I. Hoàn cảnh ra đời
Ngày 25/4/1945, Hội nghị các nước đồng minh về việc thành lập một tổ chức quốc tếmới có tên gọi là Liên Hợp Quốc đã được khai mạc tại San Francisco (Mỹ) với sự tham dự của đại diện 50 quốc gia trên thế giới. Tại Hội nghị này, bản Hiến chương của Liên Hợp Quốc đã được thống nhất và ký kết vào ngày 26/6/1945. Đây cũng chính là văn kiện nền tảng của luật nhân quyền quốc tế với rất nhiều nội dung được đề cập trong Hiến chương. Lần đầu tiên quyền con người được thừa nhận như một giá trị phổ biến; việc thúc đẩy sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người được xác định là một trong những mục tiêu hoạt động của Liên Hợp Quốc. Hiến chương Liên Hợp Quốc kêu gọi thành lập Ủy ban quốc tế về nhân quyền. Bà Eleanor Roosevelt, phu nhân của cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt được cử làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban này. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO), Ủy ban Nhân quyền bắt tay vào nghiên cứu xem các nền văn hóa, các quốc gia và cùng với các nhà học giả nhìn nhận như thế nào về các quyền của con người. Các quan điểm đa dạng này giúp Ủy ban hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn và hoàn thiện hơn công trình của họ.
Tháng 09/1946, Ủy ban Nhân quyền đệ trình bản dự thảo Tuyên ngôn nhân quyền cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sau đó là các cuộc tranh luận kéo dài nhằm làm rõ nội dung, ngôn ngữ của bản dự thảo. Quá trình thương thảo và thông qua kéo dài trong 2 năm, bao gồm 81 cuộc họp, 168 bản sửa đổi, bổ sung và gần 1.400 lần biểu quyết. Sự kiện có ý nghĩa nhất diễn ra vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức thông qua bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (The Universal Declavation Of Human Right, viết tắt là UDHR) với đa số phiếu thuận và 8 phiếu trắng. Đây là một kết quả đáng ghi nhớ đối với một tiến trình phi thường.
II. Những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người 1948
Cho đến nay, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người đã được dịch ra 337 thứ tiếng khác nhau trên thế giới và trở thành hòn đá tảng cho mọi hành động của các Chính phủ, mọi người dân và các tổ chức phi Chính phủ. Nó đã được phê chuẩn bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong thực tiễn, không có văn kiện quốc tế nào khác có được vinh dự này. Hơn thế nữa, với tư tưởng, nội dung và lời văn của nó, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người còn có ý nghĩa đạo đức và chính trị mà ít văn kiện nào sánh được.
Bản Tuyên ngôn bao gồm 30 điều, lần đầu tiên xác định một tập hợp những quyền tự do cụ thể, cơ bản của con người trên tất cả các phương diện chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Như lời nói đầu của Tuyên ngôn thì việc thừa nhận nhân phẩm vốn có, sự bình đẳng và các quyền không thể tước bỏ của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên thế giới. Bằng ngôn từ rõ ràng và dễ hiểu, Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Số bản dịch và những nỗ lực truyền tải các thông điệp của Tuyên ngôn ngày càng tăng, đã phổ biến các nguyên tắc cơ bản của Tuyên ngôn đến hầu hết các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Có thể phân chia nội dung của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người theo hai nhóm chính, bao gồm, nhóm quyền dân sự, chính trị, và nhóm quyền chủ yếu về kinh tế, xã hội và văn hóa.
1. Các quyền về dân sự, chính trị
1.1. Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật.
Điều 1 UDHR quy định rõ mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền.
Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do… mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, thành phần xuất thân hay các địa vị khác. Ngoài ra, còn cấm phân biệt đối xử dựa trên địa vị chính trị, pháp lý của quốc gia hoặc lãnh thổ, bất kể là lãnh thổ độc lập, ủy trị, quản thác, chưa được tự quản hay đang phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác về chủ quyền.
Điều 6 UDHR quy định, mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, điều này đóng vai trò là cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ tất cả các quyền con người. Tất cả các quốc gia thành viên có trách nhiệm bảo đảm quyền này cho mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình, bất kể người đó là công dân nước mình, người không quốc tịch hay người nước ngoài, bất kể các yếu tố dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, thành phần xã hội, về tài sản hay bất kỳ yếu tố nào.
1.2.Quyền sống (The right to life)
Quyền sống được đề cập trong Điều 3 UDHR. Điều này gắn kết quyền sống với các khía cạnh khác có liên quan thành một quyền gọi là quyền sống, tự do và an ninh cá nhân.
Mọi người đều có quyền cố hữu là quyền được sống, quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Đối với một số nước còn áp dụng hình phạt tử hình phải tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
– Chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện;
– Việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của Công ước về quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR) và của Công ước ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (CPPCG);
– Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một Tòa án có thẩm quyền phán quyết;
– Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt;
– Không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai.
1.3. Quyền được bảo vệ không tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục
Quyền này được quy định tại Điều 5 UDHR, trong đó nêu rằng không ai bị tra tấn hay bị đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm
1.4. Quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt làm nô lệ hay nô dịch
Quyền này được đề cập trong Điều 4 UDHR, trong đó nêu rằng: Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ, mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm.
1.5. Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện
Quyền này mang tính cốt lõi của tự do và an toàn cá nhân. Được quy định tại Điều 9 UDHR, trong đó nêu rằng, không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện.
Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định. Bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt về những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ; bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra Tòa án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại Tòa án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết tội; bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước Tòa án, nhằm mục đích để Tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp; bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường.
1.6. Quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của người bị tước tự do
Những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người. Trừ những trường hợp đặc biệt, bị can, bị cáo phải được giam giữ tách biệt đối với những người đã bị kết án và phải được đối xử theo chế độ riêng, phù hợp với quy chế dành cho những người bị tạm giam. Những bị can là người chưa thành niên phải được giam giữ tách riêng khỏi người lớn và phải được đưa ra xét xử càng sớm càng tốt. Một trong những nguyên tắc rất quan trọng định hướng việc đối xử với những người bị tước tự do, theo đó, việc đối xử với tù nhân trong hệ thống trại tạm giam nhằm mục đích chính yếu là cải tạo họ và đưa họ trở về xã hội, chứ không phải nhằm mục đích chính là trừng phạt hay hành hạ họ.
1.7. Quyền được xét xử công bằng
Được quy định tại Điều 10 UDHR, mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.
Điều 11 quy định bổ sung thêm một số khía cạnh cụ thể, theo đó mọi người bị cáo buộc về hình sự đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.
1.8. Quyền tự do đi lại, cư trú
Quyền này được quy định trong Điều 13 UDHR, trong đó mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 12 của ICCPR quyền tự do đi lại và cư trú không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể bị hạn chế nếu “… do luật định là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, phải phù hợp với những quy định của ICCPR công nhận…”.
1.9.Quyền được bảo vệ đời tư
Quyền này được đề cập trong Điều 12 UDHR, theo điều này không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm đời tư.
1.10. Quyền tự do chính kiến, tín ngưỡng, tôn giáo
Được quy định tại Điều 18 UDHR, theo đó, mọi người đều có quyền tự do chính kiến, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc riêng tư.
1.11. Quyền tự do ý kiến và biểu đạt
Quyền này được ghi nhận trong Điều 19 UDHR, theo đó mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới. Điều này cũng được quy định lưu ý thêm là các quan điểm, tư tưởng phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, không được đi ngược lại lợi ích và đạo đức xã hội.
1.12. Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân
Quyền này được đề cập trong Điều 16 UDHR. Theo điều này thì, nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai.
1.13. Quyền tự do lập hội
Được quy định trong Điều 20 UDHR. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình; điều này còn nêu rõ là không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.
Đây cũng là một trong những quyền không tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra những hạn chế trong việc thực hiện quyền này.
1.14. Quyền tự do hội họp một cách hòa bình
Quyền này được quy định tại Điều 20 UDHR cùng với quyền tự do lập hội. Theo đó, quyền hội họp hòa bình phải được công nhận, việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sự bình yên và đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác.
1.15.Quyền được tham gia vào đời sống chính trị
Được ghi nhận trong Điều 21 UDHR, theo đó, mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện mà họ được tự do lựa chọn. Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng. Khoản 3 điều này quy định bổ sung cho khoản 1 và 2, trong đó nêu rằng ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự.
2. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
2.1. Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng
Quyền này được quy định tại khoản 1 Điều 25 UDHR, trong đó nêu rằng mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khỏe, và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, ở, chăm sóc y tế, và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.
2.2. Quyền được làm việc và hưởng thù lao công bằng, hợp lý
Quyền này được ghi nhận một cách cụ thể trong Điều 23 UDHR, theo đó: Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp; mọi người đều có quyền đượctrả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm, và được trợ cấp khi cần thiết bằng các biện pháp bảo trợ xã hội; mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.
Bổ sung cho Điều 23, trong quy định tại Điều 24 UDHR nêu rõ quy định về quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương.
2.3. Quyền được hưởng an sinh xã hội
Quyền này được đề cập trong Điều 22 UDHR trong đó nêu rằng “… mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội…”.
2.4. Quyền được hỗ trợ về gia đình
Quyền này được đề cập trong khoản 3 Điều 16 và khoản 2 Điều 25 của UDHR. Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 thì gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được Nhà nước và xã hội bảo vệ. Khoản 2 Điều 25 quy định: “… các bà mẹ và trẻ em đều có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”.
2.5. Quyền về sức khỏe
Quyền này được đề cập trong Điều 25 UDHR, theo đó: Mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết…
2.6. Quyền được giáo dục
Được quy định trong Điều 26 UDHR, trong đó nêu rõ: “Mọi người đều có quyền được học tập, giáo dục miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải mang tính phổ thông và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng”. Khoản 2 điều này đề cập mục tiêu của giáo dục, trong đó nêu rõ: “Giáo dục phải nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa các dân tộc, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của liên hợp quốc về duy trì hòa bình”. Theo khoản 3 điều này thì cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ.
2.7. Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học
Được quy định trong Điều 27 của UDHR. Theo đó, mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học. Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.
Có thể nói, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 đã tạo ra “một chuẩn mực chung cho tất cả các quốc gia và mọi người đạt tới”. Mọi “cá nhân và bộ phận của xã hội” cần phải thúc đẩy “sự tôn trọng các quyền con người và tự do của con người… bằng các biện pháp tiến bộ…”, nhằm “đảm bảo việc công nhận, thực hiện nhân quyền là mục tiêu chung của toàn nhân loại”.
Về tính chất, mặc dù không phải là một điều ước quốc tế, song UDHR có sức nặng về “luân lý” to lớn. Một số nhà nghiên cứu coi UDHR là “một điều ước mà không phải là điều ước”. Hiện tại, UDHR được coi là bộ phận cấu thành trung tâm của Luật tập quán quốc tế (Internetional custumary law) về quyền con người, tức là có hiệu lực bắt buộc với mọi quốc gia trên thế giới. Bản thân Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người không thể thay đổi hoặc xoay chuyển thái độ của toàn nhân loại. Tuy nhiên, nó chỉ ra một hướng đi quan trọng.
Ngô Thị Bích Quyên
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần TOPCAREER