PGS – TS Đàm Đức Vượng – Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực: Trí thức Việt Nam muốn được bảo vệ bằng chính pháp luật Việt Nam
03/06/2009
Trí thức ở đây, xét riêng về trình độ văn hoá, chúng tôi tính từ tốt nghiệp đại học trở lên. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, qua 23 năm đổi mới (1986-2009), đội ngũ trí thức trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như chất lượng công vụ. Tính từ giữa năm 1992 (là thời điểm Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực thi hành) đến hết năm 2008, Quốc hội và UBTVQH đã ban hành 547 văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Tính riêng từ năm 2006 đến năm 2008, Nhà nước đã ban hành 26 luật, xây dựng khoảng trên 3 nghìn văn bản quy phạm pháp luật và gần 500 điều ước quốc tế. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp phần đông được đào tạo bài bản ở trong nước và ngoài nước. Họ đã có bước trưởng thành về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh, lập trường của người trí thức dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, có những đóng góp rất quan trọng trong việc soạn thảo luật và các văn bản pháp quy khác, chất lượng soạn thảo từng bước được nâng lên, có khả năng tổng kết, khả năng tổ chức thực hiện, đưa pháp luật và chính sách vào cuộc sống, thích nghi nhanh với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiều trí thức trong các cơ quan Nhà nước đã trở thành những nhà khoa học thực sự, thể hiện là đã có những công trình nghiên cứu khoa học. Nhiều người đã từng làm chủ nhiệm đề án, đề tài, dự án cấp bộ và cấp Nhà nước. Những trí thức trong các cơ quan nhà nước đến tuổi về hưu, vẫn say sưa nghiên cứu khoa học, hoạt động trong các tổ chức phi Chính phủ, có những đóng góp nhất định trong việc soạn thảo luật và các văn bản pháp quy khác thuộc lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đó thể hiện phẩm chất rất đáng quý của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này.
Về hạn chế, qua nghiên cứu và điều tra xã hội học, chúng tôi thấy đội ngũ trí thức trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp còn ít chịu nghiên cứu các sách báo, tài liệu của nước ngoài bàn về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nguyên nhân có thể là trình độ ngoại ngữ còn kém, hoặc biết ngoại ngữ, nhưng lại không có nhiều sách, báo nước ngoài để đọc. Một số người quá bận công việc, quên cả đọc sách, báo, nhất là sách, báo nước ngoài. Ở đây, đừng quên rằng, sách, báo, tài liệu nước ngoài xuất bản rất phong phú, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong nghiên cứu khoa học và trong công vụ thuộc về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tham khảo những sách, báo, tài liệu đó sẽ bổ sung cho chúng ta những kiến thức mới, quý trong việc soạn thảo luật và các văn bản pháp quy khác.
Hạn chế về trình độ tin học cũng làm “chùng” đi phần nào nghiên cứu khoa học và thi hành công vụ trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hiện nay, trên thế giới có hàng triệu báo điện tử, trang tin điện tử, hằng ngày, cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin quan trọng. Bỏ đi mảng này, vô hình trung, đã làm mất đi rất nhiều trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, trong khi việc tiếp thu trí tuệ, tinh hoa văn hoá, khoa học của thế giới rất quan trọng đối với chúng ta.
Nhà nước chưa có chính sách huy động "chất xám" (grey matter) của trí thức nói chung và trí thức trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, như chính sách tiền lương, tiền thưởng, chính sách nhà ở, chính sách học tập, nghiên cứu khoa học, phương tiện làm việc…, làm cho nhiều trí thức có phần "xuống cấp" cả về vật chất lẫn tinh thần. Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lên cấp có thẩm quyền, nhưng cho đến nay, chính sách về tạo nguồn nhân lực trí thức, chính sách sử dụng và trọng dụng nhân tài đều chưa rõ ràng, cụ thể. Có thể nói, đối với trí thức: "Rằng tài nên trọng mà tình nên thương". Tiếc rằng, cho đến nay, tài cũng chưa được trọng, mà tình thì cũng chẳng được thương.
- Đó là bức tranh chung về đội ngũ trí thức của lĩnh vực hành pháp, lập pháp và tư pháp. Còn riêng đối với trí thức trong lĩnh vực tư pháp, ông thấy thế nào, thưa ông?
- PGS – TS Đàm Đức Vượng: Qua nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi thấy từ khi có Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị Khoá IX, về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tình hình trong lĩnh vực tư pháp có chuyển biến tích cực bước đầu. Đội ngũ cán bộ trí thức tư pháp đã có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo cán bộ trí thức cho ngành tư pháp được đẩy mạnh. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này đã thấy rõ trách nhiệm hơn, say sưa với nghiên cứu khoa học và công vụ tư pháp hơn. Điểm nổi bật là vấn đề bổ trợ tư pháp đã được triển khai nghiêm túc, nhất là chủ trương xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp. Đến nay, cả nước đã có tới 8 nghìn cộng tác viên, trong đó có 640 cộng tác viên là luật sư đã giúp ích rất nhiều cho các hoạt động bổ trợ tư pháp. Tôi nghĩ rằng, tới đây, vấn đề bổ trợ tư pháp cần được mở rộng ra ngoài phạm vi lĩnh vực tư pháp.
Về hạn chế, chúng tôi thấy cán bộ lãnh đạo tư pháp các cấp, còn ít quan tâm đến việc tổ chức cho trí thức nghiên cứu vấn đề xã hội hoá một số hoạt động tư pháp. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu làm tốt nó sẽ giúp đẩy nhanh được xu hướng “Toàn dân sống và làm việc theo pháp luật”, tội phạm, tham nhũng, cơ hội sẽ bớt đi, trật tự, kỷ cương xã hội sẽ được nâng lên, trở thành một nước văn minh pháp luật.
Một vấn đề nữa, chúng tôi thấy cần nâng cao cả về số lượng và chất lượng luật sư, mới có thể góp phần giải quyết được tồn tại hiện nay là luật sư Việt Nam có thể nắm được luật pháp Việt Nam, nhưng chưa thông thạo các luật lệ của quốc tế.
– Theo ông, những vấn đề cụ thể và cấp thiết nhất của phương hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp giai đoạn 2011-2020 là gì? Vấn đề nào sẽ cần phải được thực hiện ngay sau khi Đề tài được hoàn tất và vấn đề nào đòi hỏi phải có lộ trình?
– PGS – TS Đàm Đức Vượng: Các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ mới đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khoá X của Đảng (Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008): "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thờikỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" nêu ra. Riêng đối với trí thức hoạt động tronglĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, chúng tôi thấy cần nhằm vào những vấn đề sau: Thứ nhất là xây dựng đội ngũ trí thức trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp phải được gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng các Chiến lược kinh tế – xã hội, phát triển giáo dục, phát triển văn hoá và các chiến lược khác đến năm 2020. Thứ hai, Nhà nước cần phải có những giải pháp đối với trí thức như: Nhà nước nên có cái nhìn am hiểu hơn, toàn diện hơn, bao quát hơn, sâu sắc hơn, cụ thể hơn đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới; đề nghị Quốc hội khẩn trương xây dựng Luật Trí thức, vì người trí thức Việt Nam muốn được bảo vệ bằng chính pháp luật Việt Nam; Nhà nước cần chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo, vì đây là cơ sở để tạo ra những nhà trí thức, nhà khoa học, nhà giáo, nhà thiết kế, các chuyên gia, tổng công trình sư; và cuối cùng Nhà nước phải ra sức khai thác, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc đánh giá đúng thực trạng tình hình nguồn nhân lực trí thức trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp để chỉ ra đúng chiều hướng phát triển của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này đến năm 2020 cũng như tìm ra những giải pháp khả thi, nhất định sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức trong lĩnh này.
–Xin cảm ơn ông!
Xuân Hoa (thực hiện)