Vấn đề ủy quyền trong đăng ký hộ tịch

Vấn đề ủy quyền trong đăng ký hộ tịch

14/01/2009

Uỷ quyền đăng ký hộ tịch là một trong những quy định mới của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm mục đích tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch khi không có điều kiện đến các cơ quan hành chính nhà nước đăng ký.
Theo đó tại Điều 10 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định đối tượng và những yêu cầu về uỷ quyền khi đăng ký hộ tịch như người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Trong trường hợp nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần phải có văn bản uỷ quyền.

Trước đây, Nghị định 83 về đăng ký hộ tịch không quy định việc uỷ quyền cho người khác thực hiện đăng ký hộ tịch nay với tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch Nghị định 158 quy định trong những trường hợp nhất định thì người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ và nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần phải có văn bản uỷ quyền. Với quy định chung như vậy hầu như công tác đăng ký hộ tịch phần nào được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện hơn cho người dân. Nhưng ngoài quy định chung Nghị định lại có quy định riêng đòi hỏi việc đăng ký hộ tịch phải do chính những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới thực hiện không chấp nhận các trường hợp ủy quyền đăng ký hộ tịch.

Tháng 4/2008, Ông Trần Văn Lâm đến UBND xã P.H yêu cầu cải chính năm sinh trong bản chính giấy khai sinh cháu nội của mình là Nguyễn Thị Loan từ sinh năm 2000 thành sinh năm 2001. Cán bộ hộ tịch xã nhận thấy ông Lâm không thuộc những trường hợp phải có văn bản uỷ quyền đăng ký hộ tịch tại Điều 10 Nghị định 158 nên thụ lý và giải quyết hồ sơ cải chính cho đương sự. Tháng 5/2008 chị Trần Thị Hoa đến UBND huyện yêu cầu xác định lại dân tộc trong bản chính giấy khai sinh em ruột mình là Trần Thị Lý, sinh năm 1993 từ dân tộc Kinh sang dân tộc Hoa cán bộ hộ tịch huyện từ chối yêu cầu trên vì chị Hoa không có quyền yêu cầu giải quyết việc đăng ký hộ tịch. Căn cứ Điều 38, Nghị định 158 thì việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do đó, việc thụ lý giải quyết yêu cầu của UBND xã P.H đối với trường hợp của ông Lâm là không đúng quy định pháp luật vì ông Lâm là ông nội thì không có quyền yêu cầu đăng ký hộ tịch dù có hay không giấy uỷ quyền của người cha hay mẹ theo Điều 38 Nghị định 158. Việc cán bộ hộ tịch huyện từ chối yêu cầu xác định lại dân tộc nêu trên là đúng quy định.

Như vậy trong những trường hợp nhất định về đăng ký hộ tịch như thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ không được uỷ quyền hay đăng ký thay và tuỳ vào trường hợp nhất định cán bộ hộ tịch giải quyết đúng theo quy định pháp luật hiện hành đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân./.

Nguyễn Thanh Xuân

1900.0191