PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn – Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp): “Chất lượng nhân lực quyết định hiệu quả công tác”
10/11/2008
PV: Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước”.Xin ông cho biết tầm quan trọng của đề án này ?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: Công tác PBGDPL được Đảng ta xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo công tác này từ xây dựng thể chế, nguồn nhân lực đến triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch PBGDPL. Riêng về vấn đề nhân lực, nhìn một cách tổng thể, lực lượng làm công tác PBGDPL đã có sự phát triển đáng kể về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, lực lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu do tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu về số lượng và một bộ phận năng lực còn yếu. Vì thế, đề án nhằm tạo bước phát triển mới trong việc xây dựng nguồn nhân lực ổn định, có chất lượng và trình độ cao để thực hiện công tác PBGDPL có hiệu quả.
PV: Như vậy, nếu đề án được thông qua, lực lượng làm công tác PBGDPL sẽ có một diện mạo mới. Nhưng cho đến lúc đó, “bức tranh” chi tiết về lực lượng này ở nước ta được mô tả như thế nào, thưa ông?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: Xuất phát từ thực tế tổ chức công tác PBGDPL, nguồn nhân lực cho công tác này rất dồi dào, đa dạng, đông về số lượng, khác nhau về ngành nghề, trình độ, chuyên môn pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ… Nhưng có thể chia (tương đối) thành 3 nhóm gồm: những người làm công tác quản lý tổ chức và hoạt động PBGDPL; những người trực tiếp thực hiện công tác PBGDPL (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) và những người thực hiện công tác PBGDPL thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình, hoặc lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động xã hội. Đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã thành lập Phòng PBGDPL với 236 cán bộ chuyên trách. Nhiều sở, ban ngành cấp tỉnh thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng PL, PBGDPL. Bên cạnh đó, với việc tái thành lập Phòng tư pháp cấp huyện với hơn 2.400 cán bộ đã góp phần tăng thêm năng lực cho đội ngũ làm công tác PBGDPL ở địa phương.
PV: Theo ông, đối với nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, giữa trình độ về luật pháp và nghiệp vụ PBGDPL yếu tố nào cần được đề cao?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: Trước hết phải khẳng định, đối với một người làm công tác PBGDPL, trình độ về luật pháp và nghiệp vụ PBGDPL là những yêu cầu cần và đủ để đạt được tính chuyên nghiệp. Vì thế, đề án mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn cũng nhằm vào việc tăng cường đồng thời cả hai yếu tố này cho những người làm công tác PBGDPL. Khách quan mà nói, điểm hạn chế nhất của lực lượng TTV, BCV PL hiện nay là sự bất cân đối giữa trình độ PL và nghiệp vụ PBGDPL. Đa số những người làm công tác PBGDPL chuyên trách hay kiêm nhiệm đều là những người từng học luật, nhưng không mấy người đã từng được tham gia một lớp đào tạo chính thức nào về nghiệp vụ PBGDPL. Bởi thế, họ chủ yếu tác nghiệp bằng kinh nghiệm, bằng các kiến thức thông qua tập huấn hay tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nào đào tạo chuyên ngành về công tác PBGDPL nên họ cũng không có điều kiện học nghiệp vụ. Vì vậy, công tác PBGDPL vẫn luôn tồn tại một nghịch lý là “người biết luật thì không giỏi nghiệp vụ tuyên truyền PL". Khắc phục được điểm này sẽ là bước chuyển quan trọng để có một lực lượng làm công tác PBGDPL đạt chất lượng cao và đáp ứng và yêu cầu của tình hình mới.
PV: Ngoài hai yếu tố trên, ông nghĩ thế nào về yếu tố văn hoá đối với những người làm công tác PBGDPL?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: PL cũng là một nét văn hoá, trong văn hoá có PL và trong PL có văn hoá. Chúng ta thường nhắc đến một khái niệm quen thuộc là văn hoá pháp lý. Yếu tố này luôn được các chuyên gia pháp lý đánh giá cao trong đời sống pháp lý nói chung và trong công tác PBGDPL nói riêng. Bởi văn hoá pháp lý sẽ tạo cơ sở vững chắc cho PL “ăn sâu bén rễ” trong đời sống xã hội và ý thức của từng người dân, góp phần để PL được chấp hành trong thực tiễn.
PV: Trong các giải pháp để tăng cường chất lượng của những người làm công tác PBGDPL, internet và các phương tiện truyền thông có vai trò gì, thưa ông?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: Tất nhiên không thể bỏ qua tầm quan trọng của internet bởi đó là một kênh PBGDPL rất cần thiết hiện nay. Đó còn là cơ sở để tiến tới xây dựng “tủ sách PL điện tử”. Mặc dù đời sống kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương còn chưa cao nhưng việc trang bị internet không phải là bất khả thi. Với internet, “tủ sách PL điện tử” sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cung cấp tài liệu, văn bản PL nhanh chóng, tiết kiệm, khắc phục những bất cập trong việc sử dụng và khai thác tủ sách PL hiện nay.
PV: Đề án có đề cập đến việc khuyến khích, thu hút nhân lực trẻ, có trình độ tham gia làm công tác PBGDPL chuyên trách. Theo ông, làm thế nào để thực hiện hữu hiệu giải pháp này trong điều kiện bệnh “chảy máu chất xám” của ngành Tư pháp không phải là nhẹ?
PGS.TS.Nguyễn Tất Viễn: Trong Dự thảo Đề án, chúng tôi có nêu vấn đề dự báo nguồn nhân lực cho công tácPBGDPL trong những năm tới đây, nhất là khi Luật PBGDPL được ban hành. Hiện nay, trong lĩnh vực PBGDPL, thế hệ trẻ là đội ngũ năng động, được đào tạo cơ bản, tuy kinh nghiệm còn ít nhưng bù vào đó là sự nhiệt tình, hăng say, luôn hướng tới những vấn đề lớn của xã hội và mong muốn được cống hiến. Vừa qua, được sự giúp đỡ của Viện Khoa học Pháp lý, Đoàn thanh niên cơ quan Bộ Tư pháp đã đề nghị các chuyên gia lâu năm, có kinh nghiệm của Bộ Tư pháp viết tài liệu hướng dẫn và giới thiệu những kinh nghiệm vào nghề cho cán bộ trẻ làm công tác tư pháp, trong đó có hoạt động PBGDPL. Tôi rất trân trọng đề nghị đó và tài liệu đã được chúng tôi hoàn tất. Tôi cũng không nghĩ rằng đang có sự "chảy máu chất xám" đáng báo động hiện nay trong ngành Tư pháp. Bởi thực tế, lực lượng cán bộ trẻ làm công tác Tư pháp nói chung và công tác cũng tương đối đông đảo. Hơn nữa, nếu họ có tâm huyết cống hiến với nghề thì sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Nhà nước và xã hội.
Nói tóm lại, “chất lượng nhân lực quyết định hiệu quả công tác”. Dù thực hiện bất kỳ biện pháp nào thì cũng phải quan tâm đến những chính sách để thu hút, “giữ chân” người có năng lực thì mới hy vọng đưa các mục tiêu của công tác PBGDPL thành hiện thực./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Huy Anh (thực hiện)
Hiện cả nước có khoảng 2.239 cán bộ pháp chế (theo số liệu thống kê của 14 tỉnh thành); 232 báo cáo viên pháp luật TƯ; 4.761 báo cáo viên cấp tỉnh; 15.116 báo cáo viên cấp huyện và hơn 73.000 tuyên truyền viên cấp xã, gần 70.000 người từ các lực lượng khác tham gia công tác PBGDPL.
Mục tiêu của đề án: Đến năm 2012, bố trí được cán bộ chuyên về công tác PBGDPL tại 80% tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 70% tổ chức pháp chế của sở, ban, ngành cấp tỉnh và DN nhà nước; 80% cơ quan báo, đài TƯ và 70% báo, đài địa phương có phóng viên, biên tập viên chuyên trách về công tác PBGDPL; 100% Sở Tư pháp có Phòng PBGDPL và đủ biên chế theo qui định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của địa phương. Củng cố mạng lưới BCV, TTV PL của các bộ, ngành, đoàn thể từ TƯ đến cơ sở, chú trọng BCV, TTV là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc… |