Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp: Cần lắng nghe xã hội, nếu muốn có văn bản tốt

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp: Cần lắng nghe xã hội, nếu muốn có văn bản tốt

17/12/2008

Chỉ riêng trong năm 2008, dư luận xã hội đã hai lần “sốc” trước sự ra đời của các Quyết định 16,17 của Bộ Giao thông vận tải và Quyết định 33, 34 của Bộ Y tế. Tuy rằng, khác cơ quan ban hành, nhưng những văn bản đó lại đều gặp nhau ở một điểm là không đảm bảo được tính hợp pháp, tính thống nhất hay tính khả thi… khi điều chỉnh những lĩnh vực có mối liên hệ rất quan trọng đối với đời sống thường nhật của người dân. Và, tiếc rằng đây không phải là chuyện hiếm trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản của các Bộ, ngành, địa phương hiện nay. Là người trực tiếp “đứng mũi chịu sào” để đảm bảo vấn đề chất lượng cho văn bản, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp đã có đôi lời trao đổi về nguyên nhân cũng như những giải pháp khắc phục tình trạng này.

Không thể không thừa nhận sự yếu kém…

– Thưa ông, như ông đã biết, trong thời gian gần đây đã xảy ra tình  trạng một số  VBQPPL của các Bộ, ngành bị dư luận xã hội phản ứng vì không phù hợp với thực tế. Dường như đây là thực tế thường xảy ra trong công tác ban hành VBQPPL của các Bộ, ngành và địa phương hiện nay, thưa ông?

– TS Lê Hồng Sơn: Đúng, đây là một thực tế đã và đang xảy ra trong hoạt động ban hành VBQPPL của một số Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, không phải là hiện tượng phổ biến. Đơn cử, trong công tác ban hành VBQPPL của UBND và HĐND cấp tỉnh, theo số liệu thống kê năm 2005, các văn bản do hai cơ quan này ban hành đã được kiểm tra là 129.989 văn bản. Trong đó, số văn bản trái pháp luật là 2.826 văn bản, thuộc tất cả các lĩnh vực như xử lý vi phạm hành chính, ưu đãi đầu tư, biên chế, công chức, công vụ, phí, lệ phí, đất đai, nông nghiệp… Những VBQPPL sai trái thường phạm vào một trong 5 “lỗi” cơ bản là: sai về căn cứ ban hành văn bản; sai về thẩm quyền ban hành văn bản; sai tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; sai về thể thức, kỹ thuật trình bày; sai về thủ tục xây dựng, ban hành, đăng công báo công bố văn bản. Cá biệt, đã có những văn bản phạm tới trên hai “lỗi” sai.

– Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng sai phạm này?

– TS Lê Hồng Sơn: Theo tôi, những VBQPPL bị dư luận phản ứng và bị giới thông tin truyền thông “chỉ mặt, điểm tên” ra những lỗi sai, thường là những văn bản không đảm bảo được tính hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi. Riêng về vấn đề văn bản thiếu tính khả thi, thì nguyên nhân có thể khẳng định do những cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng văn bản thiếu sự tìm hiểu thực tế xã hội, đặc biệt sự phát triển không ngừng của các quan hệ dân sự. Mặt khác, trong quy trình soạn thảo đã coi nhẹ khâu tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, nhân dân, nhất là của những đối tượng sẽ trực tiếp bị những quy phạm trong văn bản điều chỉnh. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là trình độ tham mưu của các cơ quan soạn thảo. Không thể không thừa nhận sự yếu kém  về kiến thức thực tế, lẫn trình độ pháp lý của đội ngũ tham mưu này. 

Hệ quả không hay khi pháp chế bị xem nhẹ

Ở góc độ cơ quan kiểm tra văn bản, ông có đánh giá gì về vai trò của tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành và tư pháp địa phương trong công tác ban hành VBQPPL hiện nay? Có vẻ như ở nhiều nơi, nhiều lúc, tiếng nói của tổ chức pháp chế chưa được coi trọng trong quá trình từ hình thành, soạn thảo cho đến thẩm định, ban hành văn bản?

– TS Lê Hồng Sơn: Trước tiên, phải khẳng định tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và tư pháp địa phương đã dần khẳng định vai trò của mình trong công tác xây dựng, thẩm định và kiểm tra văn bản. Chất lượng văn bản ban hành ngày càng cao đã chứng minh được điều này. Tuy nhiên, cũng cần phải nói tới một thực tế đáng buồn là, tại một số cơ quan, địa phương khi xây dựng văn bản đã bỏ qua những quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, vai trò của pháp chế cũng bị xem nhẹ, dẫn đến việc không coi trọng ý kiến thẩm định của tổ chức này. Kinh nghiệm đã cho thấy, những cơ quan, địa phương có tỷ lệ VBQPPL tốt, ít sai sót là những nơi đã chấp hành nghiêm chỉnh luật định và tổ chức pháp chế được tham gia ngay từ khâu đầu tiên cho tới khâu cuối cùng của quy trình soạn thảo, ban hành văn bản.

            Nhưng, cũng cần phải lưu ý thêm về thực trạng của các tổ chức pháp chế hiện nay. Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà rất nhiều các tổ chức pháp chế tới giờ vẫn chưa thể thoát khỏi “chiếc vòng kim cô” thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng của VBQPPL

Tới đây, nhằm hạn chế tình trạng VBQPPL kém chất lượng, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ có động thái gì trong các hoạt động rà soát, kiểm tra văn bản đối với Bộ, ngành và địa phương?

TS Lê Hồng Sơn: Nhằm hạn chế tình trạng VBQPPL kém chất lượng, về phía mình, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động đặc thù của Cục, cũng như nâng cao chất lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản. Nhưng, vấn đề hiện nay tôi tâm đắc nhất đó là những người là công tác xây dựng và kiểm tra văn bản nhất thiết phải theo sát dư luận, phản biện xã hội về tình hình xung quanh hoạt động ban hành, thực thi văn bản. Vì, thực tế đã cho thấy rất nhiều các “sự kiện” gần đây liên quan đến VBQPPL như Quyết định 16 và 17 của Bộ GTVT, Quyết định 33 và 34 của Bộ Y tế…đã được phát hiện và kịp thời sửa sai đều nhờ vào sự nhanh nhậy của các cơ quan truyền thông đại chúng phản ánh dư luận xã hội. Bản thân tôi cũng đã tự đặt ra cho mình một “nhiệm vụ” nho nhỏ là mỗi ngày dù bận mấy cũng phải dành ra khoảng 1 giờ đồng hồ để theo dõi báo chí, để tránh bỏ sót những tin tức liên quan.

Văn bản kém chất lượng sẽ giảm nhanh, nhiều nếu…

Và, ông có lời khuyên gì cho các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản để cải thiện tình hình?

– TS Lê Hồng Sơn: Tôi có 3 điều ngắn gọn lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản thế này: Thứ nhất trước khi bắt tay vào xây dựng một văn bản để điều chỉnh lĩnh vực nào đó, nhất thiết phải nắm bắt được thực tiễn kinh tế-xã hội nói chung và thực tiễn lĩnh vực đó nói riêng. Khi nắm được thực tiễn, sẽ biết được nó vận hành như thế nào, có yêu cầu gì thì mới có thể điều chỉnh được. Tiếp đến, khi xây dựng văn bản, các cơ quan soạn thảo cần nắm vững pháp luật quy định như thế nào từ trước đến nay, từ trên xuống dưới về lĩnh vực mình quan tâm để tránh tình trạng xung đột pháp luật, hoặc sai thể thức, thẩm quyền, nội dung…Cuối cùng, khi soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản, các cơ quan, địa phương nhất thiết chú trọng các quy định của Luật Ban hành VBQPPL về thể thức, quy trình, kỹ năng soạn thảo…Đặc biệt, không được xem nhẹ tính dân chủ thể hiện qua khâu lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội, nhân dân, những đối tượng sẽ chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản.

            Những yêu cầu trên đây theo tôi chính là thước đo chất lượng, tiền đề vật chất để nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản. Nếu các cơ quan soạn thảo, thẩm định, ban hành làm tốt được những yêu cầu này, tôi tin rằng con số VBQPPL kém chất lượng chắc chắn sẽ còn giảm đi rất nhanh và nhiều.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Hoa

1900.0191