Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

07/03/2008

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân.
Do đó, công tác này mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành nhằm làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân, từ đó tạo cho họ có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật. Đối với một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật càng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch rất cụ thể, thiết thực để triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Vì thế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần ngăn chặn làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác này thời gian qua vẫn còn gặp nhiều tồn tại cần sớm khắc phục sau đây:

Thứ nhất, do tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nên sau khi ban hành muốn được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả thì việc đầu tiên là phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đó sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tránh tình trạng chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến ở các vùng thị xã, thị trấn mà không quan tâm nhiều đến các vùng nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì nhân tố con người là quan trọng nhất, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những năm qua các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế của nhiều địa phương, ban, ngành, đoàn thể ảnh hưởng đến việc đưa pháp luật vào đời sống nhân dân.

Thứ ba, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Đây là việc làm cần thiết nhằm bổ sung, tương trợ lẫn nhau trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy công tác này là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị nhưng để đạt được hiệu quả cao thì việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị là rất cần thiết. Trong những năm vừa qua, một số Bộ, ngành, đoàn thể đã làm tương đối tốt việc này, như Bộ quốc phòng; ngành Tư pháp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân… Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn có nhiều tồn tại nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình phối hợp đôi lúc còn mang tính hình thức chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, tăng cường các đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vì, đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao. Ngoài việc tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành thì các ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng để đề cập đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà ngành mình phụ trách, góp phần làm tăng thêm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của mình.

Thứ năm, các cấp, các ngành cần dành một khoản kinh phí thích đáng trong hoạt động thường xuyên của mình để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; mời báo cáo viên tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị mình các văn bản pháp luật mới, có liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghiệp vụ của ngành; tham gia in ấn phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật…

Có như vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mới đạt được những kết quả như mong muốn, nhằm góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và tạo được ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, hiệu quả./.  

     Phạm Văn Chung

1900.0191