Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở: Cây cầu nối những niềm vui

Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở: Cây cầu nối những niềm vui

04/12/2008

Hoà giải ở cơ sở (HGCS) không chỉ là việc giúp các bên tự nguyện giải quyết những tranh chấp nhỏ để giữ gìn ổn định trong cộng đồng dân cư, mà còn là một thủ tục tiền tố tụng để Toà án xác định điều kiện cần và đủ khi thụ lý giải quyết các tranh chấp như tranh chấp đất đai, lao động… Vì thế, trong suốt 10 năm qua, chất lượng hoạt động của các Tổ hoà giải ở địa phương luôn được củng cố, kiện toàn, phát triển và nâng cao.
Đi sâu vào cộng đồng

Với phương châm “bám sát cộng đồng”, mô hình Tổ hoà giải đã có sự phát triển hết sức phong phú, đa dạng, phổ biến nhất là mô hình Tổ hoà giải được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố. Tổ hoà giải còn được thành lập ở các khu phố (TP. HCM, Lâm Đồng, Quảng Ninh…); khu chợ, khu vui chơi, giải trí, điểm du lịch (Hà Nội, Quảng Nam, Cần Thơ), trong dòng họ (Bắc Ninh), ở các điểm chùa Kh’me (Cần Thơ, Hậu Giang) hoặc thành lập lồng ghép với Tổ an ninh nhân dân (Điện Biên), lồng ghép với Tổ dân phố (TP. HCM)…

Theo đánh giá của người dân thì những mô hình trên phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, các HGV là những người sống cùng thôn xóm, có uy tín, được chính nhân dân bầu chọn, am hiểu về đời sống người dân ở địa bàn, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh và tổ chức hoà giải các tranh chấp, mâu thuẫn đó.

Ngoài ra, có 23 tỉnh, thành phố trung ương, tổ chức hoà giải được thành lập theo 2 cấp: Tổ hoà giải ở thôn, tổ dân phố và Ban hoà giải (Hội đồng hoà giải) ở xã, phường, thị trấn. Ban hoà giải cấp xã có nhiệm vụ hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp mà Tổ hoà giải không hoà giải được chuyển lên hoặc trực tiếp phối hợp cùng Tổ hoà giải hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, có liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật. Đặc biệt, từ khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành, trong đó quy định việc hoà giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã là một thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp đất đai càng khẳng định tính ưu việt của mô hình này và cũng tạo cơ sở pháp lý để mô hình này phát triển ở nhiều địa phương.

Vì tình nghĩa cộng đồng

Những năm qua, cùng với sự vận động phát triển của xã hội, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân cũng tăng lên, tính chất mâu thuẫn, tranh chấp cũng đa dạng và phức tạp hơn. Nhưng đa số Tổ hoà giải trong cả nước hoạt động hiệu quả. Hàng triệu mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân được các HGV kịp thời, kiên trì hoà giải một cách khách quan, công minh, thấu tình, đạt lý, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp đó. Một trong những yếu tố quan trọng đem lại kết quả này chính là sự đóng góp của đội ngũ HGV.

Họ đã không quản ngại vất vả, khó khăn, tận tâm, nhiệt tình, luôn tìm mọi cách hàn gắn những rạn nứt về tình cảm; vun đắp sự hoà thuận trong từng gia đình, làng xóm. Công tác hoà giải góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, số lượng lớn vụ việc không phải  đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước, tiết kiệm công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh giá trị vật chất thì giá trị tinh thần mà công tác hoà giải mang lại quả là vô giá, đó chính là những niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng hết sức gần gũi và thiêng liêng.

Chưa hết băn khoăn

Tuy nhiên, hoạt động hoà giải ở một số địa phương chưa thật hiệu quả, số vụ việc không hoà giải thành còn nhiều (khoảng 500.000 vụ), một số địa phương tỷ lệ hoà giải chưa cao (dưới 65%) như: Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đó cũng là hậu quả của việc chưa coi trọng vai trò của công tác HGCS, Tổ hoà giải hoạt động còn mang tính hình thức, chiếu  lệ hoặc bị hành chính hoá, việc bầu Tổ viên Tổ hoà giải ở một số địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật…

Mạng lưới hoà giải còn chưa đều, số lượng HGV còn hạn chế, chưa đủ sức đảm đương hết công việc. Bên cạnh đó, việc Pháp lệnh về hoà giải chỉ điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Tổ hoà giải nên dù Ban hoà giải cấp xã ở một số địa phương phát huy vai trò không nhỏ trong công tác HGCS nhưng vì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh về hoà giải, nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Một vấn đề nổi cộm nữa trong công tác HGCS là hầu hết các HGV đều không có trình độ chuyên môn về pháp luật. Nhiều HGV là người cao tuổi, hạn chế về sức khoẻ, ngược lại cũng không ít HGV trẻ tuổi lại thiếu kinh nghiệm sống. Điều này đã gây khó khăn cho các HGV khi thực hiện nhiệm vụ…

HGCS vẫn được coi là công việc “vác tù và hàng tổng” nhưng qua 10 năm, công tác này đã có những đóng góp to lớn cho xã hội. Đó là động lực để tiếp tục củng cố, phát triển công tác HGCS trong thời kỳ mới ở nước ta./.

Hương Giang

Tính đến tháng 6/2008, trên toàn quốc có 120.462 Tổ hoà giải/128.425 thôn, tổ dân phố với 623.157 HGV. So với trước khi có Pháp lệnh về hoà giải, số lượng Tổ hoà giải và HGV đã tăng khoảng 1,5 lần. Chất lượng của đội ngũ HGV ngày càng được nâng cao. Trong số 623.157 HGV có 375.140 người có trình độ văn hoá từ trung học cơ sở trở lên, và 123.807 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Hàng năm, đa số các HGV đều được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải.

Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tính từ năm 1999 đến năm 2008, tổng số vụ việc nhận hoà giải là 3.899.745 vụ, đã hoà giải thành 3.131.575 vụ đạt tỷ lệ 80,3%. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ hoà giải thành cao trên 85% như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hoà Bình, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Gia Lai, Đà Nẵng…

 

1900.0191