Pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước ở Nhật Bản

Pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước ở Nhật Bản

21/07/2008

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trước thế kỷ 20, ở Nhật Bản chưa có pháp luật về bồi thường nhà nước (BTNN). Năm 1947, lần đầu tiên, Hiến pháp Nhật Bản tại Điều 17 quy định : “mọi người có thể yêu cầu, theo quy định của pháp luật, đòi nhà nước hoặc các cơ quan công quyền bồi thường thiệt hại (BTTH) mà họ phải gánh chịu do các hành vi trái pháp luật của các quan chức nhà nước gây ra”. Trên cơ sở Điều 17 Hiến pháp, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản liên quan đến BTNN như: Luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 1947; Luật Đền bù hình sự; Luật về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong các vụ việc có liên quan đến lợi ích nhà nước.
Trong hệ thống các văn bản pháp luật về BTNN thì Luật về trách nhiệm BTTH của nhà nước là đạo luật cơ bản, có vị trí quan trọng trong việc xác định phạm vi bồi thường, trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường .v.v. Luật này bao gồm 6 điều: Điều 1, quy định điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường; Điều 2, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra do khiếm khuyết trong xây dựng và quản lý công trình công cộng; Điều 3, trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể khi để xảy ra khiếm khuyết ở Điều 2; Điều 4, việc áp dụng Bộ Luật dân sự sau khi giải quyết quan hệ BTNN; Điều 5, việc áp dụng đạo luật khác trong trường hợp những đạo luật đó quy định về trách nhiệm BTNN trong lĩnh vực riêng biệt; Điều 6 quy định về người nước ngoài bị thiệt hại thì khi nào được bồi thường.

Những chế định cơ bản của Luật về trách nhiệm BTNN ở Nhật Bản.

          Bản chất của trách nhiệm BTNN

          BTNN được hiểu là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và đa số học giả Nhật Bản cho rằng trách nhiệm BTNN mang bản chất của pháp luật dân sự. Do vậy, cơ chế giải quyết bồi thường là cơ chế dân sự, tức là thông qua việc thương lượng hoặc giải quyết các vụ kiện theo trình tự thủ tục dân sự.

          Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Pháp luật về BTNN của Nhật Bản không có điều luật nào quy định về phạm vi các lĩnh vực hoạt động nào của Nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật. Điều này có nghĩa Luật không loại trừ bất kỳ lĩnh vực nào, theo đó mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật

Cách thức xác định và điều kiện phát sinh trách nhiệm BTNN

Luật đưa ra các tiêu chí chung để xác định trường hợp nào thì phát sinh trách nhiệm BTNN. Cách thức này phù hợp với thực tiễn ở Nhật Bản vì hệ thống toà án của Nhật Bản có thẩm quyền rất lớn trong việc giải thích và áp dụng pháp luật, vì vậy, trong trường hợp pháp luật không quy định cụ thể, thì toà án có quyền chủ động để giải thích.

          Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTNN gồm: có chứng cứ về hành vi gây thiệt hại; hành vi gây thiệt hại xảy ra khi công chức đang thi hành công vụ; hành vi của công chức là hành vi vi phạm pháp luật; công chức phải có lỗi; có phát sinh thiệt hại cho người bị hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Khi có đủ những điều kiện trên đây thì Luật BTNN được áp dụng.

          Xác định hành vi gây thiệt hại phải bồi thường

Việc gây thiệt hại có thể thông qua hành vi trực tiếp, bao gồm hành động và không hành động. Luật cũng quy định cụ thể rằng, những hành vi này là của công chức chứ không phải của Nhà nước hay cơ quan Nhà nước chung chung. Hành vi không hành động thể hiện ở việc nghĩa vụ của công chức phải thực hiện nhưng đã không thực hiện và việc không thực hiện này đã gây ra thiệt hại.

Phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường

Có hai loại thiệt hại được bồi thường: thứ nhất, các loại thiệt hại được quy định trong Bộ Luật dân sự tại phần các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; thứ hai, các loại thiệt hại được xác định trong đạo luật riêng nếu có.

          Như vậy, loại thiệt hại không được quy định trực tiếp trong Luật mà quy định mang tính dẫn chiếu. Đây là quy định khoa học vì có ưu điểm là thống nhất với các quy định của Bộ Luật dân sự.

          Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường

Theo Điều 1,2 của Luật này, bên có nghĩa vụ bồi thường là Nhà nước chứ không phải một cơ quan Nhà nước cụ thể. Điều này so với pháp luật của nước ta thì có sự khác biệt. Theo các quy định tại Điều 619, 620 Bộ Luật dân sự nước ta năm 2005 thì, các cơ quan Nhà nước cụ thể sẽ là chủ thể có nghĩa vụ bồi thường. Lý giải điều này, các học giả Nhật Bản cho rằng: trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm tự thân, trách nhiệm của chính Nhà nước chứ không phải của cá nhân công chức; hoạt động của Nhà nước được thông qua các cá nhân cụ thể, song những hoạt động này dù ít hay nhiều luôn có sự liên hệ với nhau để giải quyết công việc chung của Nhà nước vì vậy trong nhiều trường hợp khó có thể xác định trách nhiệm thuộc về hoàn toàn một cơ quan nào, hệ quả tất yếu là các cơ quan sẽ đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới việc giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn, không bảo vệ được quyền lợi của người bị thiệt hại.

          Cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường

Luật về trách nhiệm BTTH không quy định về nội dung này mà nội dung này được quy định trong Luật về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp trong các vụ việc liên quan đến lợi ích của Nhà nước và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Người bị hại muốn được bồi thường thì phải có đơn gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông qua Ban thư ký tranh tụng dân sự thuộc Ban thư ký Bộ trưởng. Nếu như vụ kiện phải đưa ra Toà án để giải quyết thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người đại diện cho Nhà nước để tham gia tranh tụng. Sở dĩ quy định cho Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này là vì, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng: Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước vê các vấn đề pháp lý, thực thi pháp lý, vì vậy, Bộ là cơ quan có chuyên môn pháp lý tốt nhất; Bộ Tư pháp tham gia tố tụng sẽ bảo đảm yêu cầu khách quan của vụ kiện vì Bộ hoàn toàn độc lập với cơ quan quản lý công chức gây ra thiệt hại và người bị hại.

Thủ tục giải quyết bồi thường

Người bị hại làm đơn yêu cầu bồi thường trong đó nêu rõ lý do, mức bồi thường. Đơn yêu cầu gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Sau đó hai bên gặp nhau tiến hành hoà giải và thoả thuận mức bồi thường. Trong trường hợp người bị hại không đồng ý thì có thể làm đơn ra toà án. Toà án sẽ là người phán xét cuối cùng về mức bồi thường.

Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả

Kinh phí bồi thường được lấy từ ngân sách nhà nước và đã có trong dự toán. Trường hợp công chức của địa phương gây thiệt hại thì kinh phí bồi thường lấy từ ngân sách địa phương; nếu công chức của cơ quan Trung ương gây thiệt hại thì lấy từ ngân sách Trung ương.

Khi có phán quyết của toà án buộc Nhà nước phải bồi thường thì cơ quan quản lý công chức phải bỏ kinh phí ra để bồi thường. Sau đó công chức gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn nếu như gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Việc xác định như thế nào là thiệt hại nghiêm trọng được quy định cụ thể trong Luật.

Phạm Văn Dũng

1900.0191