nhiệm do AFP lãnh đạo, nó cũng sử dụng nguồn lực của ủy ban Tội phạm Australia (ACC) và Sở Thuế vụ Australia (ATO). Lực lượng đặc nhiệm cũng làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật khác trong nước (liên bang, Nhà nước, lãnh thổ) cũng như quốc tế. Lực lượng đặc nhiệm áp dụng một loạt các chiến lược bao gồm:
– Cách tiếp cận tích hợp năng động để tịch thu tài sản hình sự, sử dụng tình báo, các chuyên án và các nguồn pháp lý và chuyên môn khác;
– Cách tiếp cận thông tin tình báo định hướng chủ động cho việc xác định các vấn đề tịch thu tài sản tội phạm tiềm năng;
– Tập trung vào phát triển các chiến lược thực thi có hiệu quả và thích hợp nhất cho từng trường hợp.
Kể từ khi hoạt động, các lực lượng đặc nhiệm đã thu giữ thành công một loạt các tài sản bao gồm tiền mặt, bất động sản và tài sản thương mại, danh mục đầu tư cổ phiếu, xe hơi sang trọng, đồ trang sức, xe máy, máy bay loại nhỏ, máy bay phản lực, thuyền và xuồng máy, các tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm khác. Trong hầu hết các trường hợp, quy trình tịch thu tài sản sẽ qua các bước sau đây:
– Điều tra hành vi trái pháp luật và xác định tài sản;
– Thu giữ tài sản thông qua lệnh Tòa án trong khi chờ đợi kết quả các thủ tục tố tụng pháp lý;
– Tịch biên hoặc tịch thu của cải/ tài sản;
– Thanh lý một khi tài sản đã bị tịch thu và tất cả các thủ tục tố tụng pháp lý đã chấm dứt. Cơ quan An ninh tài chính Úc sau đó thường thanh lý (bán) các tài sản và đưa vào ngân hàng/giữ các thu nhập phạm pháp trong các tài khoản tài sản bị tịch thu được thiết lập theo đạo luật.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu Hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức ngày 13/3/2015.
(1) Chính phủ Australia – Ủy ban Dịch vụ Công cộng Úc, Thông tư 2007/1: Kê khai lợi ích cá nhân: Hướng dẫn chính sách sửa đổi, truy cập tại:
(2) Bảo vệ An ninh của Australia, Khung Chính sách bảo vệ an ninh:Bảo vệ các doanh nghiệp của Chính phủ, truy cập tại:
(3)http://www.aph.gov.au/Parliamentarv Business/Committees/House of Representatives Committees?url=pmi/ declarations.htm
(4) Cảnh sát Liên bang Australia, Thu nhập từ hoạt động phạm pháp, truy cập từ:
(5) Cảnh sát Liên bang Australia, Thu nhập từ hoạt động phạm pháp, truy cập từ:
Kỳ Sơn