Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn: Chuyển luật về với dân

Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn: Chuyển luật về với dân

04/12/2008

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg (ngày 31/3/1998) và Quyết định số 1067/QĐ-TTg (ngày 25/11/1998) tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành TSLP ở xã, phường, thị trấn (TSPL cấp xã), đến nay, TSPL cấp xã đã thực sự là một trong những công cụ quan trọng để pháp luật thực sự phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao dân trí pháp lý, tăng cường pháp chế ở địa phương, cơ sở.

Hiện diện ở từng xã

Đến hết năm 2001, năm cuối cùng thực hiện mục tiêu trước mắt của Quyết định số 1067/QĐ-TTg, TSLP cấp xã đã được phủ rộng trên toàn quốc. Một số địa phương do có sự chia tách, thành lập đơn vị cấp xã nên chưa xây dựng được tủ sách ở 100% đơn vị cấp xã, nhưng nhìn chung cũng đạt từ 90% trở lên số đơn vị cấp xã có TSLP  (riêng Lai Châu đạt 81,63%). Đặc biệt, một số địa phương đã cố gắng, nỗ lực thành lập được số TSLP  nhiều hơn số đơn vị cấp xã như: An Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Cần Thơ…  Lực lượng biên phòng đã quan tâm xây dựng mô hình tủ sách, ngăn sách pháp luật đặt tại 100% các đồn, đại đội biên phòng.

Để các TSPL không chỉ là nơi để sách ở trụ sở UBND, các địa phương đã thể hiện sự năng động trong việc lựa chọn mô hình xây dựng và địa điểm đặt TSLP nhằm tạo điều kiện tiếp cận TSPL dễ dàng cho người dân. Vì thế đã có nhiều TSLP đặt ở điểm bưu điện văn hoá xã, thư viện cấp xã (Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Lâm Đồng…); TSLP trong chùa của đồng bào dân tộc Khơme (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang…); xây dựng mô hình Tủ sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (Lào Cai…); TSLP ở bản miền núi (Thanh Hoá…), TSLP ở nhà văn hoá thôn (Bắc Ninh…), TSLP tại thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư (Hà Nội, Bắc Cạn…), Tủ sách, ngăn sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học(Sóc Trăng, Gia Lai, Nam Định, Kiên Giang, Phú Thọ, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Định, Cần Thơ…) hoặc mô hình túi sách lưu động, gùi sách pháp luật ở các xã vùng sâu, vùng xa (Quảng Ngãi, Quảng Bình…), giỏ pháp luật ở các khu công nghiệp (Bình Dương…).

Hàng năm, các địa phương đều dành một khoản ngân sách để đầu tư cho TSLP (trung bình từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng/Tủ sách). Một số địa phương kết hợp chi từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện hoặc phê duyệt ngân sách bổ sung cấp cho ngành Tư pháp mua Tủ sách và sách pháp luật cấp phát cho TSLP cấp xã. Ngoài ra, một số địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Bình…) đã huy động nguồn đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, dự án nước ngoài, tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế trên địa bàn về tiền và sách pháp luật để xây dựng, bổ sung đầu sách cho Tủ sách theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Nhưng chưa tiệm cận thực tế…

Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 8/2008, trong 10 năm qua có 57.337.911lượt người người đến đọc, mượn sách, tài liệu pháp luật tại TSLP cấp xã. Con số này cho thấy TSPL chưa được khai thác triệt để, còn hình thức và chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Mục đích chính của TSPL là “để cung cấp tư liệu cho cán bộ chính quyền địa phương nghiên cứu, sử dụng, vừa tạo điều kiện để nhân dân có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước” nhưng thực tế đối tượng trực tiếp khai thác TSLP phần lớn là cán bộ, công chức UBND, tổ chức đoàn thể cơ sở, Tổ viên tổ hoà giải, cán bộ cấp thôn sử dụng để giải quyết công việc hàng ngày và phổ biến, hướng dẫn cho người dân tìm hiểu pháp luật; một số giáo viên, học sinh sử dụng sách, tài liệu pháp luật cho công tác dạy và học pháp luật trong nhà trường; còn đại đa số người dân chỉ… nhìn TSPL mỗi khi có việc đến UBND.

Đó là vì hiện nay, hầu hết TSLP được đặt ở trụ sở UBND cấp xã và mở cửa phục vụ vào giờ hành chính nên chưa thực sự thuận lợi cho nhân dân. Một số xã, nhất là ở miền núi chỉ làm việc một buổi trong ngày nên không bảo đảm được thời gian phục vụ của TSLP cho đông đảo nhân dân. TSPL chủ yếu được giao cho cán bộ T­ư pháp – Hộ tịch trực tiếp quản lý, một số ít TSLP do thành viên Ban Tư pháp, cán bộ văn hoá, cán bộ văn phòng UBND, công an xã, cán bộ đoàn thể…quản lý, trong khi đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở vẫn còn thiếu so với chức năng, nhiệm vụ chung và nghiệp vụ quản lý, khai thác TSPL nói riêng, nên thời gian và công sức đầu tư cho công tác TSLP còn ít, hiệu quả công tác quản lý, khai thác TSLP chưa cao.

Không những thế, số lượng đầu sách trong TSLP chưa nhiều, lại không được cập nhật thường xuyên; các Tủ sách ở vùng đồng bào dân tộc còn thiếu những sách, báo, tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số. Việc luân chuyển sách, báo, tài liệu pháp luật giữa TSLP  cấp xã và các loại hình tủ sách pháp khác còn bất cập.

Với hệ thống TSPL và những mô hình tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các địa phương, lần đầu tiên, chúng ta xây dựng được cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác một mạng lưới thiết chế văn hoá pháp lý trên phạm vi toàn quốc khá đồng bộ và được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành. Nhưng qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý TSLP cấp xã, vẫn còn nhiều việc phải làm để TSPL không phải chỉ là nơi “trưng” sách pháp luật đối với quần chúng nhân dân./.

Huy Anh

đến hết tháng 8/2008, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã triển khai xây dựng TSLP . Hiện cả nước có 11.263 TSLP  cấp xã/10.999 xã, phường, thị trấn, trong đó có 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng TSLP  ở 100% đơn vị cấp xã, trong số này có nhiều địa phương miền núi khó khăn như: Đăk Nông, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La…

(Theo Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)

 

1900.0191