Một số vấn đề rút ra qua cuộc thanh tra về công tác bán đấu giá tài sản tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng
11/09/2008
1. Về tình hình nhân sự và cơ sở vật chất
Trong thời gian qua được sự quan tâm của UBND thành phố và Lãnh đạo Sở Tư pháp Đà Nẵng, Trung tâm đã được bổ sung biên chế, Trung tâm có Giám đốc, 1 Phó Giám đốc là đấu giá viên, 1 kế toán, 3 chuyên viên. Ngoài ra Trung tâm cũng được trang bị thêm phương tiện làm việc, phương tiện công tác
Tuy vậy, về cơ sở vật chất cũng như điều kiện làm việc của Trung tâm hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, Trung tâm nằm trong khuôn viên của Sở Tư pháp, hội trường phục vụ bán đấu giá đều dùng của Sở, chưa có phòng trưng bày tài sản cũng như hội trường bán đấu giá, kho lưu giữ tài sản…
2. Về hoạt động bán đấu giá
Thực hiện Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ, trong thời gian thanh tra từ ngày 01/3/2005 đến ngày công bố Quyết định thanh tra (20/5/2008), Trung tâm DVBĐGTS Đà Nẵng đã tiến hành bán đấu giá các loại tài sản thuộc các lĩnh vực sau: Bán đấu giá tài sản để thi hành án được thực hiện dựa trên Hợp đồng uỷ quyền giữa cơ quan thi hành án và Trung tâm DVBDGTS (40 hồ sơ); Bán đấu giá các tài sản thanh lý có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản của các tổ chức cá nhân uỷ quyền (gồm có 98 hồ sơ); Bán đấu giá tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính (85 hồ sơ).
2.1 Ưu điểm:
Qua việc nghiên cứu các hồ sơ bán đấu giá tài sản, Đoàn thanh tra nhận thấy nhìn chung việc bán đấu giá đã được tuân theo đúng quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP về trình tự thủ tục bán đấu giá như: ký Hợp đồng uỷ quyền, thẩm quyền của người ký hợp đồng, việc niêm yết bán đấu giá, thông báo công khai việc bán đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại những nơi mà pháp luật quy định đã được thực hiện theo Điều 12 của Nghị định 05/2005/NĐ-CP. Khách hàng đăng ký xem tài sản bán đấu giá được bố trí xem theo đúng quy định của pháp luật. Các phiên bán đấu giá được tiến hành một cách công khai, đúng thời hạn sau khi đã niêm yết, thông báo công khai bán đấu giá. Tại các phiên bán đấu giá tài sản là bất động sản đều có sự tham gia của công chứng viên. Sau khi bán đấu giá thành, việc ký hợp đồng mua tài sản, Hợp đồng thanh lý tài sản và tiến hành bàn giao tài sản được thực hiện kịp thời theo quy định. Về hình thức của các hồ sơ, phần lớn đều được đánh bút lục, có sắp xếp theo trình tự về mặt thời gian.
Đặc biệt, Trung tâm đã áp dụng bán đấu giá tài sản bằng hình thức đấu phiếu và thực hiện bỏ phiếu nhiều ngày đã tránh được sự thông đồng thoả hiệp trong việc bán đấu giá tài sản, hình thức này đã đạt hiệu quả cao so với các hình thức bán đấu giá khác.
2.2 Tồn tại:
– Trong hoạt động bán đấu giá tài sản tài sản để thi hành án: Một số hồ sơ chưa được đánh bút lục; việc sắp xếp hồ sơ của một số hồ sơ còn chưa khoa học; sắp xếp không theo trình tự về mặt thời gian; một số hồ sơ đăng báo chưa đúng quy định; trong các hợp đồng uỷ quyền có nhiều điều khoản ghi chưa cụ thể, rõ ràng; các hồ sơ đều không lưu các hoá đơn chứng từ về thu phí và lệ phí; Biên bản bán đấu giá không được lập theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp, cụ thể là trong biên bản không có phần ghi họ tên và chữ ký của người điều hành phiên bán đấu giá mà chỉ có chữ ký của đấu giá viên; một số hồ sơ trong biên bản bán đấu giá chỉ có chữ ký của người tham gia đấu giá mà không ghi rõ họ tên của người đó; hồ sơ đưa vào lưu trữ chưa có phê duyệt của lãnh đạo; các hồ sơ đều chưa có danh mục tài liệu tham khảo.
– Trong hồ sơ bán đấu giá các tài sản thanh lý có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản của các tổ chức cá nhân uỷ quyền: Một số hồ sơ chưa có quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản của Toà án như Luật phá sản quy định; Biên bản bán đấu giá ở phần này cũng chưa thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp; Trong biên bản bán đấu giá và phiếu ghi giá còn nhiều dòng bỏ trống không được gạch đi.
– Trong việc chuyển giao và bán đấu giá tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính: Một số hồ sơ còn thiếu bút lục, sắp xếp không đúng thứ tự về mặt thời gian; một số hồ sơ không có Quyết định tịch thu tang vật, Quyết định chuyển giao tài sản, Biên bản chuyển giao tài sản (quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002); Biên bản bán đấu giá ở phần này cũng chưa thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp; các hồ sơ chưa lưu các chứng từ về thu phí và lệ phí.
3. Về phần tài chính, thu chi của Trung tâm
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán của Trung tâm cụ thể như sau:
– Việc mở sổ:
Từ tháng 4 năm 2006 trở về trước bộ phận kế toán tài chính của Trung tâm chưa hoạt động độc lập mà do kế toán Sở Tư pháp kiêm nhiệm. Từ tháng 5 năm 2006 đến năm 2008, bộ phận kế toán của Trung tâm đã mở các sổ để theo dõi hoạt động tài chính trong việc bán đấu giá tài sản như sau: Mở sổ cái, sổ quỹ tiền mặt, sổ tiền gửi. Ngoài ra trong năm 2008 bộ phận kế toán còn mở thêm sổ đăng ký chứng từ ghi sổ, sổ chi tiết hoạt động.
+ Việc mở sổ, kết sổ có ngày tháng, có sự ký duyệt của Lãnh đạo Trung tâm DVBĐGTS.
+ Việc chi thu tiền được trích lại theo quy định về kế toán tài chính. Tuy nhiên Trung tâm còn chưa cập nhật các chứng từ thường xuyên.
– Về doanh thu hoạt động bán đấu giá tài sản (có phụ lục kèm theo).
4. Về sổ sách nghiệp vụ
Trung tâm đã lập các sổ “Đăng ký hợp đồng uỷ quyền”, sổ “Đăng ký bán đấu giá” và một số sổ sách nghiệp vụ khác.
Tuy nhiên sổ đăng ký bán đấu giá tài sản do Trung tâm lập và sử dụng còn chưa theo mẫu hướng dẫn của Thông tư 03/2005/TT-BTP của Bộ Tư pháp, cụ thể là sổ chỉ có dòng ghi số của Hợp đồng uỷ quyền mà không ghi ngày tháng của hợp đồng uỷ quyền; không có cột về HĐMB tài sản bán đấu giá chỉ có cột ghi ngày bán và cột giá bán; trong sổ không có cột “Họ tên địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá” mà ghi bằng “họ tên người bán đấu giá” nhưng thực tế vẫn điền tên của người có tài sản bán đấu giá; ngoài ra sổ không có các cột “tài sản bán đấu giá”, “giá khởi điểm”, “địa điểm”, “tổng chi phí bán đấu giá và các khoản dịch vụ”, “thời gian, địa điểm giao tài sản” như mẫu 05 của Thông tư 03/2005/TT-BTP đã hướng dẫn về “Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản”.
Trong sổ đăng ký hợp đồng uỷ quyền cũng như sổ đăng ký bán đâu giá nhiều thông tin chưa được điền đầy đủ.
5. Một số vấn đề về tình hình bán đấu giá tài sản thanh lý tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Trung tâm DVBDGTS Đà Nẵng và qua nghiên cứu, xác minh, thu thập tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đoàn thanh tra nhận thấy trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có một số đơn vị tự thực hiện việc bán đấu giá tài sản thanh lý có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước mà không giao cho Trung tâm hoặc một doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản đảm nhiệm như quy định tại các Điều 34, 35, 36, 37 của Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài Chính về việc chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá.
Cụ thể là có một số đơn vị như sau:
– Theo báo cáo của Trung tâm DVBDGTS Đà Nẵng (BL 18): thực hiện Quyết định số 3182/QĐ-UBND ngày 19/4/2008 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc bán đấu giá vật tư thu hồi Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, Trung tâm DVBDGTS thành phố Đà Nẵng ký hợp đồng uỷ quyền số: 49/HHD-BĐG với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính thành phố Đà Nẵng để tổ chức bán đấu giá theo quy định. Tuy nhiên, ngày 03/5/2008 Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định về việc gia hạn thời gian và chuyển giao việc tổ chức bán đấu giá tài sản này cho Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng. Ngày 16/5/2008 Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng đã đăng báo thông báo việc bán đấu giá nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương thành phố Đà Nẵng (BL 38)
– Tháng 4/2008 Công ty cấp nước Đà Nẵng bán đấu giá 121 tấn cống gang các loại và xe chuyên dùng, tài sản bán được trên 1 tỷ đồng.
– Ngày 20/4/2008, TAND quận Liên Chiểu tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý, tháo dỡ khu nhà làm việc của Toà (tài sản bán được trên 150.000.000đ). (BL 29, 34)
– Ngày 28/4/2008 Công ty xăng dầu khu vực V tổ chức bán đấu giá lô vật tư sắt thép thành lý đã qua sử dụng (tài sản bán được trên 1 tỷ đồng). (BL 29, 33)
– Ngày 22/5/2008 Bệnh viện C Đà Nẵng đã đăng báo bán đấu giá các dãy nhà thanh lý của Bệnh viện để giải phóng mặt. (BL 29, 33).
Qua công tác kiểm tra ban đầu, Đoàn thanh tra nhận thấy: ngày 04/01/2006 UBNDTP Đà Nẵng đã ban hành quy chế tổ chức hoạt động và cơ chế tài chính của Trung tâm BĐGTS thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung tâm BĐGTS như Nghị định 05/2005/NĐ-CP đã quy định, theo đó Trung tâm BĐGTS được bán đấu giá các loại tài sản như: “tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước; tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; tài sản Nhà nước phải bán đấu giá; tài sản do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp uỷ quyền bán đấu giá…”. Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật có thể khẳng định việc các cơ quan nói trên tự đứng ra tổ chức bán đấu giá tài sản mà không thông qua các cơ quan chức năng bán đấu giá và cuộc bán đấu giá không được điều hành bởi Đấu giá viên là trái pháp luật.
Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy: nguyên nhân khách quan là do tình hình lịch sử để lại, trước khi có Nghị định 05/2005/NĐ-CP, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, có nhiều việc bán đấu giá tài sản được thực hiện thông qua các Hội đồng bán đấu giá tài sản do UBND tỉnh, thành phố thành lập hoặc do Sở tài chính thành lập mà không qua Trung tâm BĐGTS hoặc doanh nghiệp BĐGTS như Nghị định 05/2005/NĐ-CP quy định, mặt khác về nguyên nhân chủ quan là do một số cơ quan, đơn vị đã “phớt lờ” những quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và công tác thanh tra, kiểm tra với lĩnh vực này chưa được sát sao, đặc biệt là sau khi có Nghị định 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp, Nghị định 05/2005/NĐ-CP và chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị định 05/2005/NĐ-CP, trong đó có quy định: “mỗi tỉnh, thành phố chỉ thành lập một Trung tâm DBVBĐGTS cấp tỉnh có nhiệm vụ Bán đấu giá tất cả các loại tài sản theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP đã viện dẫn”.
II. Kết luận
1. Trung tâm DVĐGTS Đà Nẵng đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, nhất là các năm gần đây. Từ khi có Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư 03/2005/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 05, Trung tâm đã khắc phục được nhiều tồn tại, yếu điểm của thời kỳ trước. Giải quyết được số lượng lớn các vụ việc, đảm bảo việc thực hiện các nghiệp vụ trong công tác bán đấu giá tài sản. Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra không phát hiện có các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong bán đấu giá đối với các hồ sơ được thanh tra.
2. Đối với các hồ sơ bán đấu giá tài sản cần phải hoàn thiện hồ sơ, đánh bút lục đầy đủ, có danh mục tài liệu tham khảo, sắp xếp khoa học để đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng thuận tiện nhanh chóng. Trong các Hợp đồng uỷ quyền cần quy định rõ nội dung các điều khoản về thu phí, phương thức thanh toán, tránh ghi một cách chung chung như: “thực hiện theo Nghị định 05”. Biên bản bán đấu giá cần thực hiện theo Thông tư đã hướng dẫn của Bộ (Thông tư 03/2005/TT-BTP). Các hồ sơ cần phải lưu các hoá đơn chứng từ về thu phí và lệ phí. Sổ sách kế toán cần cập nhật chứng từ thường xuyên hơn. Hồ sơ đưa vào lưu trữ phải có phê duyệt của lãnh đạo.
3. Đối với các hồ sơ bán đấu giá các tài sản thanh lý có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản của các tổ chức cá nhân uỷ quyền cần hoàn thiện các hồ sơ chưa có quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản của Toà án, các hồ sơ cần phải có biên bản bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Đối với các hồ sơ bán đấu giá tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính cần hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu Quyết định tịch thu tang vật, Quyết định chuyển giao tài sản, Biên bản chuyển giao tài sản. Về sổ sách nghiệp vụ cần phải thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 03/2005/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
4. Tại thành phố Đà Nẵng đang diễn ra nhiều vụ việc bán đấu giá tài sản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước nhưng không tuân thủ theo quy định của Nghị định 05Nghị định số 05/2005/NĐ-CP và chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
III. Kiến nghị
1. Đối với Bộ Tư pháp
– Chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng Luật Bán đấu giá tài sản để giải quyết dứt điểm vấn đề bất cập giữa các Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Nghị định 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sớm đưa hoạt động bán đấu giá tài sản đi vào nền nếp và thống nhất trên toàn quốc, hạn chế, phòng ngừa phần nào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
– Chỉ đạo Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực Bán đấu giá tài sản.
– Có Công văn thông báo cho các Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bán đấu giá tài sản, hướng dẫn tạm thời các giải pháp đối với các quy định chồng chéo, bất cập giữa Nghị định 05/2005/NĐ-CP và Nghị định 13/2008/NĐ-CP.
2. Đối với UBND thành phố Đà Nẵng
– Đề nghị UBND cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm.
– Tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê và chấn chỉnh tình hình bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chấm dứt tình trạng bán đấu giá tài sản không tuân thủ theo quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP.
3. Đối với Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng
– Chủ động tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng để chấn chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP.
– Chủ động tiến hành thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực bán đấu giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 76/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp.
4. Đối với Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra Sở Tư pháp
Tham mưu cho thủ trưởng cơ quan cùng cấp cho chủ trương linh hoạt trong thanh tra chuyên ngành đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu gía tài sản. Thường xuyên phân công các Thanh tra viên đi địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Trên đây là nội dung cơ bản của cuộc thanh tra về lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi xin công bố công khai, minh bạch để đáp ứng phần nào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Hoàng Quốc Hùng – Thanh tra Bộ Tư pháp