Quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về thủ tục rút gọn

Các quy định về thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết một cách nhanh chóng số lượng lớn các vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ đơn giản, rõ ràng; rút ngắn điều tra, truy tố xét xử thời gian, góp phần hạn chế lượng án tồn đọng hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương. Với những quy định tiến bộ và ý nghĩa của thủ tục rút gọn, lẽ ra thủ tục rút gọn phải được áp dụng triệt để và thường xuyên. Nhưng ở nhiều địa phương thì thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự hầu như đã bị bỏ quên(1).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các quy định về thủ tục rút gọn của BLTTHS hiện hành còn có những hạn chế, bất cập. Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đó, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng trong các quy định về thủ tục rút gọn; cụ thể là:

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 318; theo đó thủ tục rút gọn được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, không áp dụng đối với xét xử phúc thẩm. Việc quy định như vậy là không phù hợp với tính chất và mục đích của thủ tục rút gọn. Bởi vì, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 30 ngày, trong khi đó thời hạn xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu là 60 ngày.

Khắc phục vướng mắc, bất cập trên, tiếp thu những nhân tố hợp lý của tố tụng hình sự một số nước trên thế giới trong việc thủ tục rút gọn được áp dụng đối với cả xét xử phúc thẩm; BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả xét xử phúc thẩm (Điều 455).

Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Điều 319 BLTTHS hiện hành quy định về 4 điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: 1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; 2. sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; 3. tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; 4. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Như vậy, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ 4 điều kiện trên. Thực tế áp dụng quy định này cho thấy, nhận thức của những người tiến hành tố tụng về điều kiện “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” là chưa thống nhất. Để khắc phục vướng mắc trên, Điều 456 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi thay cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”. Đồng thời điều kiện thứ nhất bổ sung thêm trường hợp người đó tự thú. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình, đồng thời đáp ứng 3 điều kiện còn lại quy định tại khoản Điều 456.

Do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được mở rộng đối với cả xét xử phúc thẩm, nên BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (khoản 2 Điều 456). Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện: a. Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b. vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ 4 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

Thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn

Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì chỉ có Viện kiểm sát là chủ thể duy nhất có thẩm quyền áp dụng và hủy bỏ thủ tục này trong ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Quy định như vậy dẫn đến không chủ động và không đề cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn; bên cạnh đó tạo ra sự lòng vòng trong trình tự giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn (Cơ quan điều tra phải đề nghị để Viện kiểm sát ra quyết định hoặc Tòa án phải trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục này)(2).

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên, BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn cho cả 3 chủ thể (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án). Điểm mới đáng chú ý là, BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng bắt buộc các chủ thể Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện luật định, mà không quy định có tính chất tùy nghi như quy định của BLTTHS hiện hành. Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn có đúng pháp luật không. Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra biết. Còn đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án trong trường hợp không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định; Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.

Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử không được quá 16 ngày (Điều 322); thời hạn điều tra là 12 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Việc BLTTHS hiện hành quy định thời hạn tạm giam, điều tra quá ngắn trong khi trình tự, thủ tục để giải quyết vụ án vẫn giống như thủ tục chung, không được giản lược, kể cả các thủ tục về hành chính tư pháp, điều này đã gây tâm lý “sợ” làm án theo thủ tục rút gọn của Điều tra viên(3). Do vậy, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng kéo dài thời hạn tạm giam tối đa để điều tra, truy tố, xét xử đến 64 ngày; trong đó thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra tối đa là 20 ngày, trong giai đoạn truy tố tối đa là 5 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm tối đa là 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là 22 ngày.

Về điều tra và thời hạn điều tra

Nhằm khắc phục được những vướng mắc do thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn được quy định trong BLTTHS hiện hành là quá ngắn (12 ngày) kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; BLTTHS năm 2015 đã quy định kéo dài thời hạn này lên 20 ngày để đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Về những việc cần làm sau khi kết thúc điều tra, BLTTHS hiện hành mới chỉ quy định chung chung là, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Đến BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể hơn những nội dung cần có trong quyết định đề nghị truy tố. Theo đó, quyết định đề nghị truy tố ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.

Về truy tố và thời hạn truy tố

Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn truy tố của Viện kiểm sát là 4 ngày, đến BLTTHS năm 2015 đã quy định thời hạn này là 5 ngày, tăng 01 ngày. Đồng thời, BLTTHS năm 2015 cũng quy định cụ thể về nội dung của quyết định truy tố; theo đó, quyết định truy tố sẽ tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hai do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng.

Về xét xử sơ thẩm

Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì trình tự, thủ tục xét xử không được giản lược so với thủ tục tố tụng chung; Hội đồng xét xử vẫn gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm, gây lãng phí về nhân lực, vật lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Do vậy, BLTTHS năm 2015 đã quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm do 01 Thẩm phán tiến hành (Điều 463).

Nhằm giảm bớt áp lực cho Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; đồng thời tạo thời gian hợp lý để bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình; BLTTHS năm 2015 đã quy định thời hạn xét xử sơ thẩm là 17 ngày, tăng 3 ngày so với quy định của BLTTHS hiện hành (14 ngày).

Trong tổng thời hạn xét xử sơ thẩm 17 ngày, thì BLTTHS năm 2015 đã tăng thời hạn chuẩn bị xét xử từ 7 ngày lên 10 ngày; còn thời hạn từ lúc Thẩm phán có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến lúc mở phiên tòa vẫn giữ nguyên là 7 ngày như quy định của BLTTHS hiện hành. Việc tăng thời hạn trong giai đoạn này sẽ hạn chế được số án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định trong BLTTHS năm 2015, nhưng có điểm đáng chú ý là không có thủ tục nghị án, vì phiên tòa xét xử sơ thẩm do 01 Thẩm phán tiến hành.

Về xét xử phúc thẩm

Do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được mở rộng cả đối với xét xử phúc thẩm, nên BLTTHS năm 2015 đã bổ sung 2 điều luật mới (Điều 464 – chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Điều 465 – phiên tòa xét xử phúc thẩm).

Tại khoản 2 Điều 464 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ban hành một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Đồng thời, khoản 3 Điều luật này quy định, trong trường hợp Thẩm phán ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.

Qua các quy định trên cho thấy, thời hạn xét xử phúc phẩm theo thủ tục rút gọn là 22 ngày. Như vậy, so với thời hạn xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu theo thủ tục chung (105 ngày) đã giảm đi rất nhiều để vụ án được giải quyết một cách nhanh nhất.

Khoản 1 Điều 465 quy định, việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do 01 Thẩm phán tiến hành, nên phiên tòa xét xử phúc thẩm không có thủ tục nghị án. Có thể nói, xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn với sự rút ngắn về thời gian, trình tự, thủ tục, giảm số lượng Thẩm phán của Hội đồng xét xử đã góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho quá trình giải quyết vụ án./.

Lương Văn Công

(1) Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, Những vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự và một số kiếnnghị,http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=13573437&article_details=1

(2)Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng, Vấn đề sửa đổi quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2003, tạp chí Kiểm sát số 08/2012, tr. 46.

(3) Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng, Vấn đề sửa đổi quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2003, tạp chí Kiểm sát số 08/2012, tr. 46.

1900.0191