Sai sót trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cấp xã

Sai sót trong việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cấp xã

03/11/2008

Qua một thời gian dài thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính ở cấp xã đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần từng bước tạo lập một khung pháp luật tương đối hoàn chỉnh về xử lý vi phạm hành chính, đóng góp tích cực vào việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đề cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính ở cơ sở còn bộc lộ nhiều sai sót nhất định thường tập trung chủ yếu vào việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến những khiếu kiện của người dân đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phổ biến là những vấn đề sau:

Thứ nhất, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa xác định đúng thẩm quyền ban hành. Theo Điều 28, Khoản 3 Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND xã và Trưởng công an xã. Nhưng thực tế cho thấy các quyết định xử phạt đều ghi UBND xã quyết định và phần cuối quyết định lại ghi TM.UBND. Như vậy thẩm quyền ban hành quyết định nêu trên là UBND xã chứ không phải cá nhân Chủ tịch UBND xã nên không đúng với quy định của pháp lệnh. Mặt khác, Điều 41 Pháp lệnh quy định chỉ có Chủ tịch UBND xã mới có thẩm quyền ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu Phó chủ tịch UBND xã ký thì phải có sự ủy quyền của Chủ tịch nhưng hầu hết các quyết định xử phạt đều do Phó chủ tịch UBND xã ký mà không có sự ủy quyền của Chủ tịch.

Thứ hai, các căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không chính xác và có hiện tượng căn cứ vào các văn bản đã hết hiệu lực. Điển hình phần căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã T.T huyện L.V ghi: Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 05/7/1994, Căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 19/7/1994… Đây là những văn bản áp dụng cũ đã được sửa đổi bổ sung và thay thế. Nên việc căn cứ vào các văn bản pháp lý đã hết hiệu lực và được sửa đổi bổ sung này là không đúng quy định.

Thứ ba, trong những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính phức tạp không phải là hình thức xử phạt thủ tục đơn giản theo Điều 54 Pháp lệnh quy định thì các quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi được ban hành đều phải căn cứ vào biên bản về vi phạm hành chính (Điều 55 Pháp lệnh). Nhưng các quyết định xử phạt hầu hết không căn cứ vào biên bản này thậm chí bỏ qua việc lập biên bản vi phạm hành chính đã vội ban hành quyết định xử phạt khi chưa có căn cứ. Ngoài ra các biên bản vi phạm hành chính không được ghi cụ thể rõ ràng, thủ tục ký vào biên bản vi phạm hành chính cũng nhiều sai sót. Nhưng người có tên trong biên bản không ký đầy đủ, ghi sai họ tên…

Thứ tư, về hình thức quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn nhầm lẫn. Một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành theo hình thức của một văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 09/2007/QĐ-UBND của UBND xã L.T đúng theo quy định phải là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 09/QĐ-UBND. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được ban hành dưới hình thức là văn bản hành chính thông thường nhưng một số quyết định UBND cấp xã lại ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ năm, theo Điều 3 Pháp lệnh quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Nhưng thực tế cho thấy một hành vi vi phạm hành chính thì UBND xã lại xử phạt đến hai, ba quyết định xử phạt cùng một hành vi.

Thứ sáu, không xác định được căn cứ chính xác từ các nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được ghi rõ điều, khoản làm cơ sở cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ bảy, Khoản 4, Điều 3 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Như vậy, nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người sẽ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số thứ tự khác nhau. Nhưng thực tế UBND xã lại ghép chung một số quyết định và sao chép ra cho nhiều người vi phạm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cùng một số thứ tự.

Thứ tám, thông thường sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng theo quy định của pháp luật thì nếu quá 01 năm thì xem như quyết định đó hết thời hiệu xử phạt. UBND cấp xã không cần thiết ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hiệu. Trên thực tế UBND cấp xã lại ban hành nhiều quyết định hủy bỏ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính gây mất thời gian và dư thừa công việc không cần thiết. Ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay các quyết định khác thì các quyết định bị hủy bỏ phải là các quyết định trái pháp luật.

Thứ chín, trong một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã còn áp dụng biện pháp khắc phục buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Điều này không đúng quy định pháp luật. Vì, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 không quy định buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại, bởi đây là một trong những quan hệ dân sự được giải quyết bằng sự thỏa thuận hoặc tố tụng tại Tòa án, do đó, việc buộc bồi thường thiệt hại trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã là trái với quy định của Pháp lệnh.

Đây có thể là những sai sót phổ biến trong công tác thực thi, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở cấp xã do chưa chú trọng trong công tác nghiên cứu ban hành các quyết định theo quy định của pháp luật. Để khắc phục những sai sót trên cần có sự tìm hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành cùng các văn bản pháp lý nhằm ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày càng chính xác, đúng luật./.    

Nguyễn Thanh Xuân

1900.0191