Quy mô thương mại theo quy định của hiệp định TRIPs và quy định của pháp luật Việt Nam
30/03/2009
1. Quy định của Hiệp định TRIPs về “quy mô thương mại”
Điều 61 Hiệp định TRIPs quy định “Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc vi phạm bản quyền với quy mô thương mại (commercial scale). Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa vi phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá vi phạm, bất cứ vật liệu và phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Các thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm với quy mô thương mại”. Tuy nhiên, Hiệp định TRIPs cũng có quy định loại trừ tại Điều 60 khi hàng hoá được coi là nhập khẩu với số lượng nhỏ thì “các thành viên có thể không áp dụng các quy định của Hiệp định TRIPs đối với những hàng hoá phi thương mại với số lượng nhỏ, là hành lý cá nhân hoặc gửi với số lượng nhỏ.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quy mô thương mại
Để thực thi quy định của Điều 61 Hiệp định TRIPs liên quan đến việc hiểu và xác định hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ với “quy mô thương mại” như thế nào thì sẽ áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt, cũng như dựa trên tiêu chí nào để xác định “ngưỡng” giá trị của hàng hoá vi phạm, lợi nhuận do hành vi vi phạm đem lại… để từ đó đưa ra tiêu chí về quy mô thương mại hợp lý thì Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 chưa đáp ứng được điều này. Điều 28 và Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam mới chỉ quy định về các hành vi chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và các hành vi xâm phạm các quyền liên quan mà chưa có quy định cụ thể về “ngưỡng giá trị” đối với “quy mô thương mại” cụ thể đối với các hành vi vi phạm nói trên.
Nhằm triển khai thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng như đảm bảo thực thi Hiệp định TRIPs và để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thống nhất, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; ngày 29/02/2008 liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xác định “quy mô thương mại” đối với từng loại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Điều 131 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999. Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được dựa trên quy mô và mục đích thương mại, thiệt hại vật chất cho chủ thể bị vi phạm hoặc giá trị hàng hoá vi phạm.
a. Đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 và Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì Thông tư số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP quy định cụ thể như sau:
Đối với người có hành vi cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và “gây hậu quả nghiêm trọng”, “hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “xâm phạm quyền tác giả” theo các khoản 1, 2 và 3 tương ứng của Điều 131 Bộ luật hình sự.
– Trường hợp được coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Với quy mô và mục đích thương mại; (ii) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra); (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.
– Trường hợp được coi là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; (ii) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra); (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Trường hợp được coi là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 100.000.000 đồng trở lên; (ii) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 450.000.000 đồng trở lên (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra); (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
– Đối với trường hợp mà người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 hoặc Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 131 của Bộ luật Hình sự, nhưng có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại điều luật khác của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại điều luật đó của Bộ luật Hình sự.
b. Đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Thông tư 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP quy định cụ thể như sau: Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ nếu gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản 1, 2 và 3 tương ứng của Điều 171 của Bộ luật Hình sự.
– Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; (ii) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.
– Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã thu được lợi nhuận từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; (ii) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng; (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã thu được lợi nhuận từ 150.000.000 đồng trở lên; (ii) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 450.000.000 đồng trở lên; (iii) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, Thông tư số 01 nói trên cũng quy định điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ là phải có yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan hoặc có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, trên cơ sở quy định của Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP nói trên, Việt Nam đã xây dựng các tiêu chí để xác định về “quy mô thương mại” đối với các hành vi vi phạm về quyền tác giả và các quyền liên quan cũng như hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trên cơ sở các tiêu chí này, các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ căn cứ vào đó để xử lý đối với các trường hợp vi phạm về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời Việt Nam đã đảm bảo thực thi quy định tại Điều 61 của Hiệp định TRIPs về quy mô thương mại./.
Khôi Nguyên