Một số ý kiến về thẩm quyền truy tố theo Điều 239 BLTTHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát tại Điều 239 nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền truy tố nói chung và vấn đề ủy quyền nói riêng trong thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trước đây.Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền truy tố như Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một bất cập cần có hướng dẫn giải quyết của cấp có thẩm quyền.

Tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền truy tố như sau:



1. Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.



Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Theo quy định trên thì thẩm quyền quyết định truy tố thuộc về Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Hoặc có thể do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và quyết định truy tố nhưng phân công Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Toà án có thẩm quyền xét xử thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Quy định về thẩm quyền truy tố như trên xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân(1).

Giả sử bị cáo Nguyễn Văn A bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử thấy rằng hành vi mà bị cáo thực hiện đã phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS chứ không phải tội “Cố ý gây thương tích” như Viện kiểm sát truy tố. Lúc này, Hội đồng xét xử Toà án cấp huyện không thể tuyên bị cáo phạm tội giết người do thẩm quyền xét xử vụ án giết người thuộc Toà án cấp tỉnh(2), mà phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hiện kiểm sát điều tra và truy tố theo thẩm quyền.

Tại Điều 274 BLTTHS quy định: Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này” … Như vậy, nếu Viện kiểm sát không nhất trí với quan điểm của Toà án thì chuyển lại hồ sơ vụ án đến Toà án để Toà án thực hiện quy định chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử theo quy định tại Điều 275 BLTTHS.

Sau khi thụ lý hồ sơ, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Toà án cấp tỉnh chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp truy tố bị cáo theo thẩm quyền.Dù Viện kiểm sát không nhất trí với quan điểm của Toà án cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh thì theo quy định tại Điều 274 “Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền”, tức là Viện kiểm sát cấp tỉnh phải truy tố theo yêu cầu của Toà án cùng cấp.

Lúc này, mặc dù quan điểm của Viện kiểm sát cấp tỉnh đồng nhất với quan điểm của Viện kiểm sát cấp huyện, tức là cho rằng hành vi của bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích thì Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng không thể chỉ thay cáo trạng truy tố bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 5 Điều 134 BLHS được. Bởi vì, vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố theo thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc cấp huyện nên theo quy định của Điều 239 BLTTHS thì chỉ có Viện kiểm sát cấp huyện mới có thẩm quyền truy tố. Để truy tố bị cáo Nguyễn Văn A về tội cố ý gây thương tích như quan điểm của Viện kiểm sát cấp huyện thì Viện kiểm sát cấp tỉnh phải tiến hành kiểm sát điều tra lại hoặc điều tra bổ sung thì mới có thẩm quyền truy tố.

Chúng tôi cho rằng, quy định về thẩm quyền truy tố như Điều 239 BLTTHS là một bất cập cần có hướng dẫn giải quyết của cấp có thẩm quyền./.

(1) Xem: Điều 109 Hiến pháp năm 2013 và Điều 7 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014

(2) Xem: Điều 268 BLTTHS 2015

Nguyễn Duy Nam

Toà án quân sự Quân khu 4

1900.0191