Phân biệt cải chính phần ghi về giới tính trong giấy khai sinh và xác định lại giới tính theo những quy định của pháp luật hiện hành
24/10/2008
Ra đời sau Bộ luật Dân sự Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch cũng quy định việc xác định lại giới tính của một cá nhân khi cá nhân đó có yêu cầu. Khoản 4 Điều 36 Nghị định đã dẫn cũng có những quy định tương tự như Bộ luật Dân sự “xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiêp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Những quy định này hầu như không khác và chi tiết gì với Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định nêu rõ thủ tục quan trọng nhất thiết phải có để đăng ký việc xác định lại giới tính là văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính là căn cứ cho việc xác định lại giới tính ngoài những thu tục phải có nêu ở Điều 38 Nghị định đã dẫn.
Thực tế, trong những quy định như thế nhưng vẫn có những trường hợp đặc thù diễn ra mà pháp luật hiện hành chưa có biện pháp cũng như những chế tài chính xác điều chỉnh. Một đứa bé sinh ra nhưng trong thời điểm sinh ra đó vẫn chưa xác định được giới tính của đứa trẻ, khi trải qua một thời gian sau thì giới tính đứa trẻ đó mới được hình thành rõ ràng khi ấy y học lại tiến hành can thiệp xác định giới tính cho đứa trẻ bằng văn bản kết luận của tổ chức y tế. Chúng ta có được việc xác định lại giới tính theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và theo tinh thần của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Nhưng trong những trường hợp đặc thù mang yếu tố chủ quan sắp xếp có mục đích của con người thì sự việc trở nên khác đi và có nhiều ý kiến khác nhau trong những trường hợp này. Một đứa trẻ khi sinh ra với một giới tính hoàn toàn bình thường là một người nam nhưng sau một khoảng thời gian dài không tiến hành đăng ký khai sinh cho đứa bé, khi đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự do mục đích của gia đình lại tiến hành đăng ký khai sinh cho đứa trẻ mang giới tính nữ nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau đó gia đình lại đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu việc chỉnh sửa giấy khai sinh theo đúng giới tính của con mình. Trong trường hợp này có hai ý kiến khác nhau cũng như hai phương án áp dụng luật khác nhau để giải quyết trường hợp đặc thù trên:
Ý kiến thứ nhất cho rằng đây chỉ là trường hợp cải chính hộ tịch (cải chính phần ghi về giới tính trong giấy khai sinh) theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Bởi vì, theo Khoản 2 Điều 36 Nghị định 158 đã dẫn định nghĩa “Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký”. Trên cơ sở đó những nội dung đã đăng ký khai sinh là giới tính nữ nhưng do cán bộ tư pháp – hộ tịch không kiểm tra dẫn đến sai sót trong quá trình đăng ký khi sinh cho một cá nhân (việc đăng ký khai sinh trước đây chưa được chặt chẽ trong những trường hợp không xuất trình giấy chứng sinh chỉ làm tờ khai đăng ký đã đăng ký được giấy khai sinh). Như vậy, trường hợp nêu trên theo ý kiến thứ nhất là trường hợp cải chính hộ tịch – cải chính phần ghi về giới tính trong bản chính giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh. Và thực tế cho thấy ở xã T.P huyện L.V một gia đình có đến 04 người con là nam nhưng lại đăng ký khai sinh mang giới tính nữ nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Ý kiến thứ hai cho rằng đây là trường hợp xác định lại giới tính theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 158/2005/NĐ-CP vì phải có cơ sở pháp lý cho rằng cá nhân đó mang một giới tính rõ ràng là nam hay nữ thông qua việc xuất trình văn bản kết luận can thiệp của tổ chức y tế (hiện nay văn bản này có lẽ chỉ là giấy khám sức khỏe của các tổ chức y tế). Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này giới tính của đứa trẻ sinh ra không hề có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác đây chỉ là việc đăng ký khai sinh có chủ ý của người đăng ký khai sinh nhằm trốn tránh thực hiện một nghĩa vụ.
Theo người viết trong hai ý kiến trên, người viết thống nhất với ý kiến thứ nhất cho rằng đây là trường hợp cải chính về phần ghi về giới tính trong bản chính giấy khai sinh và sổ đăng ký bởi vì việc xác định lại giới tính chỉ được thực hiện khi giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Cần lưu ý là sau khi nhận các thủ tục cũng như yêu cầu của người dân liên quan đến các vấn đề này thì cán bộ tư pháp – hộ tịch cần phải xem xét xác minh kỹ các hồ sơ chứng minh và các giấy tờ liên quan để từ đó có phương án, hướng áp dụng luật một cách chính xác./.
Thanh Xuân