Tội dâm ô đồng tính có thể có trong Bộ luật hình sự 2018

Chuyên gia cho rằng cần bổ sung “tội dâm ô đồng tính” vào Bộ luật hình sự 2015 để theo kịp thực tiễn xã hội.

Ngày 5/5, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.Bàn về vấn đề xử lý hình sự với trẻ em 14-16 tuổi khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản. Nhưng đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em phải sử dụng nhiều biện pháp khác như giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự. “Tôi nghĩ nếu sớm bôi đen lý lịch tư pháp của lứa tuổi 14-16 các em khó có điều kiện để phát triển”, ông Đường nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng dự án luật cần phải cụ thể hóa, điều chỉnh một số quan hệ phát sinh để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục hiện Bộ luật Hình sự 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt là không phù hợp.

Luật sư Chiến nói: “Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ. Tuy vậy, bộ luật không thể quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô đồng tính chưa được quy định trong luật, cần bổ sung cho kịp thực tiễn xã hội”.

Bà Nguyễn Thanh Cầm (Trưởng ban Chính sách pháp luật Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phản ánh thực tế các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân và gia đình họ. Nhưng vì nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn. Kết quả là kẻ phạm tội được miễn truy cứu hình sự.

“Tôi đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội”, bà Cầm đề xuất.

Đừng ép luật sư phản thân chủ

Điều 19 dự án luật sửa đổi (tội không tố giác tội phạm) quy định luật sư và như người thân thích của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Chiến cho rằng quy định trên sẽ buộc luật sư phải đi tố giác thân chủ. Điều này trái với Luật Luật sư, quy tắc đạo đức của luật sư, xung đột với Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nghề luật sư.

“Nếu luật sư đi tố giác thân chủ chỉ một vụ thôi thì dư luận sẽ thế nào? Luật sư của thân chủ nếu đi tố giác thì sẽ là luật sư phản chủ, trong khi luật sư phải tuân thủ nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của thân chủ” – luật sư Chiến nêu quan điểm.

Theo Pháp luật TP HCM

1900.0191