Tìm hiểu quy định các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

1. Giới thiệu về Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa



Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt làBLHS Trung Quốc) được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá V, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 01/7/1979 có hiệu lực thi hành từ 01/01/1980. Đến nay, BLHS Trung Quốc đã bổ sung, sửa đổi 6 lần: Lần 1 – lần bổ sung, sửa đổi toàn diện nhất vào tháng 3/1997 tại kỳ họp thứ 5, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá VIII; lần 2 ngày 25/12/1999 tại Hội nghị lần thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá IX; lần 3 ngày 31/8/2001 tại Hội nghị lần thứ 23 của Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá IX; lần 4 ngày 29/12/2001 tại Hội nghị lần thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa IX; lần 5 ngày 28/12/2002 tại Hội nghị lần thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa IX; lần 6 ngày 28/02/2005 tại Hội nghị lần thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ X.



Bộ luật Hình sự Trung Quốc có kết cấu 2 phần (Phần chung và Phần các tội phạm), 15 chương, 37 mục với 452 điều luật. Phần chung gồm 5 chương, 20 mục, 101 điều (từ Điều 01 đến Điều 101) quy định về: Nhiệm vụ, nguyên tắc cơ bản, phạm vi áp dụng; tội phạm, hình phạt và các vấn đề khác. Phần các tội phạm gồm 10 chương, 17 mục và 351 điều luật (từ Điều 102 đến Điều 452) quy định các tội phạm cụ thể được sắp xếp trong các chương tội khác nhau: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm trật tự an toàn công cộng, tội xâm phạm trật tự kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa…



Trong phạm vi bài viết này, tác giả tìm hiểu và giới thiệu quy định về các tội phạm ma tuý trong BLHS Trung Quốc; từ đó, đưa ra những kiến giải hoàn thiện các quy định về tội phạm trong BLHS Việt Nam thời gian tới.



2. Một số quy định về các tội phạm ma túy của Bộ luật Hình sự Trung Quốc và hướng hoàn thiện các quy định này của Bộ luật Hình sự Việt Nam



Các tội phạm ma tuý của BLHS Trung Quốc được quy định tại mục 7 – tội buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma tuý, Chương VI Phần các tội phạm, gồm 11 điều luật cụ thể (từ Điều 347 đến Điều 357), nhiều hơn BLHS Việt Nam 2 điều. Qua nghiên cứu, chúng tôi xin đề cập đến một số nội dung như sau:



2.1. Khái niệm chất ma tuý và số lượng chất ma tuý



Đây là những căn cứ cơ bản, cơ sở vô cùng quan trọng để đấu tranh với tội phạm ma tuý. Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định hai khái niệm này rất rõ ràng tại Điều 357: “Thuật ngữ “chất ma tuý” được nói trong Bộ luật này là chỉ thuốc phiện, heroin, mêtylanilin, cây gai, côcain và thuốc gây mê, thuốc thần kinh có thể gây nghiện do Nhà nước quản lý” và “Số lượng ma tuý tính theo số lượng thực tế buôn lậu, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép khi kiểm tra, chứ không tính theo hàm lượng”. Quy định này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các cơ quan chức năng xử lý các tội phạm về ma tuý. Do đó, cơ quan chức năng chỉ cần xác định vật chứng thu giữ là chất ma tuý và có đủ trọng lượng để xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để xác định ở khung hình phạt cần áp dụng; còn việc xác định hàm lượng ma tuý ở Trung Quốc không đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án. So với quy định của Việt Nam, mặc dù không quy định trong BLHS, nhưng tại tiểu mục 1.1 và 1.4 mục 1, phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC -BTP ngày 24/12/2007, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII – Các tội phạm về ma tuý lại quy định: “Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma tuý do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau…” và “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Thông qua công tác nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, chúng tôi đề xuất BLHS Việt Nam cần quy định khái niệm chất ma tuý và định lượng chất ma tuý thành một Điều luật riêng, ngay phần đầu Chương XVIII. Mặc dù Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP quy định xác định hàm lượng chất ma tuý, nhưng đây là quy định hình thức, việc xác định hàm lượng chất ma tuý trên thực tế hoàn toàn khó khăn, đặc biệt đối với các cơ quan giám định cấp tỉnh. Vì vậy, trong BLHS Việt Nam cần bổ sung cụm từ “không tính theo hàm lượng” mà chỉ tính theo trọng lượng thực tế.



2.2. Về tội buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma tuý



Tại Điều 347 cuả BLHS Trung Quốc quy định: “Người nào buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma tuý không kể số lượng nhiều hay ít đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý hình sự”. Theo quy định, chính quyền Trung Quốc xử lý rất nghiêm đối với hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma tuý. Cụ thể:



Tội danh buôn lậu ma tuý được các nhà làm luật Trung Quốc không quy định cùng trong tội buôn lậu thuộc mục 2 Chương III Phần các tội phạm của BLHS Trung Quốc; không xây dựng là tình tiết định khung tăng nặng như quy định của BLHS Việt Nam tại điểm đ khoản 2 Điều 194, mà được xây dựng thành tội danh ghép trong Điều 347 cùng với 3 tội danh khác. Bộ luật Hình sự Trung Quốc có quy định tội danh buôn lậu chất ma tuý, trong khi đó BLHS Việt Nam chưa có tội danh này. Theo chúng tôi, cần bổ sung tội danh buôn lậu ma tuý trong BLHS nước ta, vì: Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng nảy sinh yếu tố tiêu cực, là điều kiện thuận lợi để tội phạm buôn lậu ma tuý thực hiện vào Việt Nam và tội phạm trong nước thực hiện buôn lậu ma tuý ra nước ngoài. Mặt khác, quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm đ khoản 2 Điều 194 của Bộ luật Hình sự chưa đảm bảo cho hoạt động đấu tranh, chống tội phạm buôn lậu ma tuý đạt hiệu quả như mong muốn.



Đối với các tội danh: Mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma tuý. Về yếu tố định lượng chất ma tuý trong Điều 347 Bộ luật Hình sự Trung Quốc, không yêu cầu xác định trọng lượng, chỉ cần xác định đó là ma tuý là đủ yếu tố cấu thành tội phạm. So với quy định tại Điều 194 của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì tội danh vận chuyển chất ma tuý ở Trung Quốc bị xử lý nghiêm khắc hơn ở Việt Nam. Đó là, khi xử lý đối tượng phạm tội vận chuyển ma tuý theo quy định của BLHS Trung Quốc không cần xác định trọng lượng tối thiểu chất ma tuý, nhưng theo quy định tại Điều 194 của BLHS Việt Nam khi xử lý về tội vận chuyển chất ma tuý yêu cầu phải xác định trọng lượng tối thiểu chất ma tuý. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.6 mục 3 Phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì tùy từng loại ma tuý có số lượng nhất định: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca có trọng lượng từ 01 gram trở lên; Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ 0,1 gram trở lên… thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển chất ma tuý.



Về loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Trong quy định tại Điều 347 của BLHS Trung Quốc, hành vi mua bán, vận chuyển thuốc phiện có trọng lượng từ 1000 gram trở lên; heroin hoặc metylanilin từ 50 gram trở lên hoặc các chất ma tuý khác với số lượng lớn thì bị phạt tù 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình và bị tịch thu tài sản. Tuy nhiên, cùng với trọng lượng ma tuý như vậy thì tại Điều 194 của BLHS Việt Nam quy định mức hình phạt là 7 đến 15 năm tù hoặc 12 đến 20 năm tù, không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Hình phạt bổ sung tại khoản 5 Điều 194 của BLHS Việt Nam là “có thể” nhưng BLHS Trung Quốc quy định “và bị tịch thu tài sản”. Rõ ràng, về phần hình phạt thì BLHS của Trung Quốc quy định nghiêm khắc hơn BLHS của Việt Nam.



2.3. Về hành vi bao che cho người phạm tội buôn lậu, mua bán, vận chuyển, sản xuất chất ma tuý



Cả hai BLHS Việt Nam và Trung Quốc đều quy định về đồng phạm. Nhưng trong khi BLHS Việt Nam chưa quy định về hành vi bao che thì BLHS Trung Quốc đã quy định hành vi bao che cho các phần tử phạm tội buôn lậu, mua bán, vận chuyển, sản xuất chất ma tuý, hoặc cất giấu, di chuyển, che đậy hoặc tiền của do phạm mà có tại Điều 349. Đồng thời, quy định phạt nặng đối với người có nhiệm vụ phòng chống ma tuý hoặc nhân viên trong các cơ quan nhà nước khác mà có hành vi “bảo kê”, bảo vệ, bao che cho kẻ phạm tội buộn lậu, mua bán, vận chuyển, sản xuất chất ma tuý. Quy định trên đây thể hiện chính sách đấu tranh không khoan nhượng của nhà nước Trung Quốc đối với tội phạm ma tuý, người có hành vi bao che, giúp đỡ cho tội phạm ma tuý. Theo chúng tôi, BLHS Việt Nam cần bổ sung quy định này.



2.4. Về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trồng cây thuốc phiện và các loại cây khác có chứa chất ma tuý



Tại Điều của 192 BLHS Việt Nam quy định người phạm tội đồng thời phải thoả mãn 4 điều kiện: 1. Có hành vi thực tế trồng cây có chứa chất ma tuý; 2. Đã được giáo dục nhiều lần; 3. Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và 4. Đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Khác với Việt Nam, theo quy định tại Điều 351 của BLHS Trung Quốc thì cơ quan chức năng chỉ cần xem xét hành vi của người vi phạm thoả mãn 1 trong 3 điều kiện: 1. Số lượng cây trồng từ 500 cây đến 3000 cây anh túc hoặc cây nguyên liệu chất ma tuý khác với số lượng tương đối lớn; 2. Sau khi bị cơ quan Công an xử lý lại tiếp tục trồng; 3. Chống cự việc phá bỏ là đủ yếu tố để xử lý hình sự người phạm tội. So sánh hai điều kiện xử lý cùng một tội danh như nêu trên cho thấy, điều kiện xử lý của BLHS Trung Quốc quy định nghiêm khắc hơn BLHS Việt Nam, thể hiện tinh thần đấu tranh triệt để đối với tội phạm ma tuý của chính quyền Trung Quốc.



Ngoài ra, BLHS Trung Quốc có quy định về việc xử lý người có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hạt giống, cây giống các cây nguyên liệu sản xuất chất ma tuý chưa bị diệt mầm sống, với số lượng tương đối lớn tại Điều 352. Việc quy định tội danh này để xử lý triệt để hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý ở Điều 351. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam không có quy định này. Theo chúng tôi, quy định này của BLHS Trung Quốc mang tính triệt để hơn, tiến bộ hơn BLHS Việt Nam.



2.5. Tội danh đối với người được giao các công việc sản xuất, vận chuyển, quản lý, sử dụng thuốc gây mê, thuốc thần kinh do Nhà nước quản lý



Trong khi BLHS Việt Nam chưa có quy định thì Điều 355 của BLHS Trung Quốc quy định: “Người nào được giao các công việc sản xuất, vận chuyển, quản lý, sử dụng thuốc gây mê, thuốc thần kinh do Nhà nước quản lý mà vi phạm quy định của Nhà nước… thì bị phạt tù đến 3 năm…”, theo chúng tôi, đây cũng là quy định mà các nhà làm luật Việt Nam cần ghi nhận, học tập để pháp điển hoá trong BLHS Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ, những hành vi của nhóm người có hành vi này đang vi phạm khá nhiều trên thực tế, hậu quả từ hành vi vi phạm này chưa được quy trách nhiệm rõ ràng, thoả đáng. Mặt khác, quy định này nhằm răn đe, phòng ngừa đối với chủ thể có chức năng quản lý các chất ma tuý không đúng mục đích, vi phạm công tác chuyên môn.



Từ những so sánh, đối chiếu trên đây, chúng tôi cho rằng BLHS Việt Nam cần được hoàn thiện hơn. Cụ thể: Quy định khái niệm chất ma tuý, trọng lượng chất ma tuý, không quy định xác định hàm lượng chất ma tuý; bổ sung tội danh buôn lậu ma tuý; bổ sung tội danh bao che cho người có hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển, sản xuất chất ma tuý; bổ sung tội danh truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hạt giống, cây giống hoặc các cây có chứa chất ma tuý chưa bị diệt mầm sống; bổ sung tội danh đối với người được giao các công việc sản xuất, vận chuyển, quản lý, sử dụng thuốc gây mê, thuốc thần kinh do Nhà nước quản lý.



Đỗ Mạnh Quang



Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu





1900.0191