(Kiemsat.vn) – tiếp theo …
5. Thiếu sót trong quy định tại Điều 304, 305 BLHS
5.1. Các tình tiết định khung trong Điều 304 BLHS không đầy đủ đối tượng phạm tội như tên tội danh.
Điều 304 quy định về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”. Như vậy, tên tội danh bao gồm 02 đối tượng tác động: 1) vũ khí quân dụng, 2) phương tiện kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên chỉ có khoản 1 điều luật có nêu đối tượng tác động là phương tiện kỹ thuật quân sự, các khoản 2, 3, 4 trong điều luật không quy định số lượng, trọng lượng phương tiện kỹ thuật quân sự. Giả sử có hành vi chiếm đoạt phương tiện kỹ thuật quân sự như loại xe, khí tài thì dù với số lượng lớn, tính chất, mức độ nguy hiểm có thể cao hơn vũ khí quân dụng nhưng không có căn cứ để xử lý theo các khoản 2, 3, 4 vì điều luật không quy định.
5.2. Một số đối tượng phạm tội tại Điều 304, 305 trùng nhau nhưng không nêu căn cứ để phân biệt.
Tình tiết định khung đối với Điều 304 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”, và Điều 305 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” cơ bản được pháp điển hóa từ Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/1/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên trong quá trình pháp điển hóa đã không khắc phục những thiếu sót trước đây khi một số đối tượng phạm tội quy định tại Điều 304, 305 BLHS năm 2015 giống nhau nhưng không có quy định cụ thể làm căn cứ phân biệt khi định tội danh. Cụ thể, khoản 2 Điều 304 quy định:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; … từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ”.
Khoản 2 Điều 305 “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
Các khoản 3, 4, 5 tại 02 điều luật nêu trên cũng quy định tương tự.
Như vậy, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, nụ xuỳ hoặc ống nổ, dây cháy chậm, dây nổ được quy định tại 02 điều luật khác nhau, với số lượng, trọng lượng như nhau. Cùng một hành vi, cùng đối tượng phạm tội, được quy định tại 02 tội danh khác nhau, nhưng không có quy định nào phân loại hoặc nêu căn cứ để phân biệt nhằm xác định tội danh đối với từng tội. Vậy căn cứ pháp lý nào để định tội danh đúng khi có đối tượng phạm tội như trên. Ví dụ: Trường hợp một người có hành vi tàng trữ 20kg thuốc nổ, hoặc 3000m dây nổ thì định tội danh như thế nào, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 304 hay điểm b khoản 2 Điều 305 BLHS?.
6. Áp dụng tình tiết định tội đối với pháp nhân và cá nhân phạm tội không thống nhất.
Hầu hết các tội phạm quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đều quy định tình tiết định tội của pháp nhân và cá nhân giống nhau (lấy tình tiết định tội của cá nhân áp dụng đối với pháp nhân). Tuy nhiên có một số trường hợp quy định khác và không theo logic chung, cụ thể:
Điều 225. “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” quy định:
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
……………….
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng”.
Khoản 5 Điều 200 “Tội trốn thuế”, khoản 4 Điều 226 “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, khoản 4 Điều 227 “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, khoản 5 Điều 232 “Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” cũng quy định tương tự.
Như vậy, các trường hợp trên đều áp dụng 02 điều kiện để xác định tình tiết định tội đối với pháp nhân: 1) thực hiện hành vi và có hậu quả xảy ra, 2) đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án… Quy định nêu trên dẫn đến 02 hệ quả bất hợp lý:
– Điều kiện xác định tình tiết định tội phạm tội đối với pháp nhân có lợi hơn cá nhân rất nhiều, bắt buộc phải có đủ cả 02 điều kiện trên mới cấu thành tội phạm trong khi cá nhân chỉ cần có một trong hai điều kiện trên đã cấu thành tội phạm.
– Hệ quả khác nữa từ quy định trên là dù pháp nhân có thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm, hậu quả lớn nhưng chưa bị xử phạt hành chính hặc chưa bị kết án thì không đủ căn cứ để khởi tố hình sự. Như vậy rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, không dựa trên hành vi, hậu quả nguy hiểm của hành vi mà yếu tố bắt buộc phải có để xác định tình tiết định tội lại là nhân thân của pháp nhân. Quy định như vậy rõ ràng đi ngược lại chính sách hình sự của nước ta.
7. Không quy định trọng lượng đối với tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Trong các tình tiết định tội thuộc Điều 191 “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”, BLHS năm 2015 đã bỏ yếu tố trọng lượng mà chỉ quy định yếu tố trị giá hàng phạm pháp, hoặc thu lợi bất chính. Điều này gây khó khăn trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo các loại. Vì để trị giá hàng phạm pháp từ 100.000.000 đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì trọng lượng đòi hỏi phải rất lớn, thay vì 10kg trở lên như hiện nay. Như vậy, hầu hết các hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo các loại sẽ không thể xử lý hình sự, do đó chắc chắn sẽ dẫn đến bất cập trong đấu tranh phòng chống hành vi phạm tội liên quan đến pháo nổ trong thực tiễn hiện nay…. (còn nữa).
——————————————————
(*) Bài đã được đăng nhiều kỳ trên:phapluatngaynay.vn
Nguồn: Đinh Công Thành
Phó Viện trưởng – VKSND huyện Hưng Nguyên