Sau khi đọc nội dung bài viết “Nguyễn Văn A và Trần Văn B có phạm tội trộm cắp tài sản hay không?” của tác giả Thái Hữu Ngọc đăng trên phiên bản điện tử của TCKS ngày 12/4/2016, tôi xin có vài ý kiến như sau:
Tôi đồng ý với ý kiến thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn A và Trần Văn B không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138 BLHS. Bởi vì các lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định Điều 138 BLHS quy định về: “Tội trộm cắp tài sản”:“1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
Tội phạm đã hoàn thành kể từ khi người phạm tội lén lút chiếm đoạt, dịch chuyển tài sản của người khác khỏi vị trí ban đầu là thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt được xác định ngay từ thời điểm dịch chuyển đó.
Tài sản là đối tượng của hành vi chiếm đoạt phải đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu về tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lý. Tài sản vô chủ hoặc đang không có người quản lý không phải là đối tượng của tội trộm cắp tài sản.
Trong tình huống nêu trên, con bò của anh Nguyễn Văn H phá chuồng đi ra ngoài, con bò này là gia súc bị thất lạc theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo Từ điển Tiếng Việt thì“Thất lạc là chủ sở hữu mất quyền nắm giữ đối với gia súc ngoài ý muốn của mình”.Con bò của anh H là tài sản không có người quản lý, bị thất lạc. Như vậy, tài sản là gia súc bị thất lạc, không có người quản lý không phải là đối tượng của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS.
Từ sự phân tích trên cho thấy, Nguyễn Văn A và Trần Văn B hoàn toàn không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138 BLHS.
Thứ hai, trong tình huống trên, vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với gia sức bị thất lạc được thực hiện như sau:
–Điều 188 BLDS năm 2005quy định về quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc:“Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu chưa xác định được chủ sở hữu thì được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu”.
– Điều 242 BLDS năm 2005quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc: “Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.
Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được; nếu gia súc bắt được là gia súc thả rông theo tập quán thì thời hạn này là một năm.
Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.
Để bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với gia súc. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định nguyên tắc: “Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại”.
Trong tình huống trên, sau khi phát hiện con bò bị thất lạc, Nguyễn Văn A và Trần Văn B phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú để thông báo cho chủ sở hữu. Song, Nguyễn Văn A và Trần Văn B đã làm thịt con bò bị thất lạc là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác được luật dân sự bảo vệ, nên ông Nguyễn Văn H (chủ sở hữu con bò) có thể thực hiện theo các quyền bảo vệ tài sản theo quy định tại Điều255 BLDS năm 2005.Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu:
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật”.
Trên đây là những ý kiến của tôi về bài viết “Nguyễn Văn A và Trần Văn B có phạm tội trộm cắp tài sản hay không?” của tác giả Thái Hữu Ngọc, rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc./.
TRẦN VĂN HÙNG
TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 2 QUÂN KHU 4