Phòng chống hiệu quả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm buôn bán người: Nỗ lực của quốc gia, hỗ trợ của quốc tế

Phòng chống hiệu quả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm buôn bán người: Nỗ lực của quốc gia, hỗ trợ của quốc tế

04/12/2007

Bài 2: Nhanh chóng phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Một trong những thách thức toàn cầu, đe doạ đến an ninh, sự ổn định của hầu hết các quốc gia trên thế giới là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Loại tội phạm này hoành hành khắp thế giới với nhiều loại hình hoạt động. Khu vực Đông Nam Á là địa bàn hoạt động khá sôi nổi của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Để đấu tranh hiệu quả đối với loại tội phạm nguy hiểm này thì một hoặc vài quốc gia không thể gặt hái thành công mà cần có sự hỗ trợ, hợp tác của cả cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã xây dựng được công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (công ước TOC) và 3 nghị định thư bổ sung cho Công ước, bao gồm: Nghị định thư về chống buôn bán người, đặc biệt là PNTE; Nghị định thư về chống đưa người di cư bất hợp pháp và Nghị định thư về chống mua bán bất hợp pháp vũ khí, đạn dược. Đây là những cơ sở pháp lý cho các quốc gia trong việc phòng và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Việt Nam đã ký Công ước TOC từ tháng 12/2000 và việc nghiên cứu đề xuất phê chuẩn Công ước, cũng như tham gia Nghị định thư bổ sung về chống buôn bán người đã được tiến hành ngay từ năm 2001. Theo đánh giá sơ bộ, Công ước TOC về cơ bản không trái với những qui định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Mục đích của Công ước phù hợp với nội dung Nghị quyết 09/1998/NQ-CP của Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” và Quyết định 138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm trong đó có Đề án “Đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm và tội phạm có tính chất quốc tế”. Một số qui định của Công ước chưa được qui định trong pháp luật Việt Nam nhưng đều không trái với qui định của pháp luật Việt Nam và là những nội dung tiến bộ, hữu ích cho việc tăng cường hợp tác giữa nước ta và các nước khác. Công ước cũng qui định việc trợ giúp kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển như Việt Nam và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi để những nước này có khả năng hợp tác phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Đối với nước ta, việc tham gia Công ước TOC là một yêu cầu thực tế khi tình hình tội phạm ở nước ta có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm, đặc biệt là sự phát triển đáng lo ngại cuả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Không giống với các qui định pháp luật về phòng chống buôn bán người, hệ thống pháp luật của nước ta (Hiến pháp, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng, phòng chống tham nhũng…) về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã khá đủ điều kiện để vận hành và thực hiện Công ước. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cùng với văn phòng cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol và Aseanpol) của nước ta đã có những hợp tác hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có nhận tố nước ngoài.

Tuy nhiên, còn một số qui định của Công ước chưa có sự tương thích với qui định pháp luật nước ta. Trong các qui định liên quan đến tố tụng và thực thi pháp luật vẫn còn điểm “vênh” giữa Công ước và pháp luật Việt Nam như việc hầu hết các hành vi tội phạm mà Công ước điều chỉnh lại không phải là vi phạm hành chính theo pháp luật Việt Nam nên không thể xử lý pháp nhân về các hành vi này. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn thiếu những qui định cụ thể để thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ nạn nhân, nhân chứng, người nhà của họ khỏi sự trả thù hay đe doạ của tội phạm, đền bù, khắc phục hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu. Theo tinh thần Công ước, bảo vệ nạn nhân và nhân chứng của tội phạm là một trong những nỗ lực quan trọng ngăn ngừa thủ đoạn của các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm thoát khỏi những hoạt động điều tra và pháp xét của pháp luật… Những hạn chế này cần được khắc phục khi Việt Nam phê chuẩn Công ước.

Phê chuẩn Công ước TOC là một đòi hỏi thiết yếu cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm buôn bán người, ở nước ta, đặc biệt trong tình hình dự báo thời gian tới, hoạt động của bọn buôn bán người, đặc biệt là PNTE, trên thế giới có xu hướng tăng và phức tạp. Riêng ở Việt Nam, theo khảo sát của lực lượng Công an, tiềm ẩn tội phạm cũng rất lớn. Hiện cả nước có trên 2.500 đối tượng, trong đó khoảng 235 đường dây gồm 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán PNTE, xác định được 33 tuyến cà 139 địa bàn trọng điểm có thể dễ dàng nảy sinh tội phạm./.

Hương Giang

1900.0191