(Kiemsat.vn) – Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Vận dụng đúng các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án hình sự, đồng thời thể hiện rõ chính sách “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục” trong xử lý hình sự của Nhà nước ta, cũng như bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa về hình phạt đối với người phạm tội. Do vậy, việc quy định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cần phải rõ ràng, chặt chẽ, dễ hiểu mới đảm bảo việc áp dụng được thống nhất.
Từ yêu cầu nói trên, xin đề xuất một số ý kiến về việc hướng dẫn đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” trong BLHS năm 2015 như sau:
1) Về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
“Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 và tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Thực tiễn xét xử các Toà án cũng thường áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, có không ít trường hợp do nhận thức hoặc do đánh giá không thống nhất nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không đúng pháp luật, không có tác dụng đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, gây bất lợi cho người phạm tội.
Tình tiết giảm nhẹ này đã được quy định từ BLHS năm 1985. Quá trình áp dụng còn vướng mắc nhiều, chủ yếu là về nhận thức dẫn đến áp dụng không thống nhất. Tuy trước đây đã có nhiều bài viết trao đổi trong các tạp chí chuyên ngành, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản giải thích hoặc hướng dẫn chính thức nào về tình tiết giảm nhẹ này. Chính vì vậy mà có nơi, có Thẩm phán thì chỉ coi người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng mới được hưởng tình tiết này; cũng có nơi, có Thẩm phán thì áp dụng cho cả trường hợp đồng phạm, giúp sức trong vụ án phạm tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Theo quan điểm cá nhân tôi “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” bao gồm hai nội dung đó là: “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Hai nội dung này là điều kiện cần và đủ để xác định có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không. Vì vậy, ngoài áp dụng cho những người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng còn phải áp dụng cho cả người lần đầu phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng có vai trò thứ yếu, không trực tiếp gây ra hậu quả.
Vấn đề này, đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể, tránh để kéo dài tình trạng áp dụng không thống nhất.
2) Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”
Tại điểm n khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 quy định tình tiết “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” và tại điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 quy định “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong thực tế áp dụng tuy không có vướng mắc lớn, nhưng điều luật quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ dẫn đến bỏ lọt một số trường hợp lẽ ra cần phải được áp dụng.
Đối với những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm nên không đề cập. Về hành vi xúi dục người dưới 16 tuổi phạm tội là vấn đề cần phải bàn, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, thì đối tượng gây án là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong giới hạn 29 tội danh. Như vậy, người chưa đủ 16 tuổi có thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, nhưng ngoài 29 tội danh này thì hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, có thể hiểu người xúi giục người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm các tội ngoài 29 tội danh theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, kể cả đối với trẻ em dưới 14 tuổi thực hiện bất kỳ hành vi nguy hiểm cho xã hội nào thì cũng không phải chịu tình tiết tăng nặng này, vì đối tượng họ xúi giục không phạm tội.
Qua phân tích như trên, có thể thấy cả điểm n khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 và điểm o khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015 còn bỏ lọt đối tượng phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “xúi giục trẻ em thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng”. Trong khi đó, xét về tính chất nghiêm trọng thì đối tượng là trẻ em bị xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi phạm tội nói riêng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển tâm, sinh lý của các em, dẫn dắt các em theo một lối xấu, khó khắc phục.
Do vậy, đểxử lý triệt để và thống nhất các hành vi xúi giục người dưới 16 tuổi tham gia các hành vi phạm tội, phục vụ tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần sửa đổi điểm o khoản 1 Điều 52 BLHSnăm 2015 theo hướng “Xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong BLHS” sẽ đầy đủ hơn và phù hợp với khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 của BLHS. Chỉ cần người nào đã thành niên phạm tội mà còn có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (tức là tham gia vào tội họ đã phạm), chứ không cần người bị xúi dục phải phạm tội thì người xúi giục cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng này./.
Khúc Lâm
Nguồn: VKSND tỉnh Quảng Ninh