Bên cạnh quyền sở hữu, pháp luật dân sự còn quy định các quyền khác đối với tài sản. Lần đầu tiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Việc bổ sung hai quyền mới này có vai trò quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế và thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.
Quyền hưởng dụng là quyền chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng (các điều 257, 258 và Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Thời hạn của quyền bề mặt được xác định theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc di chúc nhưng không vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất. Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo từ quyền bề mặt (các điều 267, 268, 270, 271 Bộ luật Dân sự năm 2015)./.
Hồng Hải