MỘT SỐ VẤN ĐỀ SAI SÓT PHỔ BIẾN TRONG CÔNG TÁC XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
Xác định sai thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự
Trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
Có trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó đương sự khởi kiện lại (trừ trường hợp Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện).
Lẽ ra, trường hợp này Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS, nhưng Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án là trái pháp luật.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khoe, bà Cao Thị Kỵ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Thửa (Quyết định giám đốc thẩm số 12/DS-GĐT ngày 22/3/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao) cụ thể như sau: Diện tích 2.894m2 đất (cụ Nguyễn Thị Thửa đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 03-10-2000) hiện đang tranh chấp giữa ông Khoe, bà Kỵ với cụ Thửa đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm số 670/DSPT ngày 14-4-2004 của TAND thành phố H, trong đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã công nhận cụ Thửa có quyền sử dụng đất này (bản án phúc thẩm này không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nên vẫn có hiệu lực pháp luật). Sau đó, nguyên đơn đã khởi kiện lại. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý, giải quyết lại vụ án là không đúng quy định của pháp luật.