Triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TW tại Bộ Tư pháp: Kiến nghị huỷ bỏ các quy định gây khó cho kinh tế tư nhân
14/10/2009
Nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến kinh tế tư nhân do các Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp đều tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập đồng thời thực hiện nhiệm vụ góp ý, thẩm định dự thảo văn bản trước khi cơ quan soạn thảo trình Chính phủ thông qua hoặc xem xét, quyết định trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Với nhiệm vụ này, từ năm 2002 đến nay, Bộ Tư pháp tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành sửa đổi pháp luật theo hướng tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế. Chẳng hạn, Luật DN năm 2005 cho phép nhà đầu tư không kể trong nước hay nước ngoài đều có quyền lựa chọn đầu tư, kinh doanh vào những lĩnh vực ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, thực thi Luật trên, DN gặp phải những vướng mắc, lúng túng nhất định vì một số quy định của luật này chồng chéo và mâu thuẫn với Luật Đầu tư năm 2005. Bộ Tư pháp nhận định, việc xoá bỏ những quy định về giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề không cần thiết còn gặp nhiều khó khăn, tuỳ thuộc vào “thiện chí” của các Bộ, ngành. Một số Bộ, ngành chức năng viện dẫn nhiều lý lẽ để bảo lưu giấy phép hoặc nếu phải bổ sung chuyển đổi giấy phép nào đó sang điều kiện kinh doanh lại tìm cách biến tướng hoặc đưa ra những điều kiện ngặt nghèo, đặt DN và tình thế rất khó khăn. Vì vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị, cần phải xem xét lại tính hợp lý của các điều kiện đã được ban hành để loại bớt những điều kiện nếu sự tồn tại của chúng là vô lý.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế Dương Đăng Huệ thẳng thắn chia sẻ: Một khi ngành nghề kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực đầu tư có điều kiện chưa được ban hành bởi một cơ quan có thẩm quyền như luật định mà vẫn do các Bộ, ngành xây dựng và trình duyệt thì không thể tránh được tình trạng “quản được đến đâu, mở đến đó”! Ông Huệ cũng cho biết thêm, trong quá trình soạn thảo Luật DN, Bộ Tư pháp đã kiên quyết ủng hộ quan điểm mở rộng thêm một số hình thức tổ chức của DN, trong đó có hình thức công ty TNHH một thành viên là cá nhân. Hình thức công ty này nếu được ra đời sẽ tạo thêm một mô hình DN phù hợp với nguyện vọng và tâm lý của các nhà kinh doanh ở Việt Nam, góp phần thực hiện tinh thần tự do kinh doanh của Nghị quyết số 14.
Quán triệt tư tưởng khuyến khích kinh tế tư nhân
Về phần mình, trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chủ yếu điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi quản lý của ngành, Bộ Tư pháp rất chú trọng xây dựng nội dung của chúng quán triệt được các tư tưởng chỉ đạo, các quan điểm, chính sách của Đảng về khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Điều này được thể hiện rõ rệt qua các nội dung cơ bản trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, phi hình sự hoá một phần đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác ngoài nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và chuyển sang xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính. Ngoài ra, hình sự hoá 3 vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) gồm cố ý công bố thông tin sai lệnh và che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng TTCK.
Cũng trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ một số VBQPPL được ban hành có nội dung trái với tinh thần của Nghị quyết 14. Ví dụ, năm 2007, Bộ Tư pháp phối hợp với một số cơ quan liên quan đã kiến nghị để Bộ Giao thông vận tải huỷ bỏ một số quy định trong Quyết định số 16 và số 17 do Bộ này ban hành có nội dung trái với Luật Hợp tác xã, trái với Nghị quyết 14 về tôn trọng quyền sở hữu và quyền tự do góp vốn, tài sản vào hợp tác xã của các xã viên.
Thục Quyên