Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp: Khó khăn cũng phải hoàn thành nhiệm vụ!

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp: Khó khăn cũng phải hoàn thành nhiệm vụ!

22/01/2008

Trong những ngày đầu tiên của năm 2008, PLVN đã có buổi trò chuyện với Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp để nghe ông tâm sự về những công việc của năm qua và những kỳ vọng cho một năm mới.

PV: Thưa ông, Vụ PLQT đã đạt được thành tựu gì đáng kể để đóng góp cho quá trình hoàn thiện pháp luật, phục vụ cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập quốc tế trong năm 2007?

Ông Hoàng Phước Hiệp: Năm 2006 để phục vụ cho việc Việt Nam gia nhập WTO, số lượng công việc của Vụ rất nhiều, đặc biệt là xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến những cam kết của WTO. Những công việc đó được chuyển sang năm 2007 với mức độ phức tạp hơn, nhất là việc hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước (TƯ và địa phươmg) và các Hiệp hội, DN trong thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO, cũng như yêu cầu của WTO đối với Việt Nam và cộng đồng kinh doanh ở Việt Nam. Ngay từ cuối năm 2006, đầu năm 2007, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Vụ đã tổ chức các lớp tập huấn 2 miền về những cam kết mới đạt được của Việt Nam với WTO, được đánh giá là có kết quả tốt, tạo ra cơ hội đầu tiên cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và đội ngũ luật sư tiếp cận và hiểu hơn về các cam kết này, góp phần thực thi tốt hơn các nhiệm vụ trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất mà Vụ PLQT đã đạt được trong năm qua là hoàn thành việc xây dựng Luật Tương trợ Tư pháp đúng thời hạn. Luật này đã được Quốc hội Khóa XII thông qua (tháng 11/2007) và sẽ có hiệu lực từ 01/07/2008. Đây là một thành công đáng tự hào của Vụ vì Luật Tương trợ Tư pháp là một trong hai văn bản của Bộ Tư pháp chuẩn bị được Quốc hội thông qua trong năm 2007, đồng thời là kết quả làm việc, phối hợp của 5 cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, TANDTC và VKSNDTC để thống nhất trong việc đưa ra những qui định điều chỉnh một lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ quốc tế nói chung và trong quan hệ tư pháp quốc tế nói riêng.

Năm 2007 là một năm có rất nhiều hoạt động liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPL có liên quan đến các cam kết của Việt Nam với WTO. Số lượng các ĐƯQT mà Vụ PLQT phải nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thẩm định, góp ý cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Vụ còn chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện hoạt động rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của WTO để có kiến nghị cần thiết đối với những VBQPPL chưa tương thích với các cam kết của Việt Nam với WTO, nhằm sửa đổi, bổ sung và ban hành mới VBQPPL để thực thi các cam kết này.

Vụ cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động của Nhà nước tại WTO, các tổ chức quốc tế và khu vực như tham gia đàm phán các Hiệp định trong ASEAN và các hiệp định đối tác kinh tế giữa ASEAN với các nước khác; tham gia đàm phán các Hiệp định song phương về kinh tế, thương mại với Nhật Bản, Nga… Đặc biệt, Vụ đã đề cử và được chấp nhận một cán bộ (đại diện của Bộ Tư pháp) làm thành viên phái đoàn của Việt Nam tại WTO. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tư pháp có đại diện tại phái đoàn của Việt Nam ở tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu.

Riêng đối với các DN, Vụ đã hỗ trợ họ trong đàm phán, ký kết các tài liệu dự án, hợp đồng với các tổ chức, cơ quan nước ngoài, xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh, góp phần giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quan hệ pháp luật Việt Nam và quốc tế, đóng góp phần mình vào xử lý các vụ việc tranh chấp quốc tế như các vụ tranh chấp liên quan đến vụ tàu Cần Giờ ở Tanzania, ở Vietnam Airlines, vụ gạo với Glenco…, hay hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam và Hội các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong chuẩn bị các tài liệu vụ kiện đòi bồi thường cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. 

PV: Với những kết quả trên, dường như Vụ PLQT đã không gặp phải khó khăn gì trong suốt năm 2007, thưa ông?

Ông Hoàng Phước Hiệp: Thực sự năm qua, Vụ PLQT cũng đã có rất nhiều thuận lợi, mà trước hết là sự ủng hộ chân thành của tập thể Lãnh đạo Bộ Tư pháp, nhiều đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và tập thể CBCC, viên chức của Bộ Tư pháp và đặc biệt là sự đồng lòng của tập thể công chức của Vụ Pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng công việc và kết quả đã đạt được của Vụ năm 2007, không thể nói chúng tôi đã không gặp khó khăn gì. Là một vụ mới thành lập (từ năm 2003) với số lượng CBCC trẻ, nhiệt tình, có học vấn (chiếm 50% CBCC của Vụ) nhưng hạn chế là ở chỗ họ còn thiếu kinh nghiệm, nên hầu như công việc đè nặng lên vai những CBCC đã “dạn dày”kinh nghiệm công tác, vì thế, công việc thực sự quá tải đối với họ. Thêm vào đó, với chế độ lương bổng hiện nay thì thực sự CBCC của Vụ đã phải vượt qua nhiều thách thức để tiếp tục làm việc tại Bộ Tư pháp có hiệu quả. Có những thời điểm họ phải làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, còn làm thêm ngoài giờ là thường xuyên. Tất cả là vì công việc, vì nếu tính các chế độ phụ cấp thì thực sự không bằng 1/5 thu nhập hợp pháp mà họ có thể kiếm được bên ngoài vào thời gian đó. Điều đó cho thấy sự yêu nghề và trách nhiệm của đội ngũ CBCC đang làm việc tại Vụ – một yếu tố giúp Vụ hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ trong năm vừa qua.

Một khó khăn nữa là sự bất cập trong kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế ngay ở các cơ quan Bộ, ngành trung ương và địa phương. Mặc dù trong năm, Vụ đã phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức cho CBCC ngay trong Bộ Tư pháp về vấn đề hội nhập và WTO nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, khi xây dựng và thẩm định các VBQPPL còn có chỗ thiếu sót. Ở địa phương, có chỗ cán bộ cơ quan tư pháp không nắm vững các qui định của pháp luật quốc tế, nên khi lập hồ sơ ủy thác tư pháp không đúng qui định, gẫy chậm trễ trong thực hiện công tác này.

PV: Những khó khăn này không dễ khắc phục trong “ngày một, ngày hai”. Vậy, trong năm 2008, Vụ PLQT dự định sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào trước ảnh hưởng của những khó khăn đó, thưa ông?

Ông Hoàng Phước Hiệp: Cho dù khó khăn thì cũng phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là khi công việc của chúng tôi lại liên quan trực tiếp đến các vấn đề về pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Do đó, một trong những công tác trọng tâm của năm 2008 là tiến hành các hoạt động triển khai để Luật Tương trợ Tư pháp đi vào cuộc sống bằng việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ ban hành; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, tập huấn cho địa phương về Luật này…

Vụ cũng sẽ tham gia soạn thảo Hiệp định Tương trợ Tư pháp với các nước ASEAN về dân sự, thương mại và Hiệp định miễn thị thực và đơn giản hóa các thủ tục trong hoạt động tư pháp; tham gia đàm phán với các nước ASEAN về các vấn đề cụ thể, các Hiệp định thương mại với các nước ASEAN +; chủ trì, phối hợp với các đơn vị đàm phán, chuẩn bị ký kết Hiệp định tương trợ Tư pháp với Angeri, Thỏa thuận với Đài Loan và các nước khác. Ngoài ra, một số hoạt động khác vẫn phải làm thậm chí với tốc độ cao hơn, trong đó tiếp tục rà soát các VBQPPL sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tháng 7/2007 đã có báo cáo giữa kỳ về kết quả đợt rà soát này và dự kiến đến tháng 6 năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành báo cáo cuối cùng. Hy vọng, với những hoạt động trên, trong năm 2008, Vụ PLQT sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ và đạt hiệu quả như những gì đã làm được trong năm 2007.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Giang

Tính đến 31/10/2007, Vụ PLQT đã thẩm định và góp ý được 511 văn bản gồm góp ý 189 ĐƯQT, 177 VBQPPL; thẩm định 82 ĐƯQT, 63 VBQPPL; cấp ý kiến pháp lý cho 27 khoản vay nước ngoài; thẩm định và góp ý 50 đề án của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến chiến lược phát triển; thực hiện được 1517 hồ sơ ủy thác gửi đi nước ngoài, trả lại địa phương gần 500 hồ sơ do không đảm bảo yêu cầu. Tính trung bình, trong năm 2007, mỗi tháng các Bộ, ngành, địa phương gửi về Vụ PLQT 47 VB đề nghị cho ý kiến góp ý, thẩm định, trong đó có nhiều ĐƯQT phải thẩm định trên văn bản bằng tiếng nước ngoài.

      

1900.0191