Một số vấn đề cơ bản của dự thảo Luật Bưu chính

Một số vấn đề cơ bản của dự thảo Luật Bưu chính

16/04/2009

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bưu chính và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như thay đổi các chính sách của Nhà nước về bưu chính, Luật Bưu chính dự kiến sẽ được Quốc hội khoá XII thông qua để thay thế cho Pháp lệnh về Bưu chính viễn thông năm 2002. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về dự thảo Luật này .
I. Sự cần thiết phải ban hành Luật Bưu chính.

Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản về bưu chính bao gồm Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông, các Nghị định của Chính phủ quy định về dịch vụ bưu chính và viễn thông. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này đã góp phần vào việc thể chế hoá đường lối của Đảng về phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực bưu chính. Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Phần thứ hai, Mục I (2) về các nhiệm vụ chủ yếu đã xác định định hướng phát triển nền kinh tế nước ta là:

         Giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực…;

         Chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường…;

         Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế …;

         Thực hiện công bằng xã hội ….

Có thể thấy những chủ trương của Đảng đã được thể hiện một phần trong Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002 (sau đây gọi là Pháp lệnh) và các văn bản pháp luật khác điều chỉnh hoạt động bưu chính cụ thể Điều 5 của Pháp lệnh quy định về chính sách bưu chính của Nhà nước ta là phát huy mọi nguồn lực của đất nước để phát triển và hiện đại hóa bưu chính, ưu tiên phát triển bưu chính đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh bưu chính, tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính. Các chính sách ghi tại Điều 5 đã được thể hiện tương đối rõ trong các quy phạm khác của Pháp lệnh (quy định tại các điều 12, 24 và 25 về quyền của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia vào hoạt động chuyển phát thư trong nước, cá nhân, tổ chức Việt Nam được làm đại lý dịch vụ bưu chính; quy định tại Điều 16 về dịch vụ bưu chính công ích…). Các quy định nói trên mặc dù đã thể hiện được phần nào chính sách của Đảng nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định (ví dụ chỉ cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia việc chuyển phát thư trong nước, quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chỉ được làm đại lý dịch vụ chuyển phát cho tổ chức chuyển phát nước ngoài, chưa quy định rõ cơ chế hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng). Do vậy, để giải phóng và phát huy tốt hơn các nguồn lực, thực hiện triệt để hơn các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế và bảo đảm việc thực hiện công bằng xã hội trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam thì việc Ban hành Luật Bưu chính là cần thiết.

Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vì vậy những cam kết của Việt Nam với WTO về dịch vụ bưu chính cần được chuyển hóa vào pháp luật trong nước. Trong biểu cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại quốc tế, Việt Nam chỉ đưa ra cam kết về dịch vụ chuyển phát nhanh CPC 75122**. Về cơ bản, Việt Nam không hạn chế thể nhân và pháp nhân nước ngoài tham gia thị trường dịch vụ này, trừ việc hạn chế mức vốn của doanh nghiệp nước ngoài tham gia liên doanh ở mức dưới 51% trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO và chỉ cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ chuyển phát này sau 5 năm kể từ khi gia nhập và bảo lưu của Việt Nam về dịch vụ chuyển phát nhanh dành riêng[1]. Sự hạn chế về mức vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nội dung bảo lưu nói trên cần được chuyển hóa thành các quy phạm pháp luật trong nước.

          Bên cạnh đó, các yêu cầu chung của WTO về minh bạch hóa, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng cần phải được thể hiện rõ hơn trong pháp luật về bưu chính của Việt Nam, đặc biệt các quy định liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, các quy định khuyến khích các doanh nghiệp bưu chính cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ thông qua việc đưa ra các cam kết thuận lợi hơn so với mức sàn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

          Khái niệm và phạm vi dịch vụ bưu chính trong pháp luật về bưu chính của Việt Nam bó hẹp hơn so với nhiều nước trên thế giới, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trong cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và thanh toán quốc tế. Nội hàm khái niệm "dịch vụ bưu chính" cần được quy định mở hơn so với Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002 để đáp ứng tính linh hoạt của thị trường cả trong nước lẫn quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

          Sự phát triển của dịch vụ bưu chính đặt ra yêu cầu mới về quản lý Nhà nước đối với hoạt động này. Theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông trước đây, trước khi được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và các dịch vụ chuyển phát khác, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thử nghiệm với thời hạn không quá một năm. Nếu sau một năm, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành thì được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong nước, quy định này không phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường không dễ dàng đạt được kết quả kinh doanh tốt, đáp ứng được các điều kiện cấp Giấy phép chính thức. Do vậy cần phải loại bỏ quy định về cấp Giấy phép thử nghiệm để tạo cơ hội thuận lợi hơn đối với việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới.

          Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các văn bản hướng dẫn mới điều chỉnh việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đại lý dịch vụ chuyển phát thư nước ngoài bằng phương thức tiền kiểm, tức là doanh nghiệp khai báo về hoạt động kinh doanh và Cơ quan quản lý nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc khai báo kinh doanh. Ngoài dịch vụ chuyển phát thư và dịch vụ đại lý cho doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài, Luật Thương mại năm 2005 còn quy định các hình thức kinh doanh dịch vụ khác như nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân v.v… Các hình thức dịch vụ này đã và sẽ xuất hiện trên thị trường bưu chính, có sự tham gia của yếu tố nước ngoài và với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các hình thức dịch vụ mới nói trên trong lĩnh vực bưu chính. Đây là yêu cầu mới đối với việc mở rộng phạm vi quản lý Nhà nước đối với hoạt động bưu chính và đòi hỏi phải sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp.

          Hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính cũng đặt ra các yêu cầu riêng đối với việc quản lý Nhà nước lĩnh vực này. Một số hành vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực bưu chính cần được điều chỉnh, để khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, nhưng không làm phương hại đến việc cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng.

          Bảo đảm việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích là nhiệm vụ của Nhà nước, một mặt nhằm bảo đảm quyền cơ bản của công dân về tự do thông tin quy định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), mặt khác nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Việc bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính cơ bản (một trong số các loại dịch vụ bưu chính công ích) cũng là một nghĩa vụ của các nước thành viên của Công ước Bưu chính thế giới. Để bảo đảm khả năng cung ứng tốt dịch vụ bưu chính công ích, cần có quy định rõ hơn về doanh nghiệp được thực hiện dịch vụ bưu chính công ích, cơ chế bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp được giao thực hiện cung ứng dịch vụ công ích và các quyền của tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Yêu cầu này cần được điều chỉnh trong Luật Bưu chính.

II. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bưu chính

Dự thảo Luật Bưu chính điều chỉnh các hoạt động bưu chính bao gồm dịch vụ bưu chính, quản lý bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích và tem bưu chính. Dự thảo Luật áp dụng cho các đối tượng là cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bưu chính tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài. Dự thảo Luật Bưu chính cũng chỉ ra mối quan hệ giữa Luật Bưu chính với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Luật Bưu chính là luật chuyên ngành và có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật này và các luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động bưu chính.

III. Các nội dung chính của dự thảo Luật Bưu chính

Dự thảo Luật Bưu chính gồm 6 chương 48 điều với nội dung cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung

Chương này gồm 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật Bưu chính; giải thích từ ngữ; nguyên tắc của hoạt động bưu chính; chính sách của Nhà nước về bưu chính; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin trong bưu chính; các trường hợp được phục vụ ưu tiên, các hành vi bị nghiêm cấm và báo cáo thống kê.

Chương II. Dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 04 mục với 15 điều (từ Điều 12 đến Điều 26). Mục 1 gồm 08 điều (từ Điều 12 đến Điều 19) quy định về việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; Mục 2 gồm 02 điều (từ Điều 20 đến Điều 21) quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và của người sử dụng dịch vụ bưu chính; Mục 3 gồm 02 điều (điều 22 đến Điều 23) quy định về khiếu nại; Mục 4 gồm 03 điều (từ Điều 24 đến Điều 26) quy định về bồi thường thiệt hại.

Chương III. Quản lý bưu chính

Chương này gồm 10 điều (từ Điều 27 đến Điều 36) quy định về quản lý dịch vụ bưu chính với các nội dung về đầu tư và hoạt động thương mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính; điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính; nguyên tắc cấp giấy phép bưu chính; điều kiện cấp giấy phép bưu chính; sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính; thu hồi giấy phép bưu chính; các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, giấy xác nhận thông báo hoạt động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ bưu chính và quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính; giá cước dịch vụ bưu chính; mã bưu chính quốc gia.

Chương IV. Dịch vụ bưu chính công ích

Chương này gồm 07 điều (từ Điều 37 đến Điều 43) quy định về mạng bưu chính công cộng; dịch vụ bưu chính công ích; nguyên tắc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; ưu tiên vận chuyển bưu gửi; bảo vệ mạng bưu chính công cộng; quyền và nghĩa vụ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam

Chương V. Tem bưu chính

Chương này gồm 03 điều (từ Điều 44 đến Điều 46) quy định về việc quản lý tem bưu chính; đề tài phát hành tem bưu chính; kinh doanh tem bưu chính.

Chương VI. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 02 điều (từ Điều 47 đến Điều 48) quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành

Tóm lại, Luật Bưu chính ra đời sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính, ngăn chặn những hành vi lợi dụng bưu chính gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục đồng thời thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bưu chính trong môi trường công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, có sự quản lý của Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động bưu chính.

Nguyễn Thị Chính – Bùi Hương Quế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp


[1] Trang 825, Tập các văn kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2006

1900.0191