Thủ tục gia nhập UNIDROIT và quyền lợi của Việt Nam khi là thành viên tổ chức này

Thủ tục gia nhập UNIDROIT và quyền lợi của Việt Nam khi là thành viên tổ chức này

29/03/2009

Tiếp theo 02 bài đã đăng về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT) cũng như chính sách và thành tựu lập pháp của Viện, chúng tôi xin giới thiệu bài thứ 3, trình bày thủ tục gia nhập UNIDROIT và phân tích quyền lợi của Việt Nam khi trở thành thành viên tổ chức này. Hy vọng những ý kiến của tác giả sẽ phần nào được các cơ quan có liên quan của Việt Nam cân nhắc, tham khảo trong quá trình nghiên cứu gia nhập các tổ chức quốc tế về pháp luật và tư pháp, trong đó có Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư.
1. Thủ tục gia nhập UNIDROIT:

Thủ tục gia nhập UNIDROIT được quy định tại Điều 20 của Điều lệ của tổ  chức này, cụ thể là:

– Quốc gia muốn gia nhập UNIDROIT phải gửi một thông báo bằng văn bản tới Chính phủ Italia về việc gia nhập của mình;

– Việc gia nhập có hiệu lực 06 năm và đương nhiên được kéo dài thêm một thời hạn là 6 năm nữa, nếu không có tuyên bố bãi ước bằng văn bản ít nhất một năm trước ngày gia hạn thời hạn mới.

– Thông báo gia nhập và thông báo bãi ước phải được Chính phủ Italia thông báo tới Chính phủ các nước thành viên.

2. Quyền lợi của nước thành viên UNIDROIT:

Được tham gia vào việc bàn và quyết định Chương trình làm việc của UNIDROIT;

– Được tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo các Công ước quốc tế.

– Các nước thành viên được chỉ định một thư viện trong nước và thư viện này được nhận mọi ấn phẩm của UNDROIT.

3. Quyền lợi của Việt Nam khi trở thành thành viên UNIDROIT

Việc gia nhập UNIDROIT sẽ mang lại thuận lợi cho nước ta ở 3 phương diện sau:

– Với tư cách là một nước thành viên, chúng ta được quyền tham gia vào việc bàn và quyết định Chương trình, Kế hoạch làm việc lâu dài và hàng năm của UNIDROIT. Cụ thể, chúng ta có thể chủ động đưa những nhu cầu nghiên cứu, nhu cầu về thống nhất và hài hoà hoá pháp luật tư vào Chương trình làm việc của UNIDROIT. Bên cạnh đó, với quyền được tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo các Công ước quốc tế, chúng ta có thể chủ động thể hiện các quan điểm của Việt Nam vào Dự thảo các Công ước quốc tế do UNIDROIT chuẩn bị.

– Chúng ta có thể chỉ định các thư viện của Việt Nam là các cơ quan sẽ được nhận các ấn phẩm của UNIDROIT và có thể khai thác thư viện này phục vụ công tác lập pháp trong nước để những văn bản mới hoặc sẽ được ban hành của Việt Nam có thể hài hoà hoá dần với pháp luật của các quốc gia thành viên và các quốc gia khác trên thế giới, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tài liệu do UNIDROIT cung cấp có thể tổ chức khai thác để phục vụ việc xây dựng pháp luật trong nước. Hiện tại, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã nhận được một số ấn phẩm của UNIDROIT như "Các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế" (bằng bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Việt); "Hướng dẫn tổ chức hệ thống phân phối độc quyền" (tiếng Anh); Công ước Cape Town về đăng ký bảo đảm đối với các thiết bị có giá trị cao (Máy bay, tàu thuỷ, Satelit…), Luật mẫu của Hoa Kỳ về giao dịch bảo đảm; Luật mẫu của UNCITRAL về  ký các giấy báo thu trong thương mại quốc tế (tiếng Anh); Nguyên tắc và quy tắc hài hoà hoá luật về tố tụng dân sự liên quốc gia (tiếng Anh); Tạp chí của Viện UNIDROIT về thực tiễn áp dụng các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế tại Toà án trọng tài quốc tế (tiếng Anh và tiếng Pháp). Những tài liệu này có thể được sử dụng tham khảo trong quá trình soạn thảo pháp luật, cũng như phục vụ công tác giảng dạy, bồi dưỡng pháp luật. Đặc biệt cuốn “Những nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế” có thể khai thác để phục vụ việc xây dựng phần hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự sửa đổi và để phục vụ việc sửa đổi Luật Thương mại trong thời gian tới. Cuốn sách “Dự thảo về nguyên tắc và quy tắc tố tụng dân sự xuyên quốc gia” có thể tổ chức nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự cũng như làm tài liệu giảng dạy bồi dưỡng thẩm phán, đặc biệt các thẩm phán có nhiệm vụ xét xử các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài.

– Một trong những lĩnh vực hoạt động của UNIDROIT là cấp học bổng nghiên cứu và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế.  Trong những năm qua, các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đã được thụ hưởng từ các hoạt động phát triển nguồn nhân lực của tổ chức này. Một số công chức và các nghiên cứu viên của Việt Nam đã nhận được một số học bổng ngắn hạn để nghiên cứu và học tập tại UNIDROIT. Nếu Việt Nam  gia nhập UNIDROIT, trước mắt chúng ta có thể khai thác chương trình cấp họcbổng của Bạn để cử cán bộ trẻ đã có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, tài chính quốc tế, thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thuộc các cơ quan nghiên cứu cũng như các cơ quan xây dung, áp dụng pháp luật thương mại, kinh tế, tài chính quốc tế đi  thực tập ngắn hoặc dài hạn tại UNIDROIT. Về lâu dài, khi đã là thành viên của UNIDTOIT, Việt Nam có thể thiết lập các chương trình, dự án hợp tác lâu dài hơn với tổ chức này. Các hình thức hợp tác có thể đa dạng, phong phú, như trao đổi chuyên gia giữa Việt Nam với UNIDROIT và với các nước thành viên tổ chức này;  tiến hành các nghiên cứu chung; hỗ trợ kỹ thuật cho các hội thảo, các khoá tập huấn chuyên đề của Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho việc hoàn thiện  và hài hoà hoá pháp luật tư, đặc biệt là pháp luật kinh tế, thương mại của Việt Nam v.v….

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tư pháp

_____________________________

 Các bài liên quan:

  • Viện quốc tế về Nhất thể hoá pháp luật tư: Chính sách và thành tựu lập pháp
  • Viện quốc tế về Nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT)
  • Đề xuất thành lập Viện đào tạo pháp luật quốc tế La Hay
  • Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại
  • Tổng quan về Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế
  • Các Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
  • Vai trò, chức năng của Bộ Tư pháp Italia trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp: Gợi mở một số ý tưởng về  đa dạng hoá nội dung hợp tác pháp luật của Bộ Tư pháp Việt Nam
  • Vai trò, chức năng của Bộ Tư pháp Liên bang Thuỵ Sỹ trong việc tham gia các thiết chế; ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về hợp tác pháp luật và tư pháp
1900.0191