Một số sai sót, bất cập trong bộ luật Hình sự năm 2015 (phần 3)

(Kiemsat.vn) – tiếp theo…

8. Một số sai sót khác

8.1. Một mức hậu quả có thể áp dụng 02 khung hình phạt khác nhau

– Điều 241, “Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”, khoản 1 quy định thiệt hại tài sản là 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, điểm a, khoản 2 điều luật quy định gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Vậy gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng xử lý theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 241?.

– Điều 317, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩn, tại điểm d khoản 1 quy định:

“d)…… thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Tuy nhiên, tại tình tiết định khung điểm đ, khoản 2 Điều 137 quy định:

“đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000đ đến dưới 500.000.000 đồng”.

Vậy, trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính 100.000.000đ thì xử lý theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 137?

8.2. Quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội không hợp lý

Điều 14 “Chuẩn bị phạm tội”, tại khoản 2 quy định:

“2. Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:

b) …, Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác)”;

Khoản 7 Điều 134 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” BLHS năm 2015 cũng quy định:

“7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Tuy nhiên, Điều 134 “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có cấu thành vật chất, nghĩa là phải có hậu quả thực tế xảy ra, với mức độ thương tích, tổn thương cơ thể nhất định mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ngay cả trường hợp đã thực hiện hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% và không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến điểm o khoản 1 Điều 134 thì cũng không thể xử lý hình sự được. Vậy căn cứ pháp lý nào để xử lý hình sự người chuẩn bị phạm tội “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 14 và khoản 7 Điều 134 BLHS năm 2015?.

8.3. Quy định việc chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội có mâu thuẫn

Điều 207, “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” quy định:

“4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.

Tuy nhiên, tại Điều 14 BLHS năm 2015 liệt kê các tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội lại không có Điều 207, “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Vậy, có truy cứu trách nhiệm hình sự người chuẩn bị phạm tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”hay không?

8.4. Viện dẫn điều luật có sai sót

Điều 298, “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 1 và khoản 4 quy định:

“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt ….

…………………….

4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, tại 02 khoản khác nhau trong cùng một điều luật nhưng lại áp dụng loại trừ 02 điều luật khác nhau: theo khoản 1, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 thì áp dụng Điều 298. Tuy nhiên, theo khoản 4, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 thì áp dụng Điều 298. Nghiên cứu nội dung 02 điều luật nêu trên chúng tôi thấy, Điều 225 là “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”không liên quan đến nội dung Điều 298. Do đó, rõ ràng khoản 4 Điều 298 BLHS năm 2015 có sai sót, đáng lẽ phải viện dẫn Điều 224 BLHS, “Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” mới đúng.

8.5. Liệt kê sai tội danh và điều luật

Điểm g, khoản 1 Điều 389, “Tội che giấu tội phạm” quy định:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

…………….

g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân…”.

Như vậy, tại điểm g khoản 1 Điều 389, Điều 299 được viện dẫn 02 lần, “tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” cũng được viện dẫn 02 lần. Mặt khác, tên tội danh cũng không đúng, Điều 299 BLHS quy định tội khủng bố, còn “Tội tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại Điều 304. Vấn đề đặt ra là, ngoài sai sót, trùng lặp về điều luật và tội danh nêu trên, còn có một tội danh nào khác bị bỏ sót tại Điều 389 BLHS năm 2015 do sự nhầm lẫn đó hay không?

Bộ luật hình sự là đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, các quyền cơ bản của công dân. Những vấn đề nêu trên cũng như phản ánh của các chuyên gia, những người làm công tác thực tiễn trong thời gian gần đây cho thấy BLHS năm 2015 còn có nhiều sai sót, đòi hỏi phải được rà soát toàn diện để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm tính chính xác, công bằng trong quá trình áp dụng pháp luật, không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai, không tạo ra vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

———————————————————

(*) Bài đã được đăng nhiều kỳ trên:phapluatngaynay.vn

Nguồn: Đinh Công Thành

Phó Viện trưởng VKSND huyện Hưng Nguyên

1900.0191